Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông: Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Bài 1)

18:16 21/09/2023

Vừa qua, tại Hải Phòng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND 4 tỉnh, thành phố thuộc trục cao tốc phía Đông (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương) tổ chức diễn đàn liên kết phát triển khu công nghiệp. Đây là một vấn đề khá hấp dẫn, thu hút sự quan tâm không chỉ của lãnh đạo các địa phương mà cả đối với các chuyên gia, các nhà quản lý và đặc biệt là các nhà đầu tư với mục tiêu “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Nói cách khác, cả 4 địa phương cùng mong muốn có sự liên kết, hợp tác phát triển KCN để mang lại hiệu quả cao nhất, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bài 1:

                   Nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu

          Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương là các địa phương trọng điểm công nghiệp của miền Bắc và cả nước với tốc độ thu hút, phát triển các KCN rất nhanh và gặt hái được nhiều thành công. Mỗi địa phương  đều có thế mạnh riêng nhưng đồng thời cũng bộc lộ một số hạn chế. Nhận diện rõ các điểm mạnh, điểm yếu để cùng khắc phục và cùng phát triển luôn được các địa phương quan tâm.

                   Sức hấp dẫn khó cưỡng

          Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, 4 địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 KKT và KCN. Trong đó Hải Phòng có 1 KKT Đình Vũ- Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702 ha. Hải Dương có 24 KCN tổng diện tích khoảng 4508ha; Quảng Ninh có 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển) và 16 KCN, tổng diện tích khoảng 388.671ha. Hưng Yên có 17 KCN, diện tích là 4395ha…

          Những năm gần đây, tốc độ thu hút và phát triển các KCN của 4 địa phương khá nhanh, cùng với đó là những chính sách thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, tạo nên sự sôi động trong các KKT, KCN. Đáng chú ý, các địa phương đều có các KCN quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, hiện đại; một số KCN kiên trì đi theo định hướng phát triển KCN xanh, KCN sinh thái thân thiện với môi trường nên càng tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

                                                      Sôi động các dự án đầu tư tại KCN DEEP C

Nổi bật là tổ hợp KCN DEEP C; VSIP Hải Phòng; nam cầu Kiền; Tràng Duệ (Hải Phòng); các KCN Cảng biển Hải Hà; Sông Khoai; Tiền Phong (Quảng Ninh); KCN Đại An; Lai Vu (Hải Dương); KCN Phố Nối; Yên Mỹ; Thăng Long (Hưng Yên)…  Các KCN tại 4 địa phương đã thu hút được một số nhà đầu tư FDI lớn, có năng lực, kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: LG (Hàn Quốc); Amata (Thái Lan); Texhong (Trung Quốc), Foxconn (Đài Loan), Bumjin (Hàn Quốc), Ford (Hoa Kỳ); Sumitomo (Nhật Bản); LH (Hàn Quốc)…

Về thu hút đầu tư, lớn nhất hiện nay là Hải Phòng với tổng vốn thu hút vào các KCN, KKT lên tới 38 tỷ USD (gồm 494 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 24,9 tỷ đô la Mỹ và 214 dự án trong nước với tổng vốn 309 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 6 cả nước, thứ 2 miền Bắc (sau Hà Nội). Tỉnh Quảng Ninh, thu hút được 122 dự án đầu tư (trong đó dự án FDI là 84 dự án và dự án trong nước là 38 dự án). Tổng vốn đăng ký đầu tư 5,1 tỷ USD và 54.214,8 tỷ đồng. Tỉnh  Hải Dương đã thu hút được 348 dự án (bao gồm 16 dự án hạ tầng KCN và 332 dự án đầu tư thứ cấp); trong đó, có 262 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5 tỷ USD và 71 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 11.484 tỷ đồng. Hưng Yên có 11 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư thu hút vào trong KCN khoảng 9 tỷ USD.

Các KCN, KKT của 4 địa phương góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 400.000 người. Trong đó, Hải Phòng dẫn đầu với hơn 180.000 người; Hải Dương hơn 100.000 người…

          Các KCN có đóng góp lớn cho thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương; tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế…

                                          Cầu Dinh kết nối giữa Hải Phòng và Hải Dương, tạo đà để liên kết phát triển các KCN

          Điều đáng nói là 4 địa phương có thế mạnh rất nổi trội từ hệ thống trục cao tốc phía Đông, bao gồm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Hải Phòng – Hạ Long; Hạ Long – Vân Đồn; Vân Đồn – Móng Cái  được đưa vào sử dụng bên cạnh các tuyến giao thông quan trọng khác giúp kết nối các KKT, KCN  với hạ tầng cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn và các cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh,  thuận lợi kết nối với các tỉnh phía nam Trung Quốc và thế giới. Cùng với đó là hệ thống các KKT, KCN được quy hoạch, được ưu tiên đầu tư và nguồn lao động khá dồi dào tạo nên sức hấp dẫn tự thân để thu hút đầu tư. Điều đó lý giải vì sao các KCN của 4 địa phương trong những năm gần đây đều vô cùng sôi động và hiệu quả. Riêng Hải Phòng, chỉ trong hơn 2,5 năm của nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đã thu hút gần 10 tỷ USD vốn FDI, trong đó có nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD, cho thấy sức hút mạnh mẽ, khó cưỡng của các địa phương.

          Bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc

          Mặc dù số KKT, KCN được quy hoạch và được đầu tư xây dựng khá nhiều nhưng tỷ lệ lấp đầy lại đang là vấn đề đáng quan tâm. Theo dữ liệu của Hiệp hội BĐS Việt Nam, tính đến hết quý 1-2023, tỷ lệ lấp đầy các KCN cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức hơn 80%. Trong đó khu vực phía nam trung bình đạt 85% dẫn đầu cả nước. Một số KCN tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy của các KCN thuộc 4 địa phương mới đạt khoảng 50%. Trong đó cao nhất là Hải Phòng đạt hơn 60%; Hải Dương hơn 51%; Quảng Ninh 43% và Hưng Yên 47,8%...

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) cho rằng,  bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, phát triển các KCN  của Việt Nam nói chung và 4 địa phương nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng; vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng; việc phát triển KCN theo chiều rộng gặp khó khăn; yêu cầu tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu khá cấp thiết...

Sầm uất khu cảng nam Đình Vũ Hải Phòng

          Tiến sĩ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nêu rõ, kết quả đánh giá rà soát các KCN cho thấy, quy hoạch, đầu tư phát triển và công tác  quản lý KCN tại 4 tỉnh, thành phố còn bộc lộ một số tồn tại. Mặc dù là vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước nhưng tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp; khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của một số KCN còn hạn chế. Thêm vào đó, phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Một vấn đề đáng quan tâm nổi lên là ngành sản xuất công nghiệp tập trung và các quốc gia thu hút đầu tư của 4 địa phương khá giống nhau, dẫn tới giảm sức hút, sức cạnh tranh.

          Còn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, bên cạnh thế mạnh về hệ thống đường cao tốc thì quốc lộ 5 là trục chính đang tập trung khá nhiều các KCN của các địa phương lại xuống cấp, tác động không nhỏ tới  thu hút đầu tư. Ngoài ra, liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn. Quy mô đất công nghiệp, đặc biệt là đất sạch với diện tích lớn cho KCN còn khá hạn chế. Đặc biệt, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng xã hội; các công trình thiết chế phục vụ KCN như nhà ở công nhân, trường học, bệnh viện và trung tâm nghiên cứu phát triển chưa được đầu tư đồng bộ; hầu hết đang sử dụng hạ tầng xã hội các khu dân cư và đô thị chung quanh. Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang có nhiều thách thức…

          (Còn tiếp)

                                                                                                                                               Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông