Lung linh lễ hội Đảo Dấu

09:18 14/03/2019

Hôm nay, Lễ hội Đảo Dấu (quận Đồ Sơn) sẽ bước vào ngày chính hội. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu khai hội (tức mùng 1- 2 Âm lịch), Đảo Dấu đã thu hút đông đảo người dân và du khách về tham quan, chiêm bái. Đến với Lễ hội Đảo Dấu, du khách không chỉ được tham gia các nghi lễ truyền thống độc đáo của người dân miền biển mà còn được dịp thưởng ngoạn vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của danh thắng quốc gia Hòn Dấu.

 

Du khách về dự lễ hội Đảo Dấu 2019

Đảo Dấu là hòn đảo với nhiều công trình di tích gắn liền với tín ngưỡng của ngư dân miển biển như: Đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương, đền bà chúa Phương Nam, đền Mẫu, miếu thờ, nhà Tế… Ngoài ra, trên đảo còn nhiều di sản, danh thắng lớn gồm:  hệ thống rừng nguyên sinh với quần thể 37 cây đa búp đỏ được công nhận là cây di sản Việt Nam,  ngọn Hải đăng Hòn Dấu hàng trăm năm tuổi - di tích lịch sử về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược.

Lễ hội Đảo Dấu được tổ chức từ ngày 1 đến 10-2 Âm lịch hàng năm, thể hiện đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân miền biển Đồ Sơn. Trong đó, hội chính được tổ chức vào ngày 9-2 Âm lịch với nghi lễ truyền thống rước đèn, thả thuyền giấy. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội được quận Đồ Sơn lên kế hoạch vô cùng kĩ lưỡng.

Trước lễ hội khoảng hơn một tháng, người dân Đồ Sơn, nhất là ngư dân đi biển đã chuẩn bị đầy đủ đồ lễ cho nghi thức dâng hương vào đêm ngày 9-2 Âm lịch. Những ông ngựa giấy có kích thước gần bằng con ngựa thật được người dân trang trí tỉ mỉ, với hoa văn độc đáo. Những chiếc bè bằng tre khô cùng những chiếc thuyền mã khá lớn cũng được chế tác ngay trên đảo. Các bè lễ trang trí cầu kỳ cùng đồ lễ được các tàu, thuyền kéo thả trôi xuống biển trong lễ rước đèn. Theo quan niệm của người dân nơi đây, nghi lễ rước đèn, thả thuyền giấy là để tạ ơn Nam Hải Đại Vương - người luôn bảo vệ cho ngư dân được thuận buồm, xuôi gió, tránh được rủi ro trên biển trong suốt một năm ra khơi buông lưới.

Lực lượng CAQ Đồ Sơn giúp du khách lên đảo

Mùa lễ hội năm nay, để phục vụ nhân dân về dự hội được an toàn, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, đón tiếp được quận Đồ Sơn đặc biệt chú trọng. Ông Hoàng Trung Hiếu - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, Đảo Dấu nằm cách đất liền, để về dự hội, nhân dân và du khách phải di chuyển bằng đường thủy nên việc bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu. Toàn bộ 12 tàu du lịch làm nhiệm vụ vận chuyển du khách ra đảo được cảng vụ và các phòng ban liên quan kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu khi vận chuyển hành khách. Bên cạnh đó, tất cả các du khách thập phương khi xuống tàu đều được trang bị áo phao, có lực lượng trực cứu hộ đi cùng, đảm bảo không để xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, lực lượng CAQ cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm ANTT, ATGT, PCCC và CNCH; đồng thời phân công lực lượng, chuẩn bị phương tiện, phối hợp các đơn vị chức năng chốt điểm, kiểm tra, phân luồng và bảo đảm an toàn trên bờ, dưới biển cũng như trên đảo, xử lý nghiêm những trường hợp gây mất ANTT, ATGT. Trước đó, lực lượng PCCC và CNCH - CAQ quận tiến hành kiểm tra, nhắc nhở công tác PCCC và CNCH đối với các tàu du lịch, khu vực diễn ra lễ hội và các điểm tham quan thuộc quần thể danh thắng quốc gia Đảo Dấu.

Bên cạnh công tác bảo đảm ANTT, ATGT, PCCC và CNCH, quận Đồ Sơn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung trên đảo và các khu vực diễn ra lễ hội; đôn đốc, nhắc nhở nhân dân và du khách thực hiện đúng các quy định khi tham gia lễ hội; thường xuyên rà soát, kiểm tra, không để tình trạng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch; lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội để tuyên truyền trái pháp luật…

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông