Liên kết kinh tế vùng - nhìn từ vị thế Hải Phòng: Kỳ 2 - Khẳng định vai trò trung tâm

12:14 03/07/2018

Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển của Hải Phòng là trung tâm dịch vụ, du lịch, thuỷ sản, giáo dục và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ. Đã là trung tâm, đương nhiên phải tạo ra sự kết nối chặt chẽ với các hướng vệ tinh.

 

Cần phải thấy rằng, những năm gần đây vùng duyên hải Bắc Bộ gồm 5 tỉnh thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, được coi là một khu vực phát triển hết sức năng động.

Với dân số khoảng 9 triệu người, theo Quyết định số 865/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2008, vùng được định hướng trở thành vùng kinh tế tổng hợp tầm quốc gia và quốc tế, đồng thời là trung tâm văn hóa - lịch sử, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Nghĩa là như những gì đã được Trung ương định hướng, thì Hải Phòng là trung tâm lõi của vùng trung tâm duyên hải Bắc Bộ.

Cùng với định hướng trên, Nghị quyết 32 cũng đặt Hải Phòng cùng với Hà Nội và Quảng Ninh, tạo thành tam giác kinh tế năng động của khu vực đồng bằng sông Hồng. Một khu vực với tầm điều chỉnh tới hơn 20 triệu dân, phân bố trên diện tích thuộc 10 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Vĩnh Phúc.

Trong khu vực này, vị thế của Hải Phòng là rất lớn, nhất là trên lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Chỉ tính riêng sản xuất công nghiệp, khu vực đồng bằng sông Hồng có 61 khu công nghiệp, chiếm 26% về số lượng và trên 21% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Trong đó Hải Phòng có 12/17  khu công nghiệp được quy hoạch đã đi vào khai thác, chưa kể các cụm, điểm công nghiệp địa phương.

Về phương diện kinh tế đối ngoại, thương mại Hải Phòng xếp thứ 2 trong khu vực đồng bằng sông Hồng, thị trường xuất khẩu mở rộng đến 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lượng hàng hóa qua các cảng do Cảng vụ hàng hải Hải Phòng quản lý chiếm 57,8% tổng lượng hàng hóa qua cảng cả miền Bắc.

Đồng thời trong chiến lược “hai vành đai – một hành lang kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hải Phòng còn được xác định là đầu mối quan trọng kết nối về phía Tây Bắc tới Côn Minh (Vân Nam – TQ) và về phía Đông Bắc tới Nam Ninh (Quảng Tây – TQ). 

Với vị thế đặc biệt quan trọng như vậy, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW, Hải Phòng đã thu hút nguồn lực đầu tư lớn trên mọi hướng. Đáng kể nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ 5 dạng hình đã hình thành sự kết nối rõ nét với cả trong và ngoài nước, những công trình trọng điểm cấp quốc gia đã và đang được đưa vào khai thác như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nâng cấp quốc lộ 10, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống cầu – đường – cảng nước sâu Tân Vũ – Lạch Huyện…

Cũng trong thời gian 15 năm qua, trên địa bàn Hải Phòng đã có hơn 20 cây cầu vượt sông, vượt cạn, kết nối các tiểu khu vực được đầu tư, hầu hết đã đi vào sử dụng. Một điểm nhấn quan trọng nữa, đó là từ ý tưởng khởi xướng của Hải Phòng, lãnh đạo các địa phương đã ngồi lại, thống nhất đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc ven biển, mở ra hướng kết nối thiết thực cho cả vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Dịch vụ cảng biển vẫn xứng đáng với vai trò trung tâm,  từ bến “6 kho” của hơn 130 năm trước, đến nay cảng biển Hải Phòng đã là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế, với 42 doanh nghiệp khai thác, 44 bến, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 55.000 DWT giảm tải. Hệ thống xếp dỡ và kho bãi được đầu tư hiện đại, năng suất xếp dỡ bình quân đạt 50 đến 60 container/giờ/tàu đối với hàng nhập và 40 moves/giờ/tàu đối với hàng xuất khẩu. 

Trên thực tế, tính chất kết nối kinh tế qua dịch vụ cảng Hải Phòng đã bao trùm hầu như cả địa bàn khu vực phía Bắc, được thể hiện qua những con số như sản lượng hàng qua cảng tới trên 92 triệu tấn/năm, kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 19,43%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 18,97%...  theo số liệu năm 2017. Vốn đầu tư cảng biển tăng nhanh chóng, năm 2003 chỉ có 65,962 tỷ đồng, đến năm 2017 đã là 4.329,405 tỷ đồng, chiếm 7,51% tổng đầu tư toàn xã hội.

Không gian phát triển cảng đã được mở rộng ra phía biển, đặc biệt là khu vực Đình Vũ và cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện.

Giữ vai trò trung gian kết nối với hệ thống cảng, phải kể đến dịch vụ logistics nói chung và vận tải nói riêng, hiện các doanh nghiệp Hải Phòng chiếm ưu thế vượt trội về vận tải hàng hóa từ cảng. Số lượng doanh nghiệp vận tải biển tăng từ con số 47 năm 2003 lên 188 doanh nghiệp vào năm 2017, với 680 tàu, tổng trọng tải 3.669.128 DWT, chiếm 41% tổng số tấn trọng tải của cả nước.

Cùng với đó là 1.794 doanh nghiệp vận tải đường bộ, vận hành 74.120 ô tô chở hàng, trong đó 15.236 xe container. Vận tải hành khách cũng chiếm áp đảo các tuyến hai chiều với Hải Phòng, số lượng xe khách là 90.221 chiếc, đạt mức vận chuyển 47,7 triệu lượt khách vào năm 2017.

Vận tải đường sắt dù khiêm tốn nhưng cũng đạt 588 nghìn lượt khách và hơn 1,2 triệu tấn hàng hóa. Vận tải hàng không từ duy nhất 1 chặng bay, sau khi nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi,  đã có 4 hãng hàng không tham gia khai thác, với 11 chặng bay trong nước và quốc tế, lượng hành khách khoảng hơn 2 triệu lượt/năm, lượng hàng hóa khoảng 11 triệu tấn/năm.

Thành phố còn có hệ thống dịch vụ với 41 bãi container diện tích khoảng 200 ha, đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng hóa qua cảng, đồng thời góp phần không nhỏ vào doanh thu dịch vụ trên địa bàn với khoảng 20.693 tỷ đồng trong năm 2017.

Như vậy có thể nói, Hải Phòng đã và đang khẳng định vị trí trung tâm trong kết nối kinh tế - xã hội, là đầu mối giao dịch giữa các địa phương khu vực phía Bắc với ngoài nước và ngược lại. Tuy nhiên nhìn vào tổng thể, sự kết nối đó vẫn bộc lộ không ít hạn chế, nhất là tính điều phối của vị trí trung tâm với các vệ tinh.

Mặt khác, nhiều phân ngành kinh tế Hải Phòng dù bứt phá ngoạn mục, nhưng chưa thể hiện rõ sự kết nối như công nghiệp, thương mại, du lịch…

(còn nữa)

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông