17:16 22/10/2017 Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình lên Quốc hội để thông qua vào cuối năm nay đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Các đặc khu kinh tế này được kỳ vọng là là chiếc “đũa thần”, nâng tầm đẳng cấp Việt Nam để đuổi kịp với những quốc gia phát triển trong khu vực. Để hình dung rõ hơn về chủ trương mới này tại Việt Nam, ANHP xin giới thiệu với bạn đọc về một số mô hình đặc khu kinh tế thành công trên thế giới.
Với lịch sử hình thành kéo dài hàng trăm năm, sự hình thành đầu tiên là các “cảng tự do” ở Ý vào năm 1547 và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 18.
Mô hình cảng tự do sau đó được mở rộng trên phạm vi một vùng lãnh thổ trở thành khu mậu dịch tự do như Singapore (1819), Hồng Kông (1842).
Mô hình khu kinh tế hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico (vùng quốc hải ở phía Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ) năm 1942 và dần được nhân rộng tại nhiều quốc gia châu Á, như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Phillippines, Singapore vào cuối thập kỷ 60.
Đến năm 2015, đã có khoảng 4.500 khu kinh tế tại 140 quốc gia, trong đó có nhiều nước đang phát triển. Sự phát triển của các khu kinh tế góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp (Theo tạp chí Kinh tế thế giới, 2015).
Đặc khu kinh tế hiện nay đã là một mô hình thu hút đầu tư rất phổ biến trên thế giới, không ít đặc khu đã từng tạo ra những phép màu về phát triển kinh tế.
Trong vùng có diện tích địa lý nhất định, đặc khu kinh tế có quy định và luật lệ liên quan đến kinh doanh và thương mại khác biệt với các vùng khác trong một quốc gia.
Các đơn vị hoạt động trong đặc khu kinh tế do vậy sẽ được hưởng những đặc quyền, ưu đãi riêng.
Khi mô hình đặc khu thương mại tự do hiện đại đầu tiên được thiết lập tại sân bay Shannon (Ireland) năm 1959, không mấy ai ngoài lãnh thổ Ireland quan tâm tới mô hình này.
Nhưng giờ đây, tất cả đều thích thú với các đặc khu kinh tế có sự kết hợp giữa ưu đãi thuế, thủ tục hành chính được tối giản và các quy định được nới lỏng.
Hiện nay có đến 3/4 các nước trên thế giới đều có ít nhất một đặc khu kinh tế. Theo một thống kê, thế giới hiện có khoảng 4.300 đặc khu kinh tế và số đặc khu kinh tế này ngày càng nhiều lên qua thời gian.
Rất nhiều đặc khu kinh tế đã thành công, đem lại phép màu trong phát triển kinh tế tại nhiều nước trên thế giới.
Lớn nhất có thể kể đến đặc khu kinh tế gần Hong Kong của Trung Quốc, được thiết lập vào năm 1980, và sau này được gọi với cái tên "Phép màu Thâm Quyến".
Đây là nơi các lãnh đạo Trung Quốc đã thử nghiệm các chính sách cải tổ kinh tế một cách thận trọng, trước khi áp dụng đại trà trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Tháng 8-1980, Thâm Quyến chính thức được công nhận là đặc khu kinh tế. Đây là bước ngoặt đưa làng chài nghèo khó trở thành siêu đô thị hiện đại với những tòa nhà chọc trời như Trung tâm tài chính cao cấp Ping An (tòa nhà cao thứ 4 trên thế giới - 599m) và tòa nhà Kingkey 100 (tòa nhà cao thứ 14 trên thế giới - 442m).
GDP năm 2016 của Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD. Tổng sản lượng kinh tế của đặc khu này cao hơn của Bồ Đào Nha, Ireland. GDP bình quân đầu người là 25.790USD.
Cuối thập niên 1990, tốc độ phát triển hạ tầng cơ sở của Thâm Quyến gói gọn trong một khẩu hiệu "mỗi ngày 1 cao ốc, 3 ngày 1 đại lộ".
Kết quả của việc xây dựng thần tốc đó là hiện tại sân bay Thâm Quyến có các chuyến bay đến hầu hết mọi nơi trên thế giới. Đường sắt và đường bộ hiện đại nối liền với Hồng Kông và các thành phố khác của Trung Quốc.
Hai tuyến tàu điện ngầm bắt đầu vận hành từ năm 2004. Có thể đi từ Thâm Quyến tới Châu Hải, Macau, Hồng Kông, sân bay Chek Lap Kok bằng tàu thủy cao tốc…
Thâm Quyến được biết đến như “đại bản doanh” của nhiều “gã khổng lồ công nghệ” như Tencent, ZTE, hay Huawei. Hơn 400 trong tổng số 500 công ty lớn nhất Thế giới cũng đã hiện diện nơi đây.
Thâm Quyến là nơi áp dụng thể chế, chính sách vượt trội ở Trung Quốc: Hệ thống hợp đồng lao động và lương mới; Hệ thống đấu thầu mới; Chính sách nhà ở cho công nhân; Nơi đầu tiên thực hiện đấu giá quyền phát triển đất (1987); Tách hoạt động thương mại ra khỏi các cơ quan nhà nước và chính phủ.
Tăng cường vai trò của hệ thống pháp lý và bầu cử dân chủ đối với chức danh giám đốc nhà máy; Xây dựng sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Trung Quốc (1990); Cải cách hệ thống giá cả… Đặc khu kinh tế Thâm Quyến và các chính sách áp dụng tại đây đã được nhân rộng đi nhiều thành phố khác của Trung Quốc.
Những đặc khu kinh tế thành công nhất là những đặc khu gắn liền hoạt động với kinh tế nội địa. Tại Hàn Quốc, mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong đặc khu kinh tế và các nhà cung cấp trong nước được thúc đẩy. Để kết nối với thị trường quốc tế, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng có hiệu quả lớn hơn nhiều so với ưu đãi về thuế.
Công tác này thường đòi hỏi nguồn vốn nhà nước để nâng cấp đường, ray xe lửa và cảng biển để chuyên chở hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển. Thiếu sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng là nguyên nhân khiến rất nhiều đặc khu kinh tế tại châu Phi thất bại. Tương tự, những đặc khu kinh tế có nguồn điện năng thiếu ổn định hoặc quá xa cảng biển cũng sẽ nắm chắc phần thua.
HẢI HẬU