Lợn thịt tiếp tục “đánh võng”

10:59 19/05/2020

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuan Phúc tiếp tục yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá lợn hơi về khoảng trên dưới 60 nghìn đồng/kg. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo nội dung này, cho thấy tính chất phức tạp của thị trường lợn thịt hiện nay.

                        Nguồn cung gặp khó vì việc tái tạo đàn lợn chưa đáp ứng yêu cầu                   

Khủng hoảng kéo dài

Những ngày qua, thị trường lợn thịt tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, khi nguồn cung ngày càng khan hiếm và giá lợn hơi leo thang tính theo từng ngày, lên tới mức kỷ lục cao chưa từng có từ trước đến nay. Hoàn cảnh này đã khiến người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp, đang phải đối mặt với việc cân đối cơ cấu chi tiêu trong sinh hoạt.

Trong khi đó, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn cũng lâm vào tình trạng bi đát, khi đầu vào đã hiếm, đầu ra cũng “bập bõm nhát gừng”. Chưa kể những thách thức về an toàn thực phẩm mùa hè, khi thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm chóng ôi oai cũng chi phối mạnh mẽ vào chất lượng, giá và tiêu thụ thịt lợn.

 Khảo sát trên thị trường chợ truyền thống thành phố, hiện giá bán thịt lợn đang ở mức rất cao. Cụ thể loại thịt ngon như mông – vai cắt sấn, sườn thăn, ba chỉ lọc… được bán trên 175 nghìn đồng/kg, các loại thịt tạp có giá từ 150 nghìn đồng đến 165 nghìn đồng/kg.

Tại các siêu thị, giá thịt lợn đang cao hơn chợ truyền thống khoảng 15%, nhưng đáng mừng là đây cũng là mức các siêu thị duy trì nhiều tháng qua, cơ bản không biến động.

Theo một số tiểu thương, giá thịt tăng cao bởi những ngày gần đây giá lợn hơi tăng rất mạnh, từ mức bình quân 90 nghìn đồng/kg hồi tháng 4, đã tăng lên trên 100 nghìn đồng/kg. Tương tự, giá lợn “móc hàm” tại các cơ sở giết mổ cũng tăng từ 105 nghìn đồng lên trên dưới 120 nghìn đồng/kg.

Cần phải nhắc lại, tính từ đợt sụt giảm kinh khủng năm 2017, có lẽ chưa có giai đoạn nào giá lợn thịt lại thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng nói chung và người tiêu dùng nói riêng như mấy năm nay. Bà Nguyễn Thị H. – một tiểu thương ở chợ An Đà chia sẻ, giá lợn hơi hiện đang cao gấp hai lần rưỡi cùng thời điểm năm ngoái.

Còn nếu so sánh với thời điểm giá lợn lao dốc thấp nhất năm 2017, thì chênh lệch bình quân cao gấp 6 lần. Bà H cho biết thêm, nếu như trước kia mỗi buổi chợ bà bán hết một con lợn “móc hàm” gần 1 tạ, thì này chỉ dám mua chung ½ con, nhưng có buổi cũng không bán hết.

Còn bà Vũ Thị D. – một người nội trợ ở phường Lạch Tray (Ngô Quyền) thì tâm sự, chi phí thịt lợn tăng khiến nhiều gia đình phải lựa chọn thực phẩm khác thay thế. Chẳng hạn như cùng loại thịt ba chỉ, hiện thịt lợn và thịt bò đang có mức tương đồng, thậm chí có ngày thịt lợn còn cao hơn. Nhưng thịt lợn là món quá phổ biến, thực phẩm khác cũng không thể thay thế mãi được, nên thi thoảng bà T. cũng chỉ dám mua một, hai lạng về ăn cho… đỡ nhớ.

Giá thịt nhập khẩu bán trong siêu thị hiện cũng có mức rất cao

Cần hơn những giải pháp quyết liệt

Có thể nói, câu chuyện về thịt trường lợn thịt đang hết sức bất cập, bởi lẽ đây là một trong những mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam, lại phải để Thủ tướng trực tiếp điều hành. Rõ ràng, hệ thống kiểm soát từ khâu sản xuất, lưu thông đến phân phối và tiêu dùng đang “có vấn đề”, nếu không muốn nói là không hiệu quả trong suốt thời gian dài.

Thực tế cho thấy, việc điều hành thị trường đang thuộc về ngành công thương, nhưng việc sản xuất, tái tạo đàn lợn, tạo nguồn cung tại chỗ lại thuộc về ngành nông nghiệp. Với cái cớ vì “dịch tả lợn châu Phi năm 2019”, những người liên quan cũng rất dễ “thoát” trách nhiệm.

Nhưng như báo ANHP đã nhiều lần đề cập, trong đợt dịch tả lợn diễn ra, dự báo và nhận thức về nguồn lợn thịt của các ngành quản lý cũng chưa thực sự bám sát thực tiễn, nên việc tái tạo bị xem nhẹ. Bởi lẽ số lượng lợn chết vì dịch chỉ chiếm khoảng dưới 20% tổng đàn cả nước, nhưng chúng ta đã không coi trọng việc bù đắp khi dịch đã được khống chế.

Ở một diễn biến khác, để khắc phục tình trạng khủng hoảng thị trường lợn thịt, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo nhập khẩu mặt hàng này. Từ đầu năm đến nay Việt Nam đã nhập khẩu hơn 45 nghìn tấn thịt lợn, nhưng vấn đề ở chỗ, việc cấu thành giá đang rất phức tạp.

Theo một số liệu tính toán, với chi phí đầu vào hiện tại, giá thành lợn hơi trong nước chỉ khoảng 45 nghìn đồng/kg, nhưng được bán ra tới hơn 100 nghìn đồng/kg là điều khó chấp nhận. Trong khi đó, chi phí trung gian các khâu dịch vụ cũng rất cao, ở mức bình quân 40%, cũng là điều đáng bàn.

Chưa nói đến việc giá thịt nhập khẩu đang được bán lẻ trong siêu thị khoảng 145 nghìn đồng/kg, dường như cũng chưa được minh bạch.

Trở lại với việc tái tạo, hiện cái khó là lợn giống đầu vào cũng vừa khan vừa cao giá, trong khi thời gian để tái tạo một đàn lợn thịt đạt tới mức 100kg/con, phải cần tới ít nhất 5 tháng. Nhìn về điều kiện Hải Phòng, đến nay cũng vừa đủ 5 tháng dịch tả lợn được khống chế, thành phố hiện có 1.998 cơ sở đang thực hiện tái tạo đàn lợn, với quy mô 66.331 con, cho thấy việc điều tra, nắm tình hình của ngành nông nghiệp thành phố đang khá tốt.

Nhưng chăn nuôi của Hải Phòng không phải là thế mạnh so với các địa phương khác, nên khi đặt trong bối cảnh chung của cả nước, cũng khó có thể đưa ra những tính toán cục bộ.

  Rõ ràng, thị trường lợn thịt đang rất cần một đợt điều tra tận gốc rễ, từ khâu sản xuất, lưu thông, phân phối đến tiêu dùng, để hướng tới một giải pháp điều hành thống nhất.

Vẫn biết đây là việc không dễ, bởi trong nền kinh tế mở, thị trường lệ thuộc chủ yếu vào quy luật cung – cầu. Nhưng thiết nghĩ dù khó cũng phải làm, bởi chỉ một mặt hàng lợn thịt đã khiến thị trường lao đao như vậy, nói gì đến những chiến lược cao hơn trong an ninh lương thực, thực phẩm nói chung.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích