14:51 23/08/2021 Kỳ III: Những người sống vì mọi người
Mỗi chốt có đặc điểm khác nhau, có khó khăn và thuận lợi riêng cho thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh Covid-19, song tất cả các lực lượng trấn giữ trên phòng tuyến chống dịch mỗi người hôm nay đều là những chiến binh quả cảm, xây dựng lên những “lá chắn thép” bảo vệ quê hương thành phố thân yêu...
Vượt lên trên mọi điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, của điều kiện cuộc sống sinh hoạt ngặt nghèo khi phải xa tổ ấm gia đình, mọi người trên chốt vẫn luôn lạc quan động viên nhau gắng hết sức lực để giải quyết thủ tục cho người và phương tiện lại qua, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, vừa không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa ra vào thành phố…
Những ngày đoàn công tác của Chuyên đề An ninh Hải Phòng đến thăm, động viên các điểm chốt đúng lúc thời tiết đang chuyển mùa với những cơn mưa rào bất chợt, cái nắng chói chang, gay gắt, nhiệt độ ngoài trời lúc giữa trưa lên đến 43-45 độ C. Nhìn những CBCS Công an thoắt ẩn, thoắt hiện cạnh những đoàn xe xếp hàng dài trên các tuyến QL5 hay QL10, làn da xạm lại, những bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi, những khuôn mặt in hằn vết khẩu trang khiến ai cũng phải bồi hồi xao xuyến.
Nhất là lúc dịch bệnh nguy hiểm, những cán bộ, chiến sỹ còn phải đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Nhưng xác định được nhiệm vụ quan trọng, với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, mỗi CBCS Công an vẫn từng ngày, từng giờ vượt nắng, thắng mưa, kiên trì thực hiện nhiệm vụ, góp công sức nhỏ bé của mình cùng với chính quyền và nhân dân chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh.
Có lẽ, trong 13 chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của thành phố thì điểm chốt tại QL17B, xã An Hòa, huyện An Dương, tiếp giáp với huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương là địa điểm phức tạp bởi lưu lượng người “xôi đỗ” qua lại 2 địa bàn, chưa kể con đường QL17B khá nhỏ hẹp, dễ gây ùn tắc.
Tuy vậy, Trung tá Phạm Xuân Qúy, Phó Trưởng CAQ Đồ Sơn làm nhiệm vụ Chốt trưởng tại đây cho biết, các lực lượng Công an, Quân đội, Y tế, Đoàn thanh niên… tham gia giữ chốt đều tận tâm, tận lực với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi gặp các bạn trẻ: Bùi Diệu Linh, Nguyễn Thị Hồng, Phan Ngọc Vinh, những cán bộ của Huyện Đoàn An Dương được tăng cường tham gia việc hướng dẫn lái xe và nhân dân khai báo y tế tâm sự. Các em là người địa phương, thông thuộc đường lối, nhiều khi còn gặp cả người quen nên việc hướng dẫn bà con diễn ra vui vẻ, ai nấy cũng mong dịch bệnh sớm qua đi…
Nóng nhất và lớn nhất chính là Chốt kiểm soát dịch bệnh liên ngành, khu vực Ga Dụ Nghĩa và Trạm thu phí xã Nam Sơn, QL5 cũ, thuộc địa bàn huyện An Dương. Thượng tá Trần Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt làm nhiệm vụ Chốt trưởng cho biết, hàng ngày có hàng chục nghìn lượng phương tiện lưu thông 2 chiều qua đây, tuy nhiên CBCS vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết yêu cầu các phương tiện không đủ điều kiện phải quay đầu.
Hơn 150 cán bộ, nhân viên tại chốt này đã hứa quyết tâm căng mình làm nhiệm vụ không kể thời gian ngày đêm, thời tiết khắc nghiệt để “giữ sạch lưới nhà”, cho một Hải Phòng bình yên, an toàn với Covid-19!
Tại huyện Thủy Nguyên, ngay sau khi cầu Dinh cùng cầu Quang Thanh (ở huyện An Lão) được khánh thành vào ngày 17-7, thành phố đã quyết định thành lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 liên ngành để kiểm soát hướng vào thành phố bằng đường bộ tại khu vực chân cầu (tiếp giáp thị xã Kinh Môn, Hải Dương). Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt đã làm việc liên tục ngày đêm, bất kể nắng mưa để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Trong đó, lực lượng Công an huyện Thủy Nguyên bố trí CBCS, chia thành 4 ca/ngày (mỗi ca 6 tiếng), phối hợp với lực lượng quân đội và lực lượng y tế đảm bảo chốt trực 24/24h. Trong bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi, Trung tá Trịnh Quang Vũ, Tổ trưởng chốt kiểm soát cho hay, tính trung bình, mỗi ngày chốt cầu Dinh kiểm soát hơn 1.000 lượt người và 700 lượt phương tiện qua lại.
Đặc biệt, những ngày đầu tháng 8, nhiệt độ có hôm vượt quá 40 độ C, nhưng CBCS làm việc tại chốt kiểm soát vẫn bám trụ, không để trường hợp nào “thông chốt”, lọt khai báo y tế, bảo đảm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.
Vừa kết thúc 2 tháng chiến dịch làm thẻ Căn cước công dân, Thượng úy Đỗ Văn Tâm, Công an huyện Thủy Nguyên lại xông pha trên mặt trận chống dịch Covid-19. Điều đặc biệt, vợ anh là cán bộ Trạm y tế xã An Sơn cùng tham gia làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát chân cầu Dinh. Vì thế mà 2 con nhỏ, con lớn mới 4 tuổi, con nhỏ hơn 2 tuổi của vợ chồng anh đều phải gửi bà ngoại chăm lo.
“Cả tuần 2 vợ chồng đều không ở nhà. Thèm lắm một bữa cơm gia đình nóng hổi, đông đủ...” - Thượng úy Tâm chia sẻ như thế với chúng tôi sau phút nghỉ chuyển ca trực tại chốt kiểm dịch. Chỗ ngủ qua ngày của anh và đồng đội ở chốt kiểm dịch là những chiếc võng đơn sơ hai đầu cột. Từ ngày tới nhận nhiệm vụ ở chốt kiểm soát dịch bệnh chân cầu Dinh, chưa đêm nào giấc ngủ của Tâm được trọn vẹn, yên giấc, bởi tiếng ồn của xe cộ dồn dập qua lại, tiếng rít vo vo của đàn muỗi đói. Ngủ dậy, ai cũng đau nhừ mình mẩy.
Để “trụ” được ở chốt kiểm dịch, hoàn thành nhiệm vụ, bên cạnh ý chí, quyết tâm cao và biết khắc phục khó khăn, những người như các anh còn phải rèn luyện lòng kiên trì, tính nhẫn nại. “Nếu không biết kiềm chế, nóng nảy trong xử lý các tình huống sẽ rất dễ dẫn đến đánh mất hình ảnh người chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch!..” - Thượng úy Tâm chia sẻ cảm xúc. Bởi đã có rất nhiều trường hợp không đủ điều kiện để qua chốt, khi bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe, chủ phương tiện liền tỏ thái độ chống đối, bất hợp tác, thậm chí dùng lời lẽ thô tục chửi mắng những người thực thi nhiệm vụ ở chốt.
“Anh chị em trong chốt căn dặn nhau phải hết sức bình tĩnh để xử lý dù có lúc áp lực công việc và tinh thần rất căng thẳng. Người dân càng lớn tiếng thì mình lại phải càng ứng xử nhỏ nhẹ, chỉ ra cái đúng, cái sai. Khi đã hiểu rõ sự việc, đả thông tư tưởng thì người có thái độ bất hợp tác sẽ sớm nhận ra cái sai của họ, từ đó nghiêm túc chấp hành quy định về phòng, chống dịch hơn!..”.
Ở chốt chân cầu sông Hóa, chúng tôi gặp một dãy dài những phương tiện ô tô, xe máy nối đuôi nhau chờ làm các thủ tục qua chốt. Lực lượng chốt tại đây cho biết, may mượn được khu nhà trồng nấm của người dân nơi đây làm nơi ăn nghỉ. Bác chủ nhà ở đây rất tốt, hôm nào nóng quá còn lấy vòi phun nước lên mái lá để anh em đỡ nóng. Tuy nhiên ở hầu hết các điểm chốt đều là những khu nhà bạt làm điểm khai báo y tế, là nơi giao ban của các kíp trực nên CBCS linh hoạt đi thuê nhà dân, mượn cửa hàng để tá túc sinh hoạt. Hầu hết mọi người đều phải khắc phục hoàn cảnh trong sinh hoạt, với những bữa ăn tranh thủ, vội vàng.
Ở chốt chân cầu Chanh, một chị y tá cho biết mới chuyển từ chốt cầu sông Hóa sang và từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, cả lực lượng Công an, Quân đội, Y tế, không ít đồng chí nhiều ngày qua vẫn chưa được về thăm gia đình. Chốt ở đây “nhàn” hơn vì mật độ người phương tiện qua lại ít, song nhiều khi cũng bực mình với những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, thậm chí có “Chí Phèo” qua chốt rồi về nhà một lúc quay lại đòi tiền vừa xét nghiệm Covid-19.
Đến với mỗi chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của thành phố, ở đâu chúng tôi cũng được giới thiệu về những tấm gương ngời sáng đức hy sinh, tinh thần trách nhiệm cao cả, trong đó có những CBCS Công an luôn ý thức rõ trách nhiệm, tinh thần quyết tâm, tiên phong ở nơi tuyến đầu. Bằng tất cả sự cố gắng, nỗ lực chấp nhận những vất vả, hy sinh, gian khổ để ngăn chặn quyết tâm không để mầm bệnh lây lan vào thành phố Cảng, trong cuộc chiến chống dịch một lần nữa, họ - những đồng chí đồng đội thân yêu của chúng tôi, những người đang “sống vì mọi người” - đã ghi dấu ấn về hình ảnh cao đẹp của người chiến sỹ công an nguyện suốt đời “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
NHÓM PV