Lính cứu hỏa

17:17 23/07/2021

Chúng ta đang sống trong thời bình, song vẫn còn đó rất nhiều sự hi sinh, mất mát của những người lính cứu hoả - những chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH khi xả thân cứu người trong ranh giới gang tấc giữa sự sống và cái chết. Dẫu biết rằng hiểm nguy, phải đánh đổi bằng cả tính mạng nhưng những người chiến sĩ ấy vẫn một niềm tin và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân...
Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP tham gia diễn tập PCCC tại chợ Tam Bạc

Tôi nhớ như in lúc con gái tôi xem phim Lửa ấm đến đoạn đồng chí Tiến - Cán bộ đội Cảnh sát PCCC và CNCH trong một buổi tối đang đi trên đường gặp vụ tai nạn giao thông xe hơi, không chần chừ anh đã lao vào cứu người bị nạn, sau đó chiếc xe phát nổ, đã cướp đi mạng sống của anh. Con gái tôi đã ôm lấy ba khóc và nói rằng “Ba không làm chữa cháy nữa đâu!”. Bất giác, những giọt nước mắt của tôi cũng đã lăn dài trên gò má. Vì tôi biết cảnh tượng ấy không chỉ có trên phim mà đó chính là nhiệm vụ hằng ngày của những người đồng đội của tôi và chồng tôi - những chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH.

Mới chỉ là nhìn thấy cảnh tượng đau thương, sự hi sinh của người lính Cảnh sát PCCC và CNCH trên phim thôi mà con gái tôi đã nghĩ đến ba và không muốn ba làm nữa. Vậy những người mẹ, người vợ, người con của chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ đau đớn như thế nào khi nghe tin không hay về người thân của mình? Thực sự rất đau đớn, không gì có thể diễn tả được sự mất mát, đau thương ấy.

Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần hiểm nguy, bởi chỉ cần sơ suất một chút là những người đồng đội của tôi có thể trở thành nạn nhân nhưng họ vẫn xả thân, vẫn lăn lộn với cái nghề “người ta lao ra còn mình lao vào”. Họ băng mình qua “biển lửa” cứu người bị nạn, cứu tài sản; lặn lội trong mưa gió cứu giúp bà con vùng lũ, ngâm mình dưới nước lạnh để tìm kiếm thi thể của nạn nhân, những hình ảnh ấy đã tô thắm thêm trang sử vàng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP diễn tập tại chợ Tam Bạc

May mắn được gọi các anh là “đồng chí, đồng đội”, tôi đã từng được chứng kiến những giờ tập luyện dưới thao trường đổ nắng hay những ngày mưa tầm tã và cũng được nghe các anh kể lại nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm với nghề nhưng có lẽ kỷ niệm ấn tượng nhất đối với tôi là câu chuyện của Thiếu tá Phạm Văn Nam - Phó Đội trưởng Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố Hải Phòng sau khi các anh hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy Tàu Hải An 16 thuộc Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Hoàng Phát lúc 12 giờ 30 phút, ngày 21/9/2017:

Tại thời điểm xảy ra sự cố nổ buồng bơm, trên khoang của tàu Hải An 16 có 3.900m3 xăng A92. Sự cố nổ dẫn đến cháy và làm 3 người bị thương; vụ nổ buồng bơm và buồng máy, lượng xăng trong tàu Hải An 16 có thể tràn ra mặt sông, khi mức nước lên đến ắc quy có thể dẫn đến chập, nổ, gây ra thảm họa cho cả thành phố cũng như khu vực lân cận.

Khi nhận nhiệm vụ, anh cùng 2 người đồng đội không chút do dự, nhanh chóng lên tàu chữa cháy tiếp cận tàu Hải An 16 một cách nhanh nhất. Xác định từng giây từng phút vô cùng quý giá, đặc biệt phải nhanh, chính xác vì trong lúc tháo ắc quy chỉ cần một động tác không dứt khoát là có hiện tượng ngắn cực tạo tia lửa điện sẽ gây chập nổ.

Lúc các anh lên tàu, tất cả những người đồng đội đứng trên bờ như nín thở, bởi họ biết chỉ cần một ánh lửa, một tiếng nổ là những người đồng đội của họ không còn nữa. Bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm, những chiến sĩ ấy đã thành công, vô hiệu hóa được nguồn điện, nguồn nhiệt, bảo vệ tuyệt đối an toàn, không để xảy ra cháy nổ Tàu Hải An 16. Đối với nhiều vụ cháy thì sau khi dập tắt đám cháy là công việc của những người lính chữa cháy đã hoàn thành, nhưng đối với vụ cháy Tàu Hải An 16 thì sau khi đã khống chế được nguồn điện, nguồn nhiệt thì lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vẫn phải mất 18 ngày đêm để phun nước làm mát, để nồng độ xăng không đạt ngưỡng gây nổ, chuyển tải gần 4 triệu lít xăng A92 về cảng an toàn.

Lực lượng PCCC tham gia chữa cháy tại quán karaoke MJM, số 24 đường Trần Phú, quận Ngô Quyền

Tôi có hỏi “Lúc đấy anh có sợ không, có suy nghĩ gì không?” Anh cười hiền: “Nếu nói không sợ thì là nói dối, nhưng anh cùng những người đồng đội của mình may mắn được trau dồi kiến thức và luyện tập để tự tin ứng phó với các tình huống xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đã từ lâu ranh giới giữa sự sống và cái chết của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã không còn trong tâm trí của những cán bộ, chiến sĩ như anh rồi”; “Sau đấy, người mà anh nghĩ đến đầu tiên là mẹ, anh gọi điện về nhà cho mẹ và nói rằng “Mẹ ơi con vừa đi gỡ bom về”, lúc đấy mẹ anh hỏi anh rằng “Con làm phòng cháy thì liên quan gì đến việc ấy mà đi gỡ bom?”.

Câu hỏi của mẹ anh chắc hẳn cũng giống như suy nghĩ của đa số người  dân, họ nghĩ công việc của những chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đơn giản chỉ là phun nước dập tắt đám cháy thôi. Nhưng không phải chỉ chiến đấu với “giặc lửa” mà họ còn tham gia cứu nạn cứu hộ, còn phối hợp cùng các lực lượng tham gia góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Đã bốn năm trôi qua, nhưng nhớ lại giây phút ấy những cảm xúc với anh như còn vẹn nguyên. Những lần tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ mới thấy được những sự mất mát, đau thương, điều ấy càng thôi thúc các anh - những người lính chữa cháy sẵn sàng lao vào biển lửa để cứu những cái còn trong cái mất. Mọi người hay gọi các anh là “anh hùng”, là “thiên thần” bởi chỉ có những “thiên thần” mới dám đánh cược cả tính mạng, cuộc sống của chính mình để lao vào hiểm nguy, cứu người, cứu của không nề hà, do dự; nhưng thực ra những “thiên thần” ấy cũng là da thịt, máu mủ, là con người.

Các anh cũng có những người mẹ lo lắng khi con lên đường làm nhiệm vụ, các anh cũng có những người vợ mong ngóng các anh về ăn bữa cơm chiều và cũng có những người con mong được bố bế ẵm, chơi đùa. Để cứu người, cứu tài sản không ít chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đã hi sinh ở độ tuổi mười chín, đôi mươi khi sức trẻ còn phơi phới, các anh đã truyền tiếp những “ngọn lửa” ân tình và khát vọng sống cho đời bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, lòng quả cảm với nghề nghiệp. Chấp nhận đời lính cứu hỏa nghĩa là chấp nhận sự hi sinh. Các anh phải chấp hành một mệnh lệnh cao hơn cả mệnh lệnh cấp trên, đó chính là “mệnh lệnh trái tim”.

Cuộc chiến với “giặc lửa” và “tử thần” bao giờ cũng gian nan, nhưng tôi tin rằng những thế hệ cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH  sẽ luôn tự hào khi được khoác lên mình màu áo của lực lượng, vững tin với Đảng, tiếp tục phát huy những truyền thống anh hùng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - lực lượng thầm lặng đấu tranh vì bình yên cuộc sống.

Chúng ta đang sống trong thời bình, song vẫn còn đó rất nhiều sự hi sinh, mất mát của những người lính cứu hoả - những chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH khi xả thân cứu người trong ranh giới gang tấc giữa sự sống và cái chết. Dẫu biết rằng hiểm nguy, phải đánh đổi bằng cả tính mạng nhưng những người chiến sĩ ấy vẫn một niềm tin và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (04/10/1961 - 04/10/2021); 20 năm Ngày toàn dân PCCC (04/10/2001 - 04/10/2021), tôi viết câu chuyện này dành tặng các anh - những người lính cứu hoả, “chữa lửa” kiên cường, mưu trí, dũng cảm trong lòng Nhân dân./.

BÙI THỊ HOÀI THƯƠNG

(Phòng Tham mưu Tổng hợp – CATP)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông