Tái khởi động, khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 (Kỳ 1) - Bước ngoặt của suy thoái

21:46 20/05/2020

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có thể nói Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia sớm nhất, chủ động nhất và cũng thành công nhất, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được khống chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh mở “mặt trận mới” nhằm tái khởi động, khôi phục nền kinh tế bởi tác động của dịch bệnh.

Du lịch là một trong những ngành kinh tế bị tổn thất lớn nhất

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã dấy lên những nỗi lo về khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đây là thách thức không nhỏ mà Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng đang phải đối mặt, giữa bài toán sức khỏe và kinh tế, cũng như những phản ứng dây chuyền liên quan đến an sinh xã hội. Đến thời điểm này, khi trên toàn thế giới đã có tới 4,8 triệu người mắc bệnh, trong đó gần 317 nghìn người đã tử vong, thì hậu quả tổn thất về kinh tế cũng đã rất rõ ràng.

Tại hội nghị trực tuyến nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Chúng ta đang ở trong thời khắc mang tính bước ngoặt lớn của lịch sử, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.

Hiếm có một biến cố nào tác động tới toàn thế giới lớn như đại dịch Covid-19. Đại dịch gây nên suy thoái, khủng hoảng kinh tế nặng nề, cả cung và cầu, cả tài chính, sản xuất, tiêu dùng, cả nội thương và ngoại thương, từ các nền kinh tế nhỏ tới các nước đang phát triển và cả các cường quốc lớn trên thế giới. Đây cũng là cuộc suy thoái lớn nhất kể từ sau đại suy thoái kinh tế thế giới năm 1930. 

Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Điều này là không thể tránh khỏi trong bối cảnh chung, khi tất cả các tổ chức  quốc tế đều  tỏ ra  bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, trong đó Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ ở mức (-3%) và có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua. 

Dịch bệnh tác động tiêu cực đến sản xuất gia công hàng xuất khẩu

Không chỉ có vậy. Nhiều ý kiến đã nhận định rằng đại dịch lần này sẽ làm đổi thay mạnh mẽ cách thức nhân loại sống và vận hành, tổ chức nền kinh tế - xã hội, đặt các quốc gia đứng trước yêu cầu nhìn lại, tư duy lại về các nền tảng truyền thống.

Nhìn lại từ thời gian đầu dịch bùng phát ở Trung Quốc, khó khăn đã ngay lập tức gây áp lực lên các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, Trung Quốc là nguồn cung cấp lớn nhất các nguyên liệu, phụ liệu, linh kiện, bán thành phẩm… để doanh nghiệp trong nước có thể duy trì hoạt động.

Đây là một thực tế, đơn cử như ngành giày dép mà Hải Phòng là một ví dụ, hiện hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp chỉ thuần túy là gia công, còn từ da, giả da, vải, kim chỉ, khuy móc, keo kếp… nói chung gần như toàn bộ đều phải nhập khẩu. Trong đó hàng xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 80%, tiếp đến là Hàn Quốc với khoảng trên 10%. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã chủ động tích trữ, nhưng chỉ có thể duy trì được sản xuất trong khoảng thời gian nhất định.

Giữa lúc niềm hy vọng được nhen nhóm khi Trung Quốc có những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch, thì thảm họa bùng lên ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU lại như gáo nước lạnh đổ vào niềm hy vọng mong manh ấy, bởi lẽ đây là những khu vực có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Đại dịch đã phong tỏa gần như toàn bộ thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đồng nghĩa với các hoạt động thương mại quốc tế bị đình trệ. Không có gì phải tỏ ra nghi ngờ, rõ ràng Covid-19 không chỉ là kẻ thù của sức khỏe, mà thực sự đã tuyên chiến với cả nền kinh tế thế giới. Chính vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam mới xác định “chống dịch như chống giặc”, đó là mặt trận thứ nhất được mở, chúng ta đã và đang thành công.

Nhưng bên cạnh đó, các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh cũng khiến chúng ta buộc phải ngưng trệ nhiều hoạt động kinh tế, nhất là trong các đợt thực hiện cách ly xã hội. Theo một góc nhìn khác, các biện pháp phòng dịch trên diện rộng để bảo vệ sức khỏe con người, cũng chính là yếu tố hạn chế khả năng hoạt động của nguồn nhân lực.

Nghĩa là trong dòng chảy thương mại, các biện pháp phòng, chống dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ  đến tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác, trong hoạt động giao thương, quá trình đi lại của các thương nhân, chuyên gia, người lao động giao dịch giữa các nước để hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết và thực hiện các hợp đồng cũng gặp khó.

Tại Hải Phòng, hiện có khoảng hơn 700 dự án vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn là sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, chiếm tỷ lệ áp đảo trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong những tháng đầu năm, Hải Phòng là địa phương duy nhất giữ được nhịp độ tăng trưởng trong 7 địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất nước.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang gặp không ít khó khăn, khi nới lỏng bên trong những vẫn buộc phải áp dụng chiến lược “bao đê bên ngoài”. Bên cạnh các ngành sản xuất lớn gặp khó khăn cả đầu vào đầu ra, các mảng kinh doanh, dịch vụ khác cũng lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng, thậm chí bị triệt thoái doanh thu như du lịch, hàng không là ví dụ

Nhưng thực tế cũng cho thấy, về cơ bản Việt Nam đã giành thắng lợi trước đại dịch và nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng so với thế giới. Chúng ta đã tận dụng được “thời gian vàng” để chống dịch, và giờ chính là “thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế, chuyển sang “trạng thái bình thường mới” của phát triển.

Lê Minh Thắng (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích