Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Liều "vắc xin tinh thần” quý giá giữa mùa dịch

20:44 10/11/2021

“Đất nước ta đang từng bước khôi phục để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nói chung và các văn nghệ sĩ nói riêng đã luôn nỗ lực vượt khó để chung tay tạo nên những “liều vắc xin tinh thần”, cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn. Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 cũng chính là một hoạt động biểu thị mong muốn vực dậy nền sân khấu sau Covid-19”… Những lời chia sẻ tâm huyết của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại Lễ khai mạc đã cho thấy sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những cố gắng không mệt mỏi của giới nghệ sĩ sân khấu khi luôn đặt mình vào vị trí xung kích trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.
Vở “Đường chân trời” của Đoàn kịch nói Hải Phòng trình diễn ngay sau Lễ khai mạc

Như chia sẻ của nhiều nghệ sĩ và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, dịch bệnh kéo dài đã khiến các đoàn không thể tổ chức hoạt động biểu diễn, việc dàn dựng vở diễn mới cũng vô cùng khó khăn… Chính vì vậy, sự hiện diện của hơn 600 nghệ sĩ và 20 vở diễn tham gia Liên hoan thực sự là những sự nỗ lực của giới nghề.

Trong số những vở đăng ký tham gia Liên hoan lần này, có những vở đã được dàn dựng tới hơn 2 năm nhưng vẫn chưa có điều kiện công diễn trước khán giả; ngược lại, có những vở diễn phải dàn dựng gấp gáp trong thời gian ngắn, tranh thủ vừa hết giãn cách để kịp đến với Liên hoan.

Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu tham gia bốn vở, trong đó Đường chân trời của Đoàn kịch nói Hải Phòng và Non thiêng của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh được dàn dựng chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tháng.

 NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ: “Nhận lời dàn dựng cho hai đoàn Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng vì tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp ở TP.HCM nên tôi không thể ra sớm được, dù vậy, cả hai đoàn vẫn cứ kiên nhẫn chờ đợi tôi ra Bắc. Trân trọng cái tình và quyết tâm lớn ấy nên tôi đã dốc sức đêm ngày để hoàn thành cho các vở diễn kịp vào Liên hoan. Chúng tôi thậm chí còn chưa có thời gian để nhìn lại và hoàn thiện chỉn chu hơn cho tác phẩm của mình, vở diễn còn chưa kịp ra mắt khán giả…”.

Cũng lần này, có tới bốn đơn vị dàn dựng kịch bản của tác giả Chu Thơm, trong đó có CLB Sân khấu thử nghiệm Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam với vở “Lau trắng”.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng: Việc tổ chức Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 là để khởi động lại các hoạt động văn hoá nghệ thuật phục vụ quần chúng nhân dân đã bị đứt quãng trong thời gian dịch bệnh. Sau những ngày căng thẳng chống dịch thì người dân rất cần những liều vắc xin tinh thần để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các Đoàn tham gia Liên hoan Kịch nói tại Hải Phòng thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, các Đoàn không tập trung cùng nhau mà đến đoàn nào tham gia biểu diễn là đoàn đó có mặt sau đó “rút quân” luôn sau khi kết thúc biểu diễn.

Như đã nói, có tới hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên của 14 đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương khu vực phía Bắc đã tụ hội về Thành phố Hoa phượng đỏ từ 5.11 đến 16.11 với 20 tác phẩm dự thi. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đơn vị sân khấu kịch nói phía Nam sẽ tổ chức thi riêng ở thành phố Hồ Chí Minh vào một thời điểm thích hợp.

Tuy vậy, Liên hoan đã quy tụ được lực lượng sáng tạo sung sức nhất hiện nay của sân khấu kịch nói, trong đó phải kể tới những cái tên “sáng giá” như: Nguyễn Đăng Chương, Chu Thơm, Lê Thị Thu Hạnh, Lê Chí Trung, Bùi Vũ Minh, Xuân Đức, Minh Nguyệt, Hoàng Thanh Du, NSND Lê Hùng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Tuấn Hải, NSND Nguyễn Trung Hiếu, NSƯT Phạm Đỗ Kỷ, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Phạm Chí Trung, NSƯT Kiều Minh Hiếu… Qua đó thấy rằng, kịch nói đang có một đội ngũ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn hùng hậu, hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò kế cận các lớp đàn anh, đàn chị hơn các thể loại sân khấu khác.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng tại đêm khai mạc Liên hoan, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: “Sẽ không có sự phân biệt giữa đoàn nghệ thuật công lập hay xã hội hóa, Trung ương hay địa phương, cũng không có sự phân biệt về tuổi tác làm nghề… Ban tổ chức đã mời một Hội đồng nghệ thuật là những NSND, NSƯT rất có uy tín trong hoạt động nghệ thuật. Công tâm, khách quan để lựa chọn ra những vở diễn hay nhất, những diễn viên tài năng nhất để tôn vinh là cái đích được đặt ra đối với Liên hoan lần này”.

Được biết, Liên hoan có tiêu chí chấm điểm rất cụ thể về chủ đề, tư tưởng và nội dung cũng như khuyến khích các vở diễn có sự tìm tòi, sáng tạo mới về kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, trang phục, kỹ thuật diễn xuất của diễn viên… Đối với nghệ sĩ biểu diễn phải kết hợp được nhuần nhuyễn và tinh tế giữa hành động và tâm lý, hình thể và tiếng nói; phải khắc họa rõ tình cảm, tính cách và hình tượng nhân vật mang tính chuyên nghiệp cao; gây được ấn tượng sâu sắc và cảm xúc tốt đẹp cho người xem. Đặc biệt, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo trong các vai diễn; xây dựng nhân vật độc đáo đóng góp quan trọng cho thành công của vở diễn. Bộ VHTTDL sẽ có những hình thức khen thưởng huy chương vàng, huy chương bạc và huy chương đồng cho các vở diễn có chất lượng cao, các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ, họa sĩ có những sáng tạo xuất sắc trong các vở diễn tham gia Liên hoan.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông