17:21 30/09/2022 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 làm nên lịch sử khi lần thứ ba liên tiếp nâng lãi suất thêm 0,75%, động thái này càng làm cho đồng USD tăng mạnh. Tuy nhiên, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), việc Fed và ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, khiến cho bức tranh kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo là khó ổn định.
Khi các nền kinh tế lớn “rung mình”
Nhìn lại thời gian kể từ khi đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đã rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng, nhưng sau khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, kinh tế thế giới đã từng bước được cải thiện.
Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… đã áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển, giải quyết việc làm, đưa kinh tế trở lại thời kỳ trước đại dịch.
Nhưng bước sang năm 2022, những vấn đề liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukaraine đã trở thành mồi lửa, làm tăng thêm sức nóng đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý nhất là biến động của thị trường năng lượng, lương thực, tài chính cũng như những hệ lụy do chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Tại Mỹ, Châu Âu và nhiều nền kinh tế khác, lạm phát tăng cao và tăng nhanh, lập kỷ lục trong 40 năm trở lại đây. Riêng Mỹ lạm phát tăng đến mức 9,1% chỉ trong 6 tháng đầu năm, còn tại châu Âu, lạm phát đã lập kỷ lục với 8,9% vào cùng thời điểm.
Để kiềm chế lạm phát, Cục dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương nhiều nước trên thế giới đã nâng lãi suất với mức khá cao. Mặt bằng lãi suất tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, tổng cầu hàng hóa và dịch vụ suy giảm.
Đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác cũng làm cho đồng nội tệ của các nước suy yếu, dẫn đến kích thích xuất khẩu nhưng nhập khẩu sẽ đắt hơn. Bên cạnh đó, lãi suất USD tăng, các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, đã tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Ở một diễn biến khác, theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng lãi suất USD sẽ tác động tiêu cực đến khả năng vay vốn trên thị trường quốc tế của các nước đang phát triển, vì lãi suất vay rất có thể sẽ bị điều chỉnh tăng cao hơn.
Hơn nữa tỷ giá giữa đồng nội tệ và USD tăng, gây thêm gánh nặng cho các quốc gia khi phải trả nợ nước ngoài, khiến cho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Bên cạnh đó khi Fed tăng lãi suất sẽ thúc đẩy ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất để ổn định cán cân vãng lai, dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Trước tình hình này, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã đưa ra cảnh báo, kết quả thực tế có thể còn tệ hơn vì hàng loạt rủi ro hiện hữu. Đó là châu Âu đột ngột ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga; lạm phát khó kiềm chế bằng chính sách; các nước nghèo chật vật trả nợ do tài chính toàn cầu thắt chặt; kinh tế Trung Quốc suy yếu vì chống dịch và khủng hoảng thị trường bất động sản…
Trong khi Mỹ, nền kinh tế hàng đầu, mang tính dẫn dắt kinh tế thế giới đã suy giảm liên tiếp trên tất cả các lĩnh vực. IMF mô tả kinh tế thế giới năm 2022 là bức tranh “U ám và bất định”.
Cần linh hoạt thích ứng
Liên quan tới Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu như hiện nay, Việt Nam lại đang là một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ về hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, thách thức từ bên ngoài cũng chính là “vấn đề” mà chúng ta phải đối mặt.
Chính vì tính chất quan trọng này, nên ngay sau động thái tăng lãi suất của Fed ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động nhưng giữ ổn định mặt bằng lãi vay.
Cần phải thấy rằng, thời gian qua giữa những biến động của tình hình thế giới cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng…
Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá ấn tượng, tình hình thị trường cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt hơn nhiều quốc gia phát triển khác. Đơn cử, khi đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với USD, thì VND vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
Trước biến động trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng tiêu dùng thiết yếu, nên biến động đối với Việt Nam là không nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định.
Tính từ đầu năm 2022, vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh với hai con số, đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dự báo trong thời gian tới, dòng vốn FDI có chất lượng hơn, với công nghệ cao sẽ đổ vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác…
Các chuyên gia cũng “hiến kế” rằng, trên 5 phương diện tác động của việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo cơ hội thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Để đạt được điều đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, cùng với thúc đẩy tổng cung, kích thích tổng cầu.
Tuy vậy, kinh tế nước ta phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu gia công hàng hóa. Khi đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát.
Mặt khác, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, sẽ ảnh hưởng đến huy động các dòng vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhiều dự án lớn đội vốn, gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả.
Đối với Hải Phòng, những cơ hội và thách thức nêu trên cũng không phải ngoại lệ. Hơn nữa, so với cả nước, Hải Phòng đang chiếm ưu thế trong vị thế hội nhập, với tăng trưởng thu hút đầu tư và kinh tế đối ngoại.
Đơn cử, tính đến hết tháng 9/2022, Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt gần 21 tỷ đô la Mỹ, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2021; thu hút đầu tư vốn FDI đạt trên 1,2 tỷ USD, dù thấp hơn kế hoạch nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước.
Thiết nghĩ, trước diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới, thành phố cũng cần một cuộc rà soát định hướng, đi tới phản ứng chiến lược trên cơ sở giải quyết thách thức và chớp cơ hội để phát triển.
Dù ở hoàn cảnh nào, nói như cách của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cần phải giữ vững tinh thần “không hoang mang, dao động, chủ động nắm bắt tình hình, sáng tạo trong điều hành”.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão