Lo tái tạo và cân đối nguồn lợn thịt

15:41 25/06/2019

Như tin đã đưa, dịch tả lơn châu Phi tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 55 địa phương xuất hiện dịch, với hàng triệu con lợn nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy, trong đó có Hải Phòng.
Tái tạo nguồn lợn thịt là bài toàn cần lời giải thích đáng

Hại đơn, hại kép

Kể từ quá khứ cho đến hiện tại, dịch bệnh luôn là nỗi lo bởi tác hại tó lớn của nó gây ra trong cuộc sống, dù đó là bệnh cho cây trồng, vật nuôi hay con người. Đối với dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Việt Nam cũng vậy, nó không chỉ khiến người chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp, gây khó khăn cho nguồn cung thực phẩm hiên tại của thị trường, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái tạo nguồn lực trong tương lai.

Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cũng phải cân đối một khoản kinh phí rất lớn, một mặt tập trung chống dịch, một mặt kịp thời chia sẻ thiệt hại với người chăn nuôi, mặt khác lại lo cân đối cung cầu thị trường. Trên địa bàn Hải Phòng, báo cáo của ngành chức năng cho thấy, dịch tả lợn châu Phi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì hiện tại không riêng ở Việt Nam, mà cả thế giới chưa có loại thuốc nào ngăn chặn dứt điểm được loại bệnh này. Trong khi đó, không gian lan dịch ngày càng lớn, với điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa như hiện nay thì việc một vài địa phương nỗ lực cũng không đủ để khống chế, mà công tác phòng, chống dịch phải đồng bộ trên diện rộng.

Hiện tại dịch đã bắt đầu xâm nhập vào các gia trại, trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố, tính đến hết tháng 5 vừa qua, dịch đã xảy ra tại 8 trang trại và 329 gia trại chăn nuôi, ở hầu hết các huyện ngoại thành trên địa bàn Hải Phòng. Giá trị thiệt hại do lợn nhiễm dịch bị tiêu hủy của người chăn nuôi đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thịt lợn thuộc nhóm thực phẩm phổ biến được sử dụng nhiều nhất

          Nỗi lo từ thị trường

Nhìn lại mấy năm gần đây, lợn thịt nằm trong nhóm bất ổn nhất trên thị trường thực phẩm, đáng chú ý là thịt lợn cũng là loại thực phẩm được sử dụng và tiêu thụ phổ biến nhất. Cách đây hai năm, thị trường đã chứng kiến một đợt sụt giảm giá chưa từng có đối với lợn thịt, chỉ riêng Hải Phòng giá lợn hơi từ mức bình quân 45.000 đồng/kg đã có lúc xuống dưới 15.000 đồng/kg. Tốc độ lao dốc khủng khiếp đến nỗi, mọi biện pháp cấp bách nhằm giải cứu đều không mấy hiệu quả.

Lợn giảm giá, các hộ nuôi lâm vào tình trạng điêu đứng, vì tiền cám mỗi con lợn khoảng 1 tạ ăn trong 1 ngày đã tương ứng với 1kg lợn hơi. Tại các huyện ngoại thành, việc người chăn nuôi tự giết mổ lợn bán tháo khắp thành phố đã trở thành phổ biến, những hộ không tự giết mổ phải bán theo đàn ước lượng tay cho việc cân từng con như thường lệ. Ngoài giết mổ tự phát, nông dân khu vực ngoại thành cũng rộ lên phong trào “đụng” lợn chia phần, góp sức hỗ trợ các hộ chăn nuôi.

Từ cuối năm 2017 sang năm 2018, giá lợn thịt bất ngờ quay đầu tăng chóng mặt, giá lợn hơi liên tục leo thang và đạt tới mức đỉnh kỷ lục 60.000 đồng/kg trong dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo các tiểu thương, giá lợn hơi bất ổn đã tác động mạnh mẽ vào cơ cấu thị trường thực phẩm, vì như đã nói ở trên, thịt lợn là mặt hàng thông dụng nên diễn biến phúc tạp của nó đã kéo theo sự bất ổn của nhiều thực phẩm khác, đồng thời cũng làm khó cả những sản phẩm chế biến liên quan. Nhưng gây khó nhất có lẽ chính là bài toán cung cầu, khi việc cân đối nguồn lực tái tạo và phân phối thị trường rơi vào thế bị động.

Ông Nguyễn Văn Nghị - một nhà đầu tư chuỗi trang trại lớn trải rộng từ Hải Phòng sang các tỉnh lân cận chia sẻ, riêng vụ giá lợn sụt giảm đã khiến ông bị thiệt hại hơn 15 tỷ đồng. Chưa hết, di chứng của nó để lại là lỗ hổng về chăn nuôi khi các chủ trang trại, gia trại không dám tái đầu tư, nên tại thời điểm giá lợn hơi tăng kỷ lục như năm 2019, người chăn nuôi cũng không được hưởng lợi nhiều.

Tính chuyện lâu dài

Trở lại với dich jtar lợn châu Phi đang hoành hành, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thì việc tái tạo còn khó khăn hơn nhiều so với đợt giảm giá bất thường hai năm trước. Bởi nếu dịch không được ngăn chặn, thì việc đầu tư đương nhiên sẽ kèm theo nhiều nguy cơ, mà nếu không đầu tư thì thị trường sẽ mất cân đối nghiêm trọng.

Cũng theo số liệu báo cáo, tính đến hết tháng 5-2019 tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố có khoảng 236.417 con, giảm 173.089 con so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn hiện nay việc tái đàn tại vùng có dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm được kiểm soát chặt chẽ theo qui định Luật thú y nên số lượng tổng đàn có xu hướng tiếp tục giảm mạnh. Trong khi diễn biến thị trường thời gian gần đây cho thấy, vì tâm lý nên không ít  người dân đã hạn chế sử dụng thịt lợn, nên giá thịt và các thực phẩm chế biến liên quan cũng bấp bênh. Nghĩa là thị trường chưa thể tự điều chỉnh cân đối theo quy luật, để giá các sản phẩm từ lợn trở lại ổn định.

          Tính như vậy, nhưng nguồn thịt tiêu thụ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn chăn nuôi tại chỗ. Như đã nói, sau đợt “thất thủ” vừa qua, về mặt tâm lý sẽ rất nhiều chủ trang trại, gia trại nuôi lợn dám tái đầu tư trong thời điểm này, bởi kinh nghiệm cho thấy, đầu tư trong sự thất thường của thị trường là rất mạo hiểm. Đánh giá về điều này, ông Nguyên Văn Nghị cho biết, điều khó khăn là hiện tại nguồn cung lợn thịt đang rất khan hiếm. Với những gì đang hiển hiện thì thời gian tới khó khăn sẽ nhiều hơn. Trước mắt, dù giá lợn có tăng trở lại nhưng việc đầu tư buộc phải thận trọng, một mặt phải rà soát lại toàn bộ năng lực chăn nuôi để  quy hoạch, một mặt tiếp tục theo dõi dịch bệnh và thị trường để quyết định các giải pháp hiệu quả.

          Rõ ràng, diễn biến thị trường cho thấy một làn sóng mới khó lường liên quan đến giá lợn thịt đang hiển hiện. Thiết nghĩ những lúc như vậy người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng rất cần sự vào cuộc thiết thực của các cơ quan chức năng, từ việc điều tra khảo sát thực tiễn, kiểm soát ổn định thị trường cho đến rà soát, tư vấn và quy hoạch nguồn cung.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông