Livestream bán hàng: Xu hướng thương mại mới

16:15 04/11/2018

Quần áo, nước hoa, mỹ phẩm, giầy dép, chăn ga gối đệm, thậm chí cả đồ nội y vốn được coi là mặt hàng khá nhạy cảm cần sự kín đáo, tế nhị cũng được các ông chủ, bà chủ phát vô tư trên mạng xã hội. Chỉ mở facebook là thấy người người, nhà nhà đua nhau livestream (phát trực tiếp) đủ biết hình thức thương mại mới này… phát đến mức nào.

Đơn hàng khủng nhờ livestream

Cứ vào tầm 8h30 tối, khi mọi người bắt đầu rảnh việc nhà là Nguyễn Minh Anh, chủ cửa hàng quần áo secondhand (hàng thùng) lại bắt đầu livestream. Váy dài, váy ngắn, chân đầm, áo len, áo khoác, áo dạ, áo phao… hầm bà làng đủ chủng loại sản phẩm chất đống thành núi trong cửa hàng lần lượt được cô cho lên sóng.

 Vốn có gương mặt xinh xắn, thân hình đẹp nên bà chủ kiêm luôn người mẫu. Size to, size nhỏ, chất liệu, độ mới của mặt hàng… đều được cô mặc luôn vào người để khách hàng dễ ước lượng. Xoay trái, xoay phải, zoom cận chất liệu…, sau khoảng hơn 2 tiếng livestream, gần 200 đơn hàng đã được khách khắp nơi đặt. Đây thực sự là điều không tưởng nếu cửa hàng của Minh Anh chỉ thuần túy bán hàng theo hình thức truyền thống trước kia.

Livestream đang trở thành trào lưu trong kinh doanh của rất nhiều người

Tương tự, cứ vào tầm 3h chiều, cửa hàng giày Minh Hà lại bắt đầu livestream. Để “câu” được nhiều lượt view, ngoài những yêu cầu như khách muốn mua được sản phẩm với giá ưu đãi phải “like page” (thích trang facebook) của cửa hàng, chia sẻ livestream ở chế độ công khai, mời thêm trên 10 người bạn xem cùng và chia sẻ thêm 5 hội nhóm lớn, cửa hàng còn dành nhiều sản phẩm với giá tương đối ưu đãi để kích thích sự tương tác và giữ khách ở lại xem lâu.

Sau mỗi lần phát livestream, vài trăm đôi giày lần lượt có chủ không chỉ ở Hải Phòng mà còn rất nhiều tỉnh thành khác như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội, thậm chí cả tận Đăk Lak, Bình Dương cũng có. Doanh số bán hàng lớn, lượng khách ngày càng mở rộng đến nỗi livestream đã trở thành hoạt động bán hàng thường nhật của cửa hàng, đem lại doanh thu chính cho cửa hàng Minh Hà trong suốt mấy tháng qua.

Hiện nay ứng dụng livestream của Facebook đã trở thành một trong những kênh bán hàng hữu hiệu của các nhãn hàng, hệ thống thương mại điện tử cũng như những kênh bán lẻ của các cá nhân. Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối internet, người bán đã có thể tự tổ chức cho mình một buổi phát sóng tiếp cận đến rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau trên mọi vùng miền tổ quốc, thậm chí cả ở nước ngoài.

Hiệu quả của những buổi bán hàng lớn để nỗi khiến cho livestream không chỉ đang là trào lưu bán hàng tạo doanh số khủng trong thời gian này (và chắc chắn sẽ còn tồn tại khá lâu trong thương mại hàng hóa) mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ và “đe dọa” trực tiếp đến các hình thức bán hàng truyền thống theo kiểu trao đổi tiền - hàng tại các cửa hàng, chợ dân sinh truyền thống. Đồng thời buộc nhiều cửa hàng truyền thống phải thay đổi hình thức bán hàng bằng cách song hành phương thức vừa bán hàng, vừa livestream để tăng lượng doanh thu.

 Chị Nguyễn Ánh Tuyết – chủ một shop mỹ phẩm trên đường Lạch Tray - cho biết, trước đây muốn bán hàng qua mạng để kích cầu, nhiều shop phải chấp nhận trả phí quảng cáo cho Facebook nhưng nhiều khi cũng không hiệu quả cao. Từ khi xuất hiện hình thức bán hàng qua livestream, không những doanh thu tăng khủng mà chị còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí quảng cáo.

 Còn theo Minh Anh, một trong những nguyên nhân khiến tính năng livestream trở thành công cụ bán hàng đắc lực của các chủ shop là khi livestream, khách hàng sẽ tận mắt được thấy chất liệu, kích cỡ, màu sắc của sản phẩm, nó đánh vào đúng tâm lý của khách hàng khi mua hàng qua mạng. Hơn nữa, livestream cũng tạo cơ hội cho chủ shop được giao lưu, tư vấn trực tiếp với khách hàng, từ đó tạo ra niềm tin và sự gần gũi với khách hàng hơn.

Do hiệu quả của những buổi livestream mang lại, giờ đây mỗi khi đi nhập hàng từ nước ngoài, có chương trình giảm giá hay hàng mới về, chị Tuyết lại livestream quảng cáo sản phẩm, tạo niềm tin về chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm mà chị bán. Do đó mỗi lần livestream của chị có cả nghìn lượt theo dõi, vài trăm lượt chia sẻ và bình luận khiến lượng người theo dõi của chị lên đến vài chục nghìn người – một con số quá lý tưởng cho một trang facebook cá nhân.

Khách hàng vẫn phải là người tiêu dùng thông thái

Nắm bắt hiệu quả đặc biệt mà livestream mang lại, các nhãn hàng, các trang thương mại điện tử cũng không bỏ qua cơ hội làm ăn béo bở này. Vì vậy giờ đây khách hàng không chỉ được xem diễn viên, ca sỹ, người mẫu A, B, C nổi tiếng trình diễn trên sân khấu mà còn được trực tiếp xem họ… bán hàng.

Tất nhiên để thuê những sao này bán hàng thì chi phí không hề rẻ nhưng bù lại lượng hàng bán ra tăng đến nỗi nhiều khi mở trang mạng, ta thấy hôm nay anh A bán kem trắng da, hôm sau đã thấy anh bán dầu ủ tóc siêu mượt. Thời buổi kinh tế thị trường, sao chạy “sô” biểu diễn rồi đến chạy “sô” bán hàng cũng là chuyện dễ hiểu.

Tuy nhiên, dù là livestream trực tiếp, không phải cái gì cũng 2, 5 rõ 10 cả. Bên cạnh những mục đích làm ăn chân chính, không ít kẻ lợi dụng tính năng livestream trên Facebook để câu like, lừa đảo. Chiêu thức của các đối tượng này thường là đăng bán sản phẩm với mức giá "rẻ như cho", người dùng chỉ cần like fanpage, share bài viết và để lại thông tin cá nhân để được mua sản phẩm.

Chỉ trong thời gian ngắn, các fanpage kiểu này sẽ có một lượng like nhất định. Khi đạt được lượng người theo dõi nhất định, họ sẽ đổi tên fanpage và bán cho những người có nhu cầu với giá vài triệu đồng. Các thông tin cá nhân ban đầu sẽ được bán lại cho các bên thứ ba như bảo hiểm, nhà đất…

Ngoài ra, tính năng phát livestream của Facebook cũng được một ông bà chủ tận dụng quá đáng khi bán nội y với những mẫu người thật, việc thật uốn éo khoe sản phẩm ngồn ngộn một cách phản cảm.

Hoặc để câu like, thu hút sự chú ý, nhiều chị nhiều anh trổ cái duyên đanh đá, sẵn sàng mắng xơi xơi khách hàng nào khiếm nhã chê anh/chị nhan sắc bình thường, có tont giọng hơi cao khiến cho buổi phát hình trở thành cái chợ, nơi cãi nhau đầy xô bồ và dung tục.

Ngoài ra, nhiều người từng có kinh nghiệm mua hàng qua livestream cũng đã truyền nhau về một kinh nghiệm, đôi khi các cửa hàng sử dụng phần mềm công nghệ để livestream khiến chất lượng hình ảnh, màu sắc mượt mà, ảo hơn nhiều so với hàng thật; hoặc giấu đi một vài lỗi nhỏ của sản phẩm mà chỉ có thể nhìn trực tiếp mới ra; hay mặc vào không vừa với người do size của người mẫu khác với size của mình nhưng đã lỡ chuyển khoản, nhận hàng về đành ấm ức ngậm bồ hòn làm ngọt…

Do đó để trở thành người mua thông thái trước một phương thức bán hàng hoàn toàn mới trong thời đại công nghệ số, khách hàng nên tìm hiểu, lựa chọn những cửa hàng, những thương hiệu uy tín, không nên ham rẻ mà trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích