Mẹ…

23:29 24/10/2015

 

...
...

Ngày con oa oa cất tiếng khóc chào đời, nước mắt mẹ lăn dài trên má. Con chập chững tập đi, bi bô học nói, mẹ mắt ướt nhạt nhòa. Con vào lớp 1, mẹ rưng rưng khóe mắt. Con nghịch dại bị bố đánh đòn, mẹ ôm con thút thít. Con lớn lên, lập gia đình, ngày cưới mẹ mừng ngấn lệ. Vợ con sinh em bé, mẹ cười mà nước mắt cứ rơi

1. Năm nay mẹ đã ngót nghét bảy mươi, tuổi “xưa nay hiếm”. Mẹ hay ốm, nhất là những lúc trái gió trở trời, bệnh khớp lại hành hạ mẹ. Đau nhức, khó chịu nhưng mẹ chẳng hề kêu ca lấy một lời. Bố thương mẹ nên lúc nào rảnh là ngồi bóp chân, bóp vai cho mẹ. Con dâu cũng quan tâm mua thuốc phong thấp, mua sữa canxi cho mẹ uống. Được sự quan tâm của cả nhà, mẹ xúc động lắm. Ấy vậy, trên gương mặt phúc hậu của mẹ vẫn hằn lên nét mệt nhọc của tuổi già. Cả một đời mẹ đã chịu bao vất vả, khổ hạnh để các con được trưởng thành…

Tôi vẫn nhớ, thuở còn bé xíu, mấy anh em tôi ít khi được gặp bố, vì bố đi đánh giặc ở tận miền Nam. Khi đó mẹ là giáo viên cấp hai. Bọn trẻ con chúng tôi không mấy khi được uống sữa, thịt cá họa hoằn lắm mới được một bữa. Còn cơm thì cũng phải chia phần chứ không được thoải mái chén như bây giờ.

Đất nước được giải phóng, bước vào thời kỳ đổi mới, chế độ bao cấp bị xóa sổ. Chúng tôi không còn phải ăn cơm độn hạt bo bo, cơm trắng dù có thêm khoai, sắn nhưng lúc nào cũng no cái bụng. Bố cũng đã xuất ngũ trở về với gia đình nhưng không được khỏe lắm. Chiến tranh đã cướp đi của bố tuổi thanh xuân bẻ gãy sừng trâu và cấy vào trong người bố vô vàn căn bệnh khó chữa. Hết tim lại dạ dày, rồi cao huyết áp, tiểu đường… khiến bố “đau cả người”…

Bị nhiều bệnh như vậy nên bố hầu như quanh năm suốt tháng ở bệnh viện, mọi việc trong nhà mẹ cáng đáng hết. Đi dạy về là mẹ sà ngay vào việc nhà, nào là thái rau nấu cho lợn ăn, rồi thì giặt giũ đống áo quần đã sờn màu, vá víu. Chưa ngơi tay, mẹ lại phải đi xay lúa nấu cơm cho các con ăn, rồi cọc cạch đạp chiếc xe cà tàng mang cơm cho bố trên viện. Mãi đến khuya, khi gà đã gáy lần đầu mà mẹ mới chong đèn soạn giáo án. Mệt quá, mẹ thiếp đi, nhưng mới tờ mờ sáng đã thấy mẹ ra vườn “tập thể dục” bằng việc nhào đất, hì hục đóng gạch, đặng khi nào có tiền xây lại ngôi nhà đã dột nát. Đống gạch ngày càng cao, còn dáng mẹ thì ngày càng còng…

Cứ như vậy, mẹ như con thoi chạy chỗ này, bươn chỗ kia, lo lắng cho gia đình luôn được no ấm. Thấy mẹ vất vả, chúng tôi cũng xắn tay giúp mẹ việc nhà nhưng mẹ toàn giành lấy, cứ bảo việc của các con là học cho thật giỏi, đó là một sự giúp đỡ nhiều nhất mà mẹ mong muốn…

2. Qua thời gian và sự săn sóc của mẹ, bệnh tình của bố cũng thuyên giảm. Thương vợ đã chịu nhiều hi sinh, bố cũng sắm bộ đồ nghề rồi dựng quán sửa xe đạp cho bà con trong xóm, kiếm thêm chút đỉnh phụ giúp vợ. Sự chia sẻ đồng cam cộng khổ của bố lăn dài những giọt nước mắt hạnh phúc.

Mà phải nói rằng, mẹ mát tay lắm, lợn gà qua tay mẹ lớn nhanh như thổi. Lứa này xuất chuồng, lứa kia cũng sẵn sàng ra chợ. Chả thế mà tiền bán gà, bán lợn đã đủ để bố mẹ tích góp xây được căn nhà ngói 3 gian khá khang trang. Thời đó, trong xóm, ngoài làng, ai ai cũng trầm trồ khen nhà đẹp, nhất là bà chủ nhà thì quá giỏi giang, tháo vát hơn người. Nghe những lời có cánh như vậy, mẹ chỉ cười xòa, bảo đấy là công lao của bố bọn trẻ, mẹ chỉ góp một phần nhỏ thôi…

Mẹ là vậy, làm thì nhiều nhưng chưa bao giờ nhận công lao về mình cả, bởi đơn giản với mẹ thì gia đình được sung túc, con cái trưởng thành là phần thưởng duy nhất mà mẹ ngày đêm xây đắp. Để đạt được điều đó, mẹ không ngại gian khổ, hi sinh, thức khuya dậy sớm, chẳng màng đến sức khỏe bản thân, cốt là gia đình êm ấm, hòa thuận, con cái đỗ đạt, giúp ích được cho đời…

...
...

3. Thế rồi, anh em chúng tôi cũng đã phần nào giúp mẹ toại nguyện khi đều trúng tuyển đại học đúng với sở thích của mỗi đứa. Nhưng rồi một biến cố đã xảy ra khiến gia đình một phen lao đao, kinh tế khánh kiệt, mẹ đã phải ngất lên ngất xuống không biết bao nhiều lần. Đó thời gian tôi mới học năm thứ 2 đại học, em trai tôi không may bị tai nạn giao thông rất nguy kịch, mà theo những người chứng kiến thì là chín phần chết, một phần sống. Lúc đó nhìn thằng út máu me bê bết không còn phản ứng gì, mẹ như chết lặng. Nhiều người khuyên đưa về nhà…, đi viện không biết có cứu được không, lại rất tốn kém. Nhưng mẹ thì cương quyết bảo rằng còn nước còn tát, phải đưa ngay vào bệnh viện, ai thương thì giúp đỡ ít đồng, không được bàn lùi…

Ở bệnh viện, em tôi vẫn bị hôn mê sâu. Một ngày, hai ngày, rồi mười bốn ngày trôi qua, thằng út vẫn như khúc gỗ cứng đờ, không phản ứng gì. Mẹ tôi không còn nước mắt để khóc nữa. Nhưng kỳ diệu thay, bước sang ngày thứ mười lăm, thằng út bỗng tỉnh lại và la hét kêu mẹ ơi con đau lắm. Đó chính là lúc mẹ ôm chầm thằng út khóc nức nở: “con ơi, thế là con sống lại rồi”…

Sau này, thằng út nói vui với tôi rằng, cái lần bị tai nạn, em đã xuống gần gặp diêm vương rồi đấy chứ, nhưng ông ấy bảo em phải trở lại dương gian, vì ông ấy không nỡ cướp đi một phần trái tim của một người mẹ, một người mẹ đáng kính nhất mà ông ta từng biết. Tất nhiên đó là thằng út nhà tôi đã “hư cấu” chuyện gặp diêm vương, nhưng cũng phải nói rằng chính tình thương và lòng tin của mẹ đã giành lại thằng út khỏi tay tử thần…

4. Giờ đây, anh em chúng tôi, ai nấy đều có gia đình riêng. Cuộc sống với bao điều lo toan khiến cho thời gian trở nên eo hẹp. Những lúc được sum vầy cùng bố mẹ ngày một ít đi. Mỗi đứa mỗi cảnh, phải tha phương đi làm ăn, bố mẹ cũng xót lắm nhưng đành phải chấp nhận. Chỉ cám cảnh đôi vợ chồng già lủi thủi hết ra vườn tưới mấy gốc ổi, lại vào nhà bật ti vi xem. Điều an ủi duy nhất của bố mẹ là các con dù đi đâu, làm việc gì đi nữa, vẫn giữ được cốt cách lương thiện, sống hiếu nghĩa với gia đình, làng xóm…

Trước ngày 20-10, con gọi điện về hỏi mẹ thích quà gì để con mua tặng, mẹ chỉ cười và bảo rằng “Con bày vẽ làm gì, với mẹ món quà quý giá nhất đó chính là các con luôn khỏe mạnh, sống hạnh phúc bên nhau. Con nhớ đến mẹ, mẹ mãn nguyện lắm rồi. À mà gửi về cho bố mấy lọ thuốc bổ nhé, mẹ thấy bố con dạo này yếu lắm rồi”…

Mẹ là thế đấy, chỉ lo cho mọi người khác…

QUẢNG BÌNH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông