13:59 30/06/2018 Báo An ninh Hải Phòng đã đưa tin về tình trạng vụ dưa hấu xuân năm 2018 mặc dù được mùa nhưng mất giá trên địa bàn huyện Tiên Lãng, khiến người nông dân gặp khó khăn. Để người trồng dưa an tâm sản xuất rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Được mùa mất giá
Dưa hấu Tiên Lãng được mùa nhưng mất giá
Đến ngày 18-6, nông dân xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng đã thu hoạch xong hơn 20 ha dưa hấu. Thế nhưng, theo phản ánh của người trồng năm nay dưa được mùa nhưng giá giảm mạnh, khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Anh Phạm Văn Hiển, thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng cho biết: Vụ dưa hấu xuân năm 2017 giá bán còn được 5.000- 6.000 đồng/kg, ở vụ dưa hấu xuân 2018 này giá dưa chỉ còn từ 2.500-3.000 đồng/kg, giảm gần 50% giá bán so với vụ dưa trước.
Tương tự, theo ông Phạm Văn Dũng, nhiều người trồng dưa ở thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng lo lắng cho rằng, chưa năm nào giá dưa hấu lại xuống thấp thê thảm như năm nay. Hồi đầu vụ (cuối tháng 5) giá bán dưa còn được 4.000-4.500 đồng/kg. Sau vài ngày, đến nay giá bán dưa quá thấp, chỉ khoảng 3.000 đồng/kg khiến nhiều người trồng dưa không muốn thu hoạch, người nào trồng nhiều càng lỗ lớn.
Theo tính toán 1 sào dưa hấu từ thời điểm xuống cây giống đến khi cho thu hoạch chi phí hết 2,5 triệu đồng/sào (gồm chi phí lân, đạn, thuốc trừ sâu, tiền thuê máy làm đất, tiền mua cây giống).
Theo Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Lương Thanh Sắc, vụ dưa hấu xuân năm nay toàn xã trồng 30ha, ước tính năng suất trung bình trên mỗi sào dưa hấu ở Đại Thắng đạt 1,6 tấn/ 1 sào.
Giá dưa giảm do nhiều nguyên nhân (ảnh minh họa)
Năng suất cao, chất lượng bảo đảm, song giá cả thì mỗi ngày lại đi xuống. Niềm vui được mùa chưa khi nào trọn vẹn với người nông dân.
Đối với chính quyền địa phương, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song cho đến nay, đầu ra ổn định cho sản phẩm dưa hấu của bà con nông dân trên địa bàn vẫn là nỗi trăn trở và câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Cũng như xã Đại Thắng, xã Tiên Cường có trên 50 ha trồng dưa, bà con nông dân đang tiến hành thu hoạch được 90 % thu hoạch. Tuy nhiên, giá dưa cũng xuống thấp. Chủ tịch UBND xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng ông Đào Văn Mạnh cho hay, vụ dưa xuân 2018, được mùa với năng suất đạt từ 1,5 đến 1,7 tạ/ sào, nhưng giá dưa giảm mạnh so với những vụ dưa khác.
Lời giải nào cho điệp khúc “được mùa mất giá”?
Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng Lâm Hồng Khánh cho biết: Vụ dưa hấu xuân năm nay, toàn huyện trồng gần 90 ha dưa, trong đó, xã Đại Thắng 30 ha đang cho thu hoạch, xã Tiên Cường gần 60 ha dưa hấu chuẩn bị cho thu hoạch.
Việc tiêu thụ dưa chủ yếu bán tự do cho các thương lái, đại lý từ huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) sang thu mua. Số ít còn lại tiêu thụ tại địa phương. Với giá bán dưa rẻ như hiện nay, hầu hết người trồng dưa hấu đều bị lỗ.
Nguyên nhân do các loại hoa quả như vải, nhãn, dưa năm nay đều được mùa năng suất cao, giá bán thấp nên phần nào ảnh hưởng đến giá bán dưa hấu của địa phương.
Thực hiện chuyển đổi
cơ cấu cây trồng, Đại Thắng là một trong những xã đi đầu triển khai vùng chuyên canh rau màu có hiệu quả. Trên diện tích này, mỗi năm có thể trồng 3 vụ dưa và 1 vụ khoai tây.
Trong tổng số gần 90 ha dưa, chỉ có 10 ha được bao tiêu (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nếu trồng khoai tây có sự hỗ trợ về giống, thì trồng dưa hấu, bà con nông dân vẫn phải tự tìm mua giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nên không tránh khỏi tình trạng bị ép giá khi thu hoạch đại trà.
Trên thực tế, sản xuất cây dưa hấu những năm qua đã mang lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nông dân so với thâm canh các loại cây trồng, cấy lúa truyền thống.
Song đồng thời với diện tích ngày càng được mở rộng thì thị trường tiêu thụ càng bấp bênh, gây thiệt hại cho hộ sản xuất.
Do vậy, vấn đề tìm đầu ra ổn định, bảo đảm thu nhập cho người nông dân vẫn là điều trăn trở đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.
Ông Lương Thanh Sắc- Chủ tịch UBND xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng cho biết: Nhiều năm trước, địa phương đã giao cho HTX nông nghiệp xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm dưa của địa phương. Nhưng, đến nay việc tìm đầu ra vẫn gặp khó khăn do chưa tìm được đơn vị nào đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Khác với Đại Thắng, hiện xã Tiên Cường đã có 10 ha dưa được Trung tấm khuyến nông thu mua theo hợp đồng với bà con nông dân.
Thiết nghĩ, để diện tích trồng dưa phát triển ổn định cũng như giúp người nông dân an tâm sản xuất, huyện Tiên Lãng cần bắt tay ngay vào việc tìm thị trường và kêu gọi doanh nghiệp vào ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản với việc đăng ký bảo hộ và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Đối với người nông dân cần áp dụng mô hình trồng VietGap cho sản phẩm dưa hấu của mình, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng.
TRUNG KIÊN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão