Mang đậm dấu ấn đổi mới!

17:52 18/11/2008

Nội dung

Sau 26 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, sáng 15-11, kỳ họp thứ 4,Quốc hội khóa XII đã họp phiên bế mạc, hoàn thành tốt đẹp các nội dung,chương trình kỳ họp đã đề ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng bên lề kỳ họp - Ảnh VD
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng bên lề kỳ họp - Ảnh VD

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá kết quả, rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; xem xét và thông qua 8 dự án luật; thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009; thực hiện quyền giám sát, thông qua chuyên đề "Thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005-2007".

Đặc biệt, phần chất vấn của ĐBQH và trả lời chất vấn của các vị bộ trưởng, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đại biểu và cử tri cả nước. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đây là kỳ chất vấn sôi động, hấp dẫn và thiết thực. Qua 3 ngày chất vấn, đã có 307 chất vấn của 131 đại biểu thuộc 50 đoàn gửi đến Thủ tướng và các bộ trưởng, trong đó đã có 129 lượt ý kiến tham gia chất vấn tại hội trường, nhiều nhất trong các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay.

Với cách làm đổi mới, chất vấn theo nhóm vấn đề, nội dung các câu hỏi và trả lời chất vấn đề cập đến những vấn đề thiết thực của cuộc sống, mang tầm vĩ mô, có ý nghĩa chỉ đạo thiết thực. Không khí các buổi chất vấn thật sự dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, tập trung và mang tính xây dựng cao. Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, qua chất vấn, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ hơn, giúp Chính phủ triển khai thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ công tác trọng tâm đã được đề cập đến trong các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội…

Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân đã có nhiều hoạt động sôi nổi tại diễn đàn Quốc hội, đóng góp vào thành công chung của kỳ họp. Trước ngày khai mạc kỳ họp, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH  Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết, lãnh đạo đoàn đã thống nhất phân công các vị ĐBQH tham gia góp ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008, phương hướng năm 2009, tham gia vào các dự án luật…

Còn nhớ, đại biểu Trần Ngọc Vinh băn khoăn về sự đầu tư của Chính phủ đối với khu vực các vùng biển, hải đảo còn chưa đúng với tầm vị trí quan trọng của khu vực này. Ông Vinh nêu trong báo cáo của Chính phủ mới chỉ nói đến các vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, các chương trình về rừng, về nông thôn… mà ít nói về biển, vùng ven biển, đảo và ngư dân. Trong khi đó, Nghị quyết TW4, khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định rõ việc nâng tỷ trọng đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng biển đảo…

Từ đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề xuất Chính phủ nên có ưu tiên riêng với khu vực này, đồng thời cảnh báo nếu chúng ta khai thác tài nguyên từ biển mà không nghĩ đến việc đầu tư trở lại thì biển sẽ cạn kiệt. Trong một kiến nghị khác về nuôi dưỡng nguồn thu và tăng thu ngân sách, đại biểu Trần Bá Thiều cho rằng nhà nước muốn tăng thu ngân sách thì phải tập trung đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế trọng điểm, chẳng hạn như ngành dầu khí, các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh…

Đại biểu Trần Bá Thiều cho biết, riêng cảng Hải Phòng năm nay có thể đạt 32 triệu tấn hàng qua cảng và dự kiến có thể vượt 6.000 tỷ đồng thu ngân sách tại đây. Ngay tuyến đường 5, một tập đoàn kinh tế đã đầu tư rất lớn vào đây, bây giờ rất cần có sự động viên của Chính phủ và cần một cơ chế chính sách đặc thù cho tập đoàn này. Ông Thiều cũng cho rằng, muốn tăng thu ngân sách thì phải chống thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại và triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là ở khâu họp hành, cán bộ đi công tác nước ngoài…

Đề cập đến Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), trong đó có việc huy động lực lượng cảnh sát khác và công an xã, đại biểu Trần Bá Thiều cho rằng các lực lượng này không chỉ làm công tác tuần tra mà còn phải được xử lý theo thẩm quyền. Ông Thiều dẫn chứng, trưởng công an xã được xử phạt hành chính tới 500 nghìn đồng thì những hành vi đèo ba, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm… có thể giao cho công an xã phạt. Theo ông Thiều, giao nhiệm vụ nhưng phải giao quyền hạn thì mới làm tốt được.

Đối với Luật bảo hiểm y tế, đại biểu Phan Trọng Khánh góp ý, việc thực hiện BHYT toàn dân nên có lộ trình nhưng lộ trình này phải có bước đi thích hợp. Về BHYT cho nông dân, theo ông Khánh, nhà nước nên hỗ trợ một phần, có thể từ 30% đến 50%, tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội ở từng địa phương. Có như vậy mới có thể thực hiện đúng lộ trình đã đề ra. Cũng theo ông Khánh, người tham gia BHYT nên được quyền tham gia đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế thuận tiện nhất, kể cả cơ sở ngoài công lập nếu đủ điều kiện về chất lượng chuyên môn.

Liên quan đến vấn đề thu mua lúa gạo của nông dân, trong bối cảnh lượng gạo dư thừa và những bất cập trong chính sách thuế, bình ổn giá thép, đại biểu Nguyễn Văn Bình kiến nghị Chính phủ cần có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các công trình và thu mua hết lúa gạo cho nông dân; làm tốt công tác dự báo tình hình thị trường, chính sách điều hành kinh tế linh hoạt, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân chủ động trong sản xuất, tránh được những thiệt hại không đáng có...

THẾ KHOA


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông