12:57 12/09/2020 Trong khoảng 1 tháng qua, thị trường lợn thịt tại Hải Phòng và cả nước đã hạ nhiệt đáng kể, với việc giảm bình quân khoảng 20.000 đồng/kg so với những tháng trước. Đây là dấu hiệu hết sức tích cực, hướng tới chấm dứt đợt khủng hoảng giá lợn thịt kéo dài nhất từ trước đến nay.
Tái tạo nguồn cung để tự cân đối nguồn thịt cần tiếp tục đẩy mạnh
4 năm khủng hoảng giá “hình sin”
Những tháng cuối năm 2016, giá lợn hơi trên địa bàn Hải Phòng ở mức bình quân 42.000 đồng/kg, giá thịt lọc bình quân 80.000 đồng/kg, tình hình cung - cầu tương đối ổn định.
Tuy nhiên bắt đầu vào dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, giá lợn thịt bắt đầu giảm mạnh, đây có thể coi là hiện tượng lạ, bởi thịt lợn là một trong những mặt hàng vốn dĩ luôn tăng giá trong dịp tết truyền thống.
Năm 2017, giá lợn thịt liên tục lao dốc, có thời điểm giảm tới 25% chỉ trong vòng một tuần, thực sự trở thành nỗi khủng khiếp đối với người chăn nuôi khi đầu tư càng lớn, thất bại càng thảm hại.
Trên địa bàn Hải Phòng, thời điểm “thủng đáy”, giá lợn hơi chỉ ở mức 15.000 đồng/kg, còn giá thịt có lúc xuống tiệm cận 30.000 đồng/kg. Giá lợn thịt "lao dốc" làm xáo trộn thị trường, khiến nhiều mặt hàng thực phẩm cũng bị lao đao theo, dù thời điểm đó Hải Phòng cũng như cả nước đã có phong trào “giải cứu” thịt lợn, nhưng hiệu quả cũng không mấy tích cực.
Bước sang năm 2018, khi nguồn lợn thịt trong nước bắt đầu cạn, nhiều chủ trang trại, gia trại hoặc đuối sức, hoặc choáng váng chưa kịp hoàn hồn để nghĩ đến chuyện tái đầu tư, thì giá lợn thịt bất ngờ quay đầu tăng, tốc độ “leo thang” cũng không kém khi “lao dốc”.
Sau hai năm khủng hoảng 2017, 2018, người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng cả nước đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2019. Những tưởng nỗ lực cộng hưởng trong việc tái tạo đàn lợn sẽ đưa nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu trở lại quỹ đạo bình ổn.
Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi xâm nhập đã nhanh chóng phá vỡ kết cấu đó, tiếp tục gây ra đợt khủng hoảng mới với cường độ lớn hơn so với trước đó. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở Việt Nam không chỉ khiến người chăn nuôi bị thiệt hại trực tiếp, gây khó khăn cho nguồn cung thực phẩm của thị trường, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái tạo nguồn lực bổ sung. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cũng phải cân đối một khoản kinh phí rất lớn.
Thời kỳ mới phát sinh dịch tả châu Phi, giá lợn đang trên đà phục hồi lại quay đầu giảm mạnh, phần lớn bởi tâm lý lo ngại thịt nhiễm dịch. Nhưng ngay sau đó, không gian lan dịch ngày càng lớn, xâm nhập vào các gia trại, trang trại trên địa bàn cả nước.
Điều này đã khiến nguồn lợn bị cạn kiệt, một phần lớn bị tiêu hủy, trong khi nguồn tái tạo nhiều nơi để “trắng”.
Thị trường thịt lợn đang giảm nhiệt
Đỉnh giá của mọi thời kỳ
Khi dịch tả lợn châu Phi chưa kịp khống chế, thì tình trạng khan hiếm nguồn cung đã gây ra đợt tăng giá chưa từng thấy kể cả tốc độ và bậc thang đối với mặt hàng lợn thịt.
Đáng chú ý, mức giá cao nhất ngưởng của lợn thịt kéo dài gần hai năm qua, ở lúc đỉnh điểm giá lợn hơi đã lên tới 125.000 đồng/kg (cao gấp 8 lần so với giá đáy năm 2017), giá lợn thịt lên tới 230.000 đồng/kg (cao gấp 7 lần so với giá đáy năm 2017).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với tăng cường tái tạo đàn lợn, Việt Nam đã phải nhập khẩu liền lúc cả thịt đông lạnh và lợn sống, lợn giống. Dù giải pháp này cũng gặp khó vì diễn ra đúng thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch Covid-19 mặc nhiên trở thành lực cản khá lớn trong lưu thông, bởi hầu hết các nước cung cấp đều đang quay cuồng trong vòng xoáy Covid-19.
Tuy nhiên, giải pháp này đã mang lại hiệu quả khá tích cực, khi không chỉ các siêu thị lớn, mà nhiều hệ thống phân phối khác cũng đã vào cuộc. Điều đó thể hiện khá rõ ở Hải Phòng, khi một số tiểu thương đã kịp thời phân phối thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn, lúc cao điểm cũng chỉ bình quân 125.000 đồng/kg, thấp hơn 20% giá bán của các siêu thị. Phân khúc thị trường này chiếm được khá đông nhóm người tiêu dùng thu nhập thấp, các nhà hàng và cơ sở chế biến thức ăn sẵn.
Sau nhiều nỗ lực từ các chính sách của Chính phủ cũng như quá trình vận động của thị trường, những ngày qua thị trường lợn thịt đã từng bước được thiết lập trật tự trở lại.
Khảo sát trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho thấy, giá lợn hơi đã giảm bình quân 20.000 đồng/kg so với tháng trước, với mức bán hiện từ 80.000 đồng/kg trở xuống, giá lợn “móc hàm” bình quân 100.000 đồng/kg, giá thịt lọc ở mức bình quân 150.000 đồng/kg. Tại một số cơ sở tư nhân, giá thịt đông lạnh cũng giảm xuống mức 100.000 đồng/kg, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Nga và Ba Lan.
Hiện tại, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế, nếu việc tái tạo đàn lợn tiếp tục được đẩy mạnh, kết hợp nguồn nhập khẩu tiếp diễn, thì rất có thể trong thời gian tới thị trường sẽ “cắt” được mạch khủng hoảng của lợn thịt.
Vấn đề đặt ra là việc quy hoạch chăn nuôi, điều tra thị trường để có những quyết sách kết nối bền vững cần phải được nghiêm túc thực hiện. Cho thấy vai trò của các ngành quản lý, nhất là ngành Nông nghiệp và Công thương là hết sức quan trọng.
Đặc biệt là chọn thời điểm “rơi” của giá cũng như điểm “chuẩn” cân đối cung - cầu, để vừa bảo đảm lợi ích của nhà sản xuất, nhà kinh doanh cũng như của người tiêu dùng.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão