06:23 29/11/2014
Chuyến đi khám bệnh cho trẻ em nghèo tại hai xã vùng cao thuộc tỉnh Điện Biên của đoàn bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng là một chuyến đi đặc biệt, đong đầy cảm xúc. Những lương y mong muốn được chia sẻ phần nào khó khăn thiệt thòi của đồng bào dân tộc khi họ ít được tiếp xúc với dịch vụ y tế hiện đại… Hành trình “leo dốc, xuyên rừng” Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới gặp được bác sĩ Phạm Văn Dương - Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, BV Trẻ em Hải Phòng - người đã lên kế hoạch và tổ chức chuyến đi khám bệnh từ thiện vừa qua tại Điện Biên. Trở về sau chuyến đi, tiếp tục hòa nhịp với guồng quay công việc thường nhật nhưng khi hồi tưởng về chuyến đi, bác sĩ Dương vẫn hào hứng chia sẻ những cảm xúc của anh. Tuy ở cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần nhưng bác sĩ Dương vẫn rất nhiệt tình với các hoạt động tình nguyện của bệnh viện. Anh đã từng tham gia nhiều chuyến công tác khám bệnh cho người dân đảo Bạch Long Vĩ, Cao Bằng, Lạng Sơn. Riêng chuyến đi này có ý nghĩa đặc biệt với anh hơn cả, bởi anh là thành viên chính lên kế hoạch tổ chức, chuẩn bị cũng như chọn chuyên khoa phù hợp để khám. Xuất phát từ 3h sáng 2-10, vượt qua hàng trăm cây số đường đèo dốc, đường rừng khó đi, 21 cán bộ y tế, trong đó có bác sĩ Đỗ Mạnh Toàn - PGĐ BV cùng 10 bác sĩ chuyên khoa đã có mặt tại Điện Biên. Có những người đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình tham gia như bác sĩ Toàn, bác sĩ Dương, bác sĩ Trâm Anh…
Trong hai ngày liên tiếp, đoàn đã lặn lội vào Hừa Ngài, Ma Thì Hồ thuộc huyện Mường Chà để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 430 em nhỏ nơi đây với đủ dịch vụ thăm khám tiên tiến: siêu âm, xét nghiệm, khám nội, khám ngoại… Ngoài thuốc men, máy móc chuyên dụng (máy hút dịch, máy khí dung) tặng 2 trạm y tế, đoàn còn chuẩn bị thêm rất nhiều bánh kẹo, tất, khăn mặt… để tặng các em đến khám. Bác sĩ Dương chia sẻ: “Từ khách sạn ở Điện Biên - nơi đoàn nghỉ lại đến Hừa Ngài phải mất 100km, trong đó hơn 20km là đường rừng. Chúng tôi đi từ 4h sáng nhưng phải đến 9h đoàn mới đến nơi. Có những đoạn đường xấu, sương mù khó đi, anh em trong đoàn phải xuống đẩy xe. Rồi trên đường về Hải Phòng, xe bị hỏng ở Sơn La, chúng tôi phải thuê xe khác để về. Lặn lội đến hơn 1h đêm mới về nhà, vậy mà sáng hôm sau mọi người vẫn đi làm đầy đủ”. Vất vả là thế nhưng các thành viên đều cảm thấy vui và xúc động trước sự nhiệt tình của bà con đồng bào. Nơi đây chủ yếu là đường đồi, đường rừng, nhưng khi biết có đoàn bác sĩ Hải Phòng lên khám bệnh cho con em mình, người dân chẳng ngần ngại vượt rừng đưa cả gia đình đến đầy đủ, đúng giờ. 9h đoàn mới bắt đầu làm việc nhưng trước đó, hàng trăm ông bố, bà mẹ đã đưa con đến xếp hàng từ sớm.
Bởi từ trước đến nay, con ốm nặng họ cũng chỉ biết đưa đến trạm xá xin thuốc, có rất ít đoàn y tế tỉnh đến khám đủ các loại chuyên khoa lại tư vấn, cấp thuốc miễn phí, tặng quà. “Món quà tuy nhỏ nhưng khi nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của các em, chúng tôi xúc động lắm. Trẻ con thành phố “sướng” quá thành ra chúng không thấy giá trị với những món đồ vật chất giản dị như trẻ em nơi đây…” - một thành viên trong đoàn tâm sự. “Người vùng cao còn khổ lắm…” Đó là câu trả lời của đa số thành viên khi nói đến cuộc sống của người dân nơi họ vừa đến khám. Hừa Ngài và Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là hai xã vùng sâu, vùng xa có địa hình hiểm trở phức tạp, giao thông đi lại rất khó khăn. Từ trung tâm xã Hừa Ngài ra đến huyện phải mất 70km. Đây là hai xã khó khăn nhất của huyện. Trên 90% người dân nơi đây là đồng bào dân tộc Mông với tỉ lệ hộ nghèo còn rất cao. Vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh mãn tính khá phổ biến, nhất là gia tăng vào mùa đông. Người dân không có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế hiện đại, khoa học, trong khi đó năng lực chuyên môn cũng như trang thiết bị của các trạm xá xã còn nghèo nàn, thô sơ.
Bác sĩ Trâm Anh - Trưởng khoa Răng hàm mặt tâm sự: “Chuyến đi vất vả, có những chỗ khó đi khiến cả đoàn thót tim nhưng các thành viên muốn đem dịch vụ y tế hiện đại đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, để nối liền khoảng cách người dân và cán bộ y tế cũng như giúp các đồng nghiệp gắn bó, đoàn kết hơn. Chuyến đi đã giúp chúng tôi phát hiện ra những bệnh lý chưa từng phát hiện hoặc những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nan y nhưng không được chăm sóc theo dịch vụ y tế đầy đủ. Qua đó, chúng tôi sẽ định hướng phác đồ điều trị, hướng dẫn kê thuốc để sau đó cán bộ y tế trạm xá vẫn có thể điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ trong đoàn”. Chỉ kịp tiếp xúc với người dân Hừa Ngài, Ma Thì Hồ mấy ngày nhưng cũng giúp thành viên trong đoàn phần nào hiểu được cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của họ, đặc biệt là thiếu thốn các dịch vụ y tế. Đoàn đã phát hiện và giúp đỡ nhiều em bé bị bại não, viêm gan, thiếu máu trầm trọng, liên hệ với các cơ sở y tế tuyến trên đưa lên tiếp tục điều trị. Đặc biệt, có một “sự cố” nho nhỏ để lại ấn tượng với mọi người: Khi đang khám bệnh ở Ma Thì Hồ thì các bác sĩ được tin có một sản phụ đẻ rơi ở trong rừng. Đoàn đã đưa xe cấp cứu và nhân viên y tế của trạm tới tận nơi để đưa sản phụ về cơ sở, hỗ trợ nhân viên sơ cứu, giúp mẹ tròn con vuông. Trong câu chuyện về chuyến đi, bác sĩ Trâm Anh còn dí dỏm kể cho chúng tôi nghe về những bà nội, bà ngoại tuổi 40 trông 6 đứa cháu nghịch ngợm. Những câu bông đùa: “Đẻ ít thôi” - các chị nói với họ phần nào là sự thương cảm, là lời khuyên cho số phận cơ cực của người phụ nữ dân tộc - nơi mà suy nghĩ “đẻ con trai bằng được” còn bám rễ vào tư tưởng cố hữu của bà con. Chuyến khám bệnh từ thiện tại Điện Biên không phải là chuyến công tác đầu tiên của BV Nhi Hải Phòng. Được biết, từ năm 2011 đến nay, hàng năm, BV đều tổ chức cho cán bộ nhân viên đi khám bệnh từ thiện tại Bạch Long Vĩ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái… Trong suy nghĩ của bác sĩ Dương, bác sĩ Trâm Anh thì: “Việc làm của chúng tôi chỉ phần nào chia sẻ, an ủi với những khó khăn mà đồng bào Mông nơi đây đang phải đối mặt. Mỗi năm, chúng tôi đều cố gắng tổ chức đi khám bệnh tại một địa phương vùng sâu vùng xa, hải đảo để đem dịch vụ y tế tốt nhất đến với người dân nơi ấy. Hy vọng rằng, không chỉ chúng tôi mà các bệnh viện khác khi có điều kiện nên tổ chức những chuyến đi từ thiện thế này để đến với những nơi thực sự cần bác sĩ, để biết rằng đất nước mình còn nghèo lắm. khổ lắm…”. Minh Hương |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão