Loay hoay tìm lời giải phát triển nghề khai thác thủy sản ở Đồ Sơn

10:10 26/08/2020

Là ngành kinh tế chính của địa phương song nhiều năm trở lại đây, khai thác thủy sản trên địa bàn quận Đồ Sơn gặp nhiều khó khăn. Nguồn lợi thủy sản giảm sút, các tàu khai thác thiếu hụt lao động… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên.

 

Thuyền đánh cá của ngư dân chuẩn bị cập bến sau những ngày ra khơi vất vả

Số lượng tàu thuyền khai thác giảm sút

Là địa phương có nhiều tàu thuyền khai thác thủy sản nhất của quận Đồ Sơn (chiếm hơn 80% tổng số phương tiện) nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng tàu thuyền khai thác giảm sút nghiêm trọng. Ông Lưu Đình Dũng, Chủ tịch UBND phường Hải Sơn cho biết, năm 2017, trên địa bàn phường có 104 phương tiện khai thác thủy sản thì đến năm 2019 chỉ còn 71 phương tiện. Không chỉ vậy, nếu như trước đây, hơn nửa lao động nghề biển ở Đồ Sơn đến từ các tỉnh, thành phố khác, như Thanh Hóa, Nghệ An thì đến nay hầu hết số lao động này về quê hoặc đi nơi khác làm nghề. Hiện tại, lao động làm việc tại các tàu thuyền khai thác thủy sản chủ yếu là người dân địa phương.

Nếu như tháng 6-2019, tổng số phương tiện khai thác thủy sản ở Đồ Sơn là 181 với gần 1.000 lao động, thì đến tháng 8-2020, giảm xuống còn 152 tàu, thuyền với hơn 560 lao động. Riêng tại phường Hải Sơn, vụ cá Nam năm 2019, vẫn còn 19 tàu vươn khơi, đến vụ cá Nam năm 2020, chỉ còn 9 tàu. Còn tàu, thuyền khai thác vùng lộng, năm 2017, toàn phường có 47 chiếc, đến nay chỉ còn 25 chiếc. Một số chủ tàu mặc dù yêu nghề, yêu biển, nhưng buộc phải bán tàu do thiếu lao động, nếu đóng tàu to thì lại không đủ nguồn nhân lực để ra khơi.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động biển như hiện nay? Lý giải cho điều này, theo những người gắn bó với nghề biển lâu năm ở Đồ Sơn, nghề khai thác thủy sản vốn phải lênh đênh trên biển dài ngày, nhiều nguy hiểm, trong khi thu nhập và chế độ, chính sách khác như bảo hiểm không cao, lại chưa đầy đủ. Điều này khiến cho việc tìm kiếm được lao động gắn bó lâu dài là một bài toán vô cùng nan giải. Không chỉ vậy, chủ tàu ở Đồ Sơn trả công theo hình thức, mỗi chuyến ra khơi, tổng số tiền thu được sau khi trừ chi phí xăng dầu, tiền mua lương thực, thực phẩm, khấu hao tàu, ngư cụ…, được chi theo tỷ lệ nhất định, thường chủ tàu hưởng 3-4 phần, 6-7 phần còn lại chia đều cho người làm thuê. Mức thu nhập này không ổn định do còn phụ thuộc vào sản lượng khai thác thủy sản.

Một thực tế khác, ở nhiều gia đình ngư dân có hai, ba đời làm nghề khai thác thủy sản nhưng đến thế hệ trẻ hiện nay, các em thay vì chọn nghề đi biển của ông cha lại có xu hướng tìm việc tại các khu công nghiệp, các hoạt động dịch vụ, thương mại và nghề nghiệp khác có thu nhập ổn định, ít rủi ro hơn.Trên thực tế, trong số hơn 560 lao động nghề biển ở Đồ Sơn, trừ lao động ngoại tỉnh, số lao động trên 50 tuổi chiếm phân nửa. Chủ tàu trẻ tuổi nhất còn theo nghề này năm nay đã 38 tuổi. Lớp kế cận theo nghề khai thác thủy sản hầu như không còn.

 

Ngư dân Đồ Sơn chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi

Cần những giải pháp đồng bộ

Bên cạnh việc thiếu hụt lao động, hiện nay, trên địa bàn quận có 2 tàu vươn khơi đóng mới được vay vốn theo Nghị định 67, nhưng hiện chỉ còn 1 tàu hoạt động. Chủ tàu ở Đồ Sơn thì không đủ số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng để đóng những con tàu lớn, mua sắm ngư cụ phục vụ khai thác xa bờ. Chính vì vậy, để ngư dân gắn bó, đam mê với nghề đi biển, nhất là đánh bắt xa bờ, ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn đóng mới tàu cá, bảo hiểm thân vỏ… thì một trong những yếu tố quan trọng là cần quan tâm đến chính sách, cơ chế dành cho người lao động nghề cá. Bên cạnh đó là việc cải thiện điều kiện làm việc của ngư dân, xây dựng các khu hậu cần nghề cá, nâng cao giá trị thủy sản đánh bắt…

Ông Hoàng Đình Dũng - Trưởng Phòng Kinh tế quận Đồ Sơn cho biết, để giải bài toán về thiếu hụt lao động, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Hàng năm chính quyền quận Đồ Sơn, các phường phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức hàng chục buổi tập huấn nâng cao hiểu biết, kỹ năng, trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân, nhất là ngư dân trẻ, chủ tàu, lao động muốn theo nghề biển; phối hợp Đồn Biên phòng Đồ Sơn tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến thủy sản cho các chủ tàu cá. Bên cạnh đó, quận Đồ Sơn cũng quan tâm đến các chính sách, cơ chế dành cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Năm 2019, quận Đồ Sơn hỗ trợ gần 80 triệu đồng mua bảo biểm cho 264 thuyền viên thuộc 35 tàu cá…

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông