Lênh đênh kiếp vạn chài

15:21 22/10/2010

Đã nhiều đời nay, họ gắn bó với nghề cha truyền con nối, lênh đênh trênsông nước để mưu sinh. Cuộc sống vạn chài thiếu thốn trăm bề, đặc biệtlà con tôm, con cá dưới sông cũng dần cạn kiệt nên khao khát lớn nhấtcủa cuộc đời họ là được lên bờ để có tấc đất cắm dùi...
Đã nhiều đời nay, họ gắn bó với nghề cha truyền con nối, lênh đênh trênsông nước để mưu sinh. Cuộc sống vạn chài thiếu thốn trăm bề, đặc biệtlà con tôm, con cá dưới sông cũng dần cạn kiệt nên khao khát lớn nhấtcủa cuộc đời họ là được lên bờ để có tấc đất cắm dùi...

80 tuổi nhưng cụ Vân vẫn phải lênh đênh trên thuyền
80 tuổi nhưng cụ Vân vẫn phải lênh đênh trên thuyền

Gia tài của mỗi hộ dân xóm chài đều giống nhau, đó là chiếc thuyền rộng khoảng 20- 25m2 dùng để ở và chiếc thuyền nhỏ để đánh bắt cá. Nhà nào khá giả thì có chiếc ti vi nhỏ, còn đại đa số có radio, mấy bộ chài lưới cùng chiếc xe đạp cà tàng để đi lại mỗi khi có việc lên bờ.

Những mảnh đời sông nước

Vào buổi sáng đầu tháng 10, chúng tôi có dịp đến thăm làng chài dưới chân cầu Kiến An, thuộc phường Ngọc Sơn (Kiến An). Dưới ánh bình minh của một ngày mới, trong không gian tĩnh lặng, làng vạn chài hiện hữu nhỏ bé như một ốc đảo, thu mình dưới chân cầu. Mặc dù mực nước sông Văn Úc lúc này đã rút cạn dưới lòng sông, nhưng để ra được thuyền của các hộ dân vạn chài, tôi phải mượn ủng để lội qua lớn bùn dày đặc.

Ngày tiếp ngày, họ vẫn lặng lẽ, hai buổi bám thuyền, vật lộn trên sông nước để kiếm kế sinh nhai, lo cho cái ăn, cái mặc và học hành của con cái. Những năm trước đây, dân vạn chài lênh đênh theo con nước dọc theo các khúc sông để đuổi theo con tôm, con cá nên tỷ lệ thất học và mù chữ chiếm tương đối cao. Từ khi dân chài chọn bãi bồi rộng dưới chân cầu Kiến An để an cư, lạc nghiệp thì bọn trẻ mới có điều kiện được đến trường. Bởi vậy, trong tổng số 16 hộ dân với 84 nhân khẩu của làng chài, thì chỉ có 19 trẻ em biết chữ. Tuy nhiên, trong làng chài chưa có học sinh nào học hết cấp II. Chính vì thế mà nhiều người trong số họ luôn mặc cảm với nghề nghiệp, thu nhỏ mình giữa một thành phố năng động. Tuy mỗi người một số phận, hoàn cảnh, quê hương khác nhau, nhưng tôi cảm nhận được ở họ sự đoàn kết, gắn bó, cùng chia sẻ để vượt qua những khó khăn thường ngày.

Đến thăm gia đình chị Trần Thị Thơi, 50 tuổi, quê ở Hải Dương, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chiếc thuyền gỗ xuống cấp là tài sản duy nhất mà vợ chồng chị có được sau nhiều năm sống trên sông nước. Tất cả mọi sinh hoạt từ ăn ngủ, tắm giặt, nấu nướng của 8 người trong gia đình chị đều bó hẹp trên con thuyền rộng chừng 15m2. Cũng bởi cuộc sống nghèo khó, thu nhập từ nghề chài lưới bấp bênh nên nhiều năm nay, chị Thơi chẳng dám mua sắm các tiện nghi để phục vụ sinh hoạt. Chỉ có chiếc tivi đã cũ, chị chắt bóp mua được để gia đình quây quần ngồi xem vào tuổi tối. Qua câu chuyện với chị Thơi, tôi được biết trong số 6 người con của chị, chỉ có 2 cháu được đến trường, đang học tại Trường tiểu học Ngọc Sơn. Điều khiến chị Thơi lo lắng là đồng tiền kiếm được từ chài lưới ngày càng khó khăn, đồng nghĩa với việc 2 con chị sẽ phải bỏ học giữa chừng...

Nhà của anh Trần Văn Nghị, 46 tuổi, là chiếc thuyền nhỏ được làm bằng xi măng, mái thuyền được lợp bằng phên cọ. Ngày nào cũng vậy, cả nhà anh phải dậy từ 4 giờ sáng để đánh cá. Trong câu chuyện, anh Nghị tâm sự: “Từ đời cụ kỵ nhà tôi đã trôi nổi trên sông nước rồi”. Và anh phấn khởi khoe với tôi rằng trong 3 người con (1 trai, 2 gái) thì hai cô con gái may mắn xin được công việc ổn định và lên bờ lấy chồng. Còn cậu con trai thì mù chữ nên vẫn phải nối nghiệp cha bằng nghề chài lưới... Ngày xưa, cá tôm dễ kiếm, cuộc sống dân chài cũng ấm bụng, còn bây giờ thì thủy sản quá khan hiếm nên gia đình anh Nghị và dân vạn chài đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, sóng to gió lớn, đi thuyền cả ngày cũng chỉ kiếm đuợc 30-40 nghìn đồng, phải chi tiêu tằn tiện mới đủ lo cho mấy miệng ăn.

Và khát vọng được lên bờ

Lênh đênh trên thuyền, trong số hộ dân vạn chài ở phường Ngọc Sơn cũng gặp nhiều rủi ro và tai nạn sông nước. Đặc biệt là trẻ em từ 3-4 tuổi phải theo cha mẹ đi thuyền, chỉ cần bất cẩn là bị rơi xuống sông. Người dân làng chài còn nhớ như in cảnh thang thương đổ ập xuống gia đình anh Lê Văn Cường. Cách đây gần 10 năm, để lo cái ăn cho 5 đứa con nhỏ, vợ chồng anh Cường phải đánh cá từ sáng sớm. Khi bố mẹ vắng nhà, hai cháu nhỏ (lớn 6 tuổi, nhỏ 4 tuổi) đã ngã xuống sông trở thành “miếng mồi” cho hà bá.




Cũng do cuộc sống khó khăn, thuyền bè nhiều năm không được tu sửa, mục nát nên mùa mưa bão, trẻ nhỏ, phụ nữ và người già phải chạy lên bờ, chỉ còn những người có sức khỏe bám trụ lại để giữ thuyền. Khó khăn là vậy, nhưng nhiều năm qua, xóm chài không có một cuộc liên hoan để chia tay gia đình nào đó lên bờ.

Hoàn cảnh của cụ Đào Thị Vân, 80 tuổi, thật khó khăn. Chồng mất sớm, để lại cho cụ 8 người con và tài sản duy nhất một chiếc thuyền gỗ ọp ẹp. Để mưu sinh lo cái ăn cái mặc hàng ngày, cả 8 người con của cụ đều bám lấy sông nước. Tâm sự với tôi, đôi mắt cụ rớm lệ, nhìn về phía bờ sông. Tôi hiểu rằng, ở cái tuổi gần đất xa trời, mong muốn lớn nhất của cụ là có được mảnh đất nho nhỏ để an cư, cụ sẽ có một nơi chôn cất đoàng hoàng khi về với tổ tiên. Vợ chồng ông Lê Văn Khảng cũng đã hơn 75 năm lênh đênh trên sông nước. Điều mà ông Khảng lo lắng nhất đời ông, cha đã khổ, nay con cháu sẽ sống ra sao khi mà tôm cá duới sông dần cạn kiệt. Vậy là ước mơ của từ bao đời được lên bờ của người dân vạn chài ở phường Ngọc Sơn vẫn mãi mãi chỉ là giấc mơ...

Trao đổi với tôi, ông Bùi Toàn Vượng, Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Sơn, cho biết: Làng chài đã tồn tại trên bãi bồi sông Văn Úc khu vực phường Ngọc Sơn được gần 30 năm. Ban ngày họ đi đánh cá, tối về buông neo ở đây. Hộ này rủ hộ khác tập họp về thành xóm chài nhỏ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vạn chài làm ăn trên sông nước, năm 2007, UBND phường tổ chức làm giấy khai sinh; cấp giấy đăng ký tạm trú cho 100% số khẩu của làng chài.

Được sự quan tâm của tổ chức tầm nhìn thế giới, phường đã kéo nước máy và điện sinh hoạt về khu bãi bồi, cung cấp 16 hộ dân. Năm 2009, UBND phường tổ chức lớp xóa mù gần chục người dân. Bên cạnh đó, phường còn kết hợp với Trường tiểu học Ngọc Sơn mở lớp tình thương cho 12 trẻ em trong độ tuổi đến trường. Đầu năm học, các cháu được cấp phát quần áo, sách vở; đồng thời giảm 50% học phí, tạo điều kiện cho các gia đình yên tâm cho con đến trường học chữ.

Điều đáng mừng là ở xóm chài hiện nay, trẻ nhỏ đều đã biết yêu trường, yêu lớp. Tất cả hy vọng của xóm đều dành hết vào những cháu đang ngồi trên ghế nhà trường. Họ hy vọng rằng cái chữ sẽ kéo các con của họ lên bờ và cuộc sống của họ sẽ có nhiều đổi thay.

Tôi rời làng chài phường Ngọc Sơn khi mặt trời đã đứng bóng, khi bữa cơm trưa đang được nhen lên từ những bếp lửa hồng. Mong rằng với sự quan tâm của chính quyền địa phương và của toàn xã hội, một ngày không xa, người dân làng chài hài sẽ có cuộc sống ổn định, vượt qua mọi khó khăn ở phía trước để hòa nhập cộng đồng.


HỒNG HẢI


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông