Lý do các đồng minh Trung Đông, kể cả Israel không theo Mỹ áp đặt trừng phạt Nga

15:35 04/03/2022

Không một quốc gia đồng minh nào của Mỹ ở Trung Đông, kể cả Israel, lên tiếng ủng hộ Washington trong cuộc đối đầu với Nga.

Theo tờ The Hill, không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Moskva công nhận hai nước Cộng hoà tự xưng ở miền đông Ukraine và Ngoại trưởng Iran mô tả cuộc xung đột ở Ukraine "bắt nguồn từ các hành động khiêu khích của NATO”.

Nhưng phần lớn các đồng minh Trung Đông của Mỹ cũng đã nói rõ rằng họ không định ủng hộ Mỹ và các đồng minh châu Âu trong việc áp đặt trừng phạt đối với Nga, hoặc thậm chí công khai chỉ trích việc Nga tấn công Ukraine.

Tổng thống Putin nói chuyện với Thủ tướng Israel Naftali Bennett (thứ hai trái sang) tại Sochi, Nga vào tháng 10/2021. Ảnh: EPA-EFE

Saudi Arabia nêu rõ họ sẽ không tăng sản lượng dầu để hạ giá dầu đã tăng vọt do cuộc khủng hoảng này. Riyadh có ý định trung thành với thỏa thuận về sản lượng mà họ đã thực hiện với Nga trong OPEC +.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết của Liên hợp quốc mà Mỹ hậu thuẫn chỉ trích các hành động của Nga.

Tiểu vương Qatar kêu gọi "tất cả các bên thực hiện kiềm chế" mà không đổ lỗi cho Nga. Qatar cũng chỉ ra rằng họ không thể tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc chuyển hướng xuất khẩu LNG sang châu Âu với liều lượng đáng kể.

Mối quan tâm chính của Ai Cập là xung đột ở Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp lúa mì của Nga và Ukraine qua Biển Đen và eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trường hợp Ai Cập không thể nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, nước này có thể phụ thuộc hơn vào lúa mì của Nga.

Xe quân sự Nga lăn bánh ở Kherson sau khi lực lượng Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố này của Ukraine. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, phản ứng của Israel mới gây chú ý nhất. Israel đã ngăn việc Mỹ chuyển giao cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa Dome (Vòm sắt) với lý do nước này không muốn hành động chống lại Nga.

Theo tờ Asia times, cả Washington và Tel Aviv đều giấu kín vấn đề này cho đến khi nó được giới truyền thông tiết lộ gần đây. Sau đó, chính quyền Tổng thống Biden tìm kiếm sự hỗ trợ từ Israel để đồng bảo trợ cho nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến Ukraine. Israel đã từ chối bất chấp Mỹ công khai thể hiện không hài lòng.

Ngoại trưởng Israel phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Nhưng Israel muốn tiếp tục thỏa thuận phi xung đột với Nga tại Syria, theo đó Moskva chấp nhận các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran và Hezbollah ở đó.

Israel đang ở trong một tình huống tế nhị. Mỹ là đồng minh thân cận của nước này và Thủ tướng Bennett đã thận trọng không để những bất đồng với chính quyền Tổng thống Biden trở thành căng thẳng, giống như thời người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu.

Mặt khác, Israel có mối quan hệ rất đặc biệt với Nga, với thực tế lịch sử là nước này đã phải hứng chịu rất nhiều đau thương dưới tay Đức Quốc xã và hơn 20 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống phát xít.

Những động thái nói trên phản ánh rằng nhiều đồng minh của Mỹ đôi khi ưu tiên các mối đe dọa khác so với Washington. Trong khi chiến dịch của Nga tại Ukraine được coi là mối đe dọa cao đối với Mỹ và các thành viên NATO, nhiều đồng minh Trung Đông của Mỹ lại coi Iran là mối đe dọa với họ lớn hơn Nga.

Ngoài ra, họ sợ rằng hợp tác với Mỹ có thể khiến Nga ủng hộ hoặc không hành động để kiềm chế Iran. Ngoài ra, khi Mỹ ít cam kết hơn trong việc bảo vệ các đồng minh Trung Đông do tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc, và giờ đây là Nga, họ tin rằng rủi ro của việc phản đối Nga sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ lợi ích nào của việc làm như vậy.

Các đồng minh Trung Đông của Mỹ cũng có thể tính toán rằng hành động của họ với Nga sẽ không làm tổn hại đến mối quan hệ với Mỹ. Các nước này có niềm tin chắc chắn Mỹ cần Trung Đông hơn Trung Đông cần Mỹ, hoặc họ tin rằng có sự ủng hộ mạnh mẽ từ trong nước Mỹ dành cho họ. Trên thực tế, đã có những tiếng nói ở Washington kêu gọi Mỹ "hiểu vị trí" của các đồng minh Trung Đông hơn.

Nhưng nếu các nước Trung Đông không hợp tác với Washington trong việc trừng phạt Nga, một câu hỏi chắc chắn sẽ nảy sinh là: Mỹ nên giúp họ ở mức độ thế nào khi đối mặt với Iran?

Washington rõ ràng là sẽ không đứng về phía Iran chống lại bất kỳ ai ở Trung Đông. Nhưng xét ở một số điểm, các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ chỉ ra rằng, nếu Saudi Arabia, UAE và Qatar không thể hoặc sẽ không tăng xuất khẩu dầu sang châu Âu để thay thế nguồn cung từ Nga, thì việc châu Âu mua dầu và khí đốt từ Iran dường như là một lựa chọn hấp dẫn hơn với các nước này. Bởi nếu như các đồng minh Trung Đông của Mỹ không coi Nga là mối đe dọa lớn, thì các đồng minh châu Âu và châu Á của Mỹ cũng không coi Iran là mối đe dọa với họ.

Các đồng minh châu Âu và châu Á của Mỹ có thể kêu gọi Mỹ thể hiện "sự khoan dung" tương tự đối với các giao dịch của họ với Iran, như cách Washington đang thể hiện với các đồng minh ở Trung Đông trong cách họ ứng xử với Nga.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích