Lo sớm cho thị trường cuối năm

15:55 13/09/2017

Theo số liệu thống kê, tính chung 8 tháng qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,9% so với cùng kỳ và tăng 2,86% so với tháng 12-2016. Tuy trong đó mức tăng CPI của riêng tháng 8 tới 0,91% được coi là khá cao, so sánh người lại thì mức tăng CPI 7 tháng đầu năm của thị trường thành phố những là khá thấp.

Thị trường hàng gia dụng vẫn có hướng giảm phát.

Những nhóm hàng giảm phát?

          Những số liệu thống kê trên là kết quả tổng hợp từ nhiều nhóm hàng, trong đó có những nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong CPI nhưng vì tính vĩ mô nên không tác động trực tiếp đến đời sống thường ngày của người tiêu dùng. Nên bài viết chỉ dựa vào số liệu so sánh những mặt hàng thiết yếu, liên quan đến việc cân đối chi tiêu từ nguồn thu nhập thực tế. Bao gồm thực phẩm, hàng gia dụng, quần áo, vật liệu xây dựng, năng lượng… và một số mặt hàng có ảnh hưởng lớn khác trên thị trường thành phố.

           Ví dụ đầu tiên thử lấy thực phẩm, trong đó ngoài rau xanh khó so sánh vì hai thời điểm đầu năm và hiện tại tính chất mùa vụ khác nhau, dẫn đến sản phẩm khác nhau, hơn nữa mức tăng giảm trong khoảng 30% đến 50% là điều thường xuyên diễn ra đối với mặt hàng này. Còn các loại thịt giết mổ có diễn biến theo giai đoạn tương đối rõ nét, đơn cử giá lợn hơi bình quân của quý 1 là 35.000 đồng/kg, giá thịt lợn bình quân 80.000 đồng/kg, còn giá bình quân hiện tại của lợn thịt lần lượt là 30.000 đồng và 75.000 đồng/kg. Như vậy thịt lợn đã giảm phát với một tỷ lệ không hề nhỏ. Tuy nhiên giảm phát lớn nhất của lợn thịt phải tính vào quý 2, khi giá lợn hơi chỉ đạt bình quân 18.000 đồng/kg và giá thịt chỉ đạt bình quân 40.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn gây biến động nhiều nhất trong thời gian qua

Đối với thực phẩm công nghệ, hồi quý 2 có một đợt tăng bình quân khoảng 8% do tác động của mùa du lịch, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại giá nhóm hàng này trở về vạch xuất phát. Trong khi đó, nhìn sang nhóm hàng gia dụng như điện tử, điện máy và đồ gia dụng khác thì cơ bản rất ít biến động, vì các nhóm sản phẩm này có giá trị sử dụng lâu, đôi khi sự thay thế chỉ thuộc về tâm lý. Dù cũng có một số điều chỉnh tăng đối với các sản phẩm mới, nhưng khảo sát giá của một số mặt hàng tiêu biểu như xe máy, xe đạp, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, máy tính, điện thoại… thì giá nhóm này hiện tại giảm so với quý 1 khoảng 5%. Tất nhiên, ngoài việc tiêu thụ kém, một trong những nguyên nhân khiến nhóm hàng gia dụng khó tăng vì sản xuất lệ thuộc nhiều vào linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá ngoại tệ rất ổn, thậm chí đô la Mỹ đang liên tục giảm, đã góp phần ổn định thị trường điện máy.

          Nhóm hàng khác bị coi là giảm phát thuộc về vật liệu xây dựng. Về điều kiện tiêu thụ, thời điểm này và đầu quý 1 có thời tiết tương thích vì ảnh hưởng mưa nhiều. Nhưng ngoài sắt thép, xi măng thuộc diện Nhà nước tham gia điều chỉnh giá hầu như ổn định, còn các loại vật liệu khác như gạch cát, gốm sứ đều có mức giảm bình quân trên 10%.

          Vậy lạm phát ở đâu?

          Theo lý thuyết, chỉ số tiêu dùng CPI phản ánh mức độ lạm phát hoặc ngược lại, được tính trên cơ sở lưu thông của hơn 200 danh mục hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ. Như vậy, trong khi một số nhóm nằm trong tình trạng giảm phát như kể trên, mà chỉ số CPI 8 tháng đầu năm vẫn chỉ là 3,9%, thì sẽ có những nhóm hàng tăng rất cao.

          Tính riêng theo số liệu thống kê tháng 8 trên địa bàn thành phố, trong 11 nhóm hàng hóa chính thì có 9 nhóm tỷ giá tăng, đáng kể nhất là dịch vụ ăn uống tăng 1,62%; giao thông tăng 1,83%; giáo dục tăng 1,01%... Tuy nhiên phân tích kỹ thì chỉ số các nhóm hàng này tăng cao trong tháng 8 cơ bản có tác động của sự kiện và diễn biến khác. Chẳng hạn dịch vụ ăn uống tăng do sự phục hồi bất ngờ của giá lợn thịt, kéo theo các thực phẩm khác khiến nhóm thịt tăng tới 5,2%; tương tự chỉ số giao thông tăng do giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng. Còn chỉ số giáo dục tăng lại liên quan đến việc chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, khi các trang thiết bị học tập được tiêu thụ mạnh, đồng thời học phí một số trường cũng tăng cao.

         Xăng dầu tăng nhiều hơn giảm tính từ đầu năm

Nhìn ra thị trường cả nước, so sánh chung thì nhiều mặt hàng năng lượng đều tăng nhiều hơn giảm giá. Trong đó như đã nói ở trên thì giá xăng dầu đã có ít nhất 10 lần tăng trong 17 đợt điều chỉnh, gần đây nhất là ngày 5-9 với mức tăng khá cao cho xăng RON 92 tăng 306 đồng/lít; xăng E5 tăng 285 đồng/lít; dầu diesel tăng 155 đồng/lít; dầu hoả tăng 149 đồng/lít… còn chỉ số CPI của mặt hàng gas tăng tới 8,79% so với đầu năm. Trong khi đó, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, chỉ số CPI của giá vàng dù giảm so với cùng kỳ 2016, nhưng lại biến động rất mạnh trong vòng một tháng nay, với mức tăng bình quân 200.000 đồng/lượng. Dù không ảnh hưởng nhiều đến việc chi tiêu, nhưng với bản chất truyền thống của vàng là thước đo giá trị và phương tiện thanh toán, thì việc giá vàng tăng có tác động rất lớn về tâm lý đối với người tiêu dùng.

          Trong khuôn khổ một bài viết, khó mà chi tiết được từng nhóm mặt hàng đang được chọn làm cơ sở cho việc tính chỉ số CPI trên thị trường. Nhưng có một điều rất đáng quan tâm, dù chỉ số lạm phát 3,9% được coi là không đáng kể, nhưng nó lại được tính bình quân trên hai kênh lạm và giảm phát diễn biến riêng biệt, phản ánh thực trạng của một nền sản xuất và lưu thông chưa thực sự hoàn hảo. Nên con số lạm phát có chậm, chỉ số tăng trưởng vẫn được thể hiện, nhưng chưa phải là điều khả quan cho thời gian tới. Đặc biệt không thể chủ quan khi mùa cưới sắp bắt đầu, nối tiếp là nỗi lo theo thông lệ đến từ thị trường cuối năm.

             Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích