Lo ngại mưa cực lớn khắp miền Bắc

04:41 31/07/2015

Từ đêm mai (31/7), rãnh áp thấp gây mưa kỷ lục ở Quảng Ninh sẽ di chuyển vào đất liền, gây ra mưa to, rất to trên khắp khu vực Bắc Bộ, thậm chí cả Bắc Trung Bộ. Ngập lụt, trượt lở đất và lũ quét có thể xảy ra ở nhiều nơi.
 
Mưa lớn gấp đôi kỷ lục
 
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đợt mưa lịch sử này bắt đầu từ 22/7. Hai ngày 23 - 24/7, mưa chủ yếu ở Tây Bắc, trọng điểm là Sơn La với lượng mưa lớn nhất là 300mm. Từ 26-28/7, mưa lớn xảy ra ở Đông Bắc, chủ yếu là Quảng Ninh với tổng lượng mưa cực lớn, Móng Cái là 899mm, Cô Tô 983mm, Bãi Cháy 710mm, nhiều nơi mưa vượt 1.000mm. Đây là lượng mưa kỷ lục 50 năm qua ở Quảng Ninh.
 
Theo ông Bùi Minh Tăng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, kỷ lục trước đây thuộc về năm 1986 với tổng lượng mưa là 300-600mm. Như thế, tổng lượng mưa lần này gấp đôi kỷ lục trong lịch sử. “Ngập lụt sâu là không thể tránh khỏi. Ngay đảo Cô Tô cũng bị ngập vì cường độ mưa quá lớn, nước không kịp thoát xuống biển”, ông Tăng cho hay.
 
Theo ông Hoàng Đức Cường, nguyên nhân chính của đợt mưa lịch sử là do một rãnh thấp tồn tại ở Bắc Bộ, trong đó có một vùng áp thấp nằm ngay trên vùng biển vịnh Bắc Bộ. Đây là một dạng hình thế gây mưa nguy hiểm, hiếm gặp ở Bắc Bộ với hình thái mưa cấp tập, lượng mưa tập trung trong thời gian ngắn.
 
“Cũng may áp thấp nằm gần trên vịnh Bắc Bộ nên mưa tập trung ở vịnh, đất liền chỉ bị ảnh hưởng một phần. Nếu áp thấp ở đất liền thì lượng mưa còn lớn hơn, hệ quả còn nguy hiểm hơn nhiều”, ông Cường nói.
 
 Cây xăng tại TP Cẩm Phả chiều 29/7 vẫn bị ngập nặng. Ảnh: Như Ý.
Cây xăng tại TP Cẩm Phả chiều 29/7 vẫn bị ngập nặng. Ảnh: Như Ý.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là đợt mưa lịch sử này không chỉ ở Quảng Ninh mà sẽ mở rộng ra toàn Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong những ngày tới. Từ sáng qua, mưa đã dịch chuyển về phía đông gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn với lượng mưa rất lớn, khoảng 100mm chỉ trong buổi sáng. Đến đêm mai, lượng mưa ở khu vực này có thể đạt 100-200mm, có nơi trên 300mm.
 
Đặc biệt, từ  đêm 31/7-4/8, hình thế gây mưa đi vào đất liền, dịch chuyển dần về phía tây, gây mưa vừa, mưa to ở khắp miền núi, trung du phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, thậm chí cả Bắc Trung Bộ, tổng lượng mưa khoảng 200-300mm, có nơi tới 500-600 mm (lượng mưa đo được trong trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008 là 500-600mm). Các tỉnh có mưa rất to là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang và vùng núi phía Bắc. Mưa xảy ra nhiều vào chiều và đêm, không liên tục mà có sự gián đoạn. Nguy cơ ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất bao trùm Bắc Bộ.
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ đêm mai xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7m, ở hạ lưu là 2-4m. Đặc biệt, mực nước sông Kỳ Cùng, sông Thái Bình, Bằng Giang ở thượng lưu có thể lên mức báo động 2-3.
 
 Trưa 29/7, khu vực tổ 20 khu 3 phường Hà Khánh, TP Hạ Long sát chân nghĩa trang Đèo Sen vẫn trong tình trạng ngập lụt không có nước sạch. Ảnh: Đỗ Hoàng.
Trưa 29/7, khu vực tổ 20 khu 3 phường Hà Khánh, TP Hạ Long sát chân nghĩa trang Đèo Sen vẫn trong tình trạng ngập lụt không có nước sạch. Ảnh: Đỗ Hoàng.
Có thể xảy ra lở đất quy mô lớn
 
Theo ông Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, hiện tượng trượt lở đất ở Quảng Ninh đang xảy ra phổ biến. Quảng Ninh không phải là tỉnh có nguy cơ trượt lở đất đá cao như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái nhưng với lượng mưa lịch sử, đã có hiện tượng trượt lở nguy hiểm. Do mưa kéo dài (từ 22/7) đất đá bị bão hòa nước, nhất là ở vùng đất đá yếu, thảm phủ thực vật mỏng, khi gặp mưa lớn, nguy cơ trượt lở đất rất cao.
 
Ông Hùng khuyến cáo, với tình hình mưa hiện tại và diễn biến mưa những ngày tới, hầu hết các sườn đồi, sườn dốc bị phong hóa có nguy cơ xuất hiện các dòng bùn đá. Tại các khu dân cư trên sườn đồi tại Hạ Long, Cẩm Phả, khu dân cư nằm dưới các con suối, người dân phải đặc biệt cảnh giác với nguy cơ sạt lở đất.
 
Cũng theo ông Hùng, do lượng mưa lớn, kéo dài, với vùng có cấu trúc địa chất phức tạp, các khối trượt lở lớn sẽ kích hoạt dẫn đến nguy cơ trượt lở đất quy mô lớn, rất nguy hiểm. Khu vực đồi dốc, thảm phủ thực vật mỏng cần có biện pháp phòng tránh tích cực.
 
Chỉ cảnh báo trước 6-12h
 
Theo ông Hoàng Đức Cường, từ 22/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định đây là đợt mưa lớn, kéo dài nhưng không thể dự báo được tổng lượng mưa có thể lớn kỷ lục như vậy. Công nghệ hiện nay chỉ có thể dự báo lượng mưa của trận mưa trước 6-12h.
 
Theo Tiền Phong
 


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông