08:53 20/03/2019 Cách đây mấy chục năm, khi mô hình thương mại hiện đại chưa thực sự phát triển, chợ truyền thống (thương mại truyền thống) là kênh cung cấp hàng hóa chủ công của thị trường thành phố. Nhưng nay gió đã đổi chiều, các trung tâm thương mại xuất hiện với mật độ ngày càng dày, đẩy thương mại truyền thống ngập sâu vào tụt hậu.
Mô hình thương mại hiện đại là hướng phát triển tất yếu
Vất vưởng cạnh tranh
Là thành phố lớn, với lợi thế cảng biển, Hải Phòng từ lâu đã là trung tâm buôn bán của khu vực vùng duyên hải Bắc Bộ. Đặc biệt thời bao cấp, với ưu thế cảng biển đầu mối giao thương, Hải Phòng đã có nhiều chợ nổi tiếng khắp nước, đáng kể nhất là chợ Sắt, chợ Đổ, chợ Ga…
Thực tế tính đến thời điểm hiện tại, thương mại truyền thống vẫn là kênh phân phối hàng hóa chủ lực của thành phố. Đánh giá của ngành công thương cho thấy, tỷ lệ hàng hóa và dịch vụ trao đổi qua các chợ tại Hải Phòng đạt khoảng 60 đến 70% tổng lượng thị trường. Lợi thế của chợ truyền thống là hoạt động theo mạng lưới trên nền tảng phát triển lâu đời, phân bố rộng khắp với phương thức giao dịch trực tiếp khá thuận tiện.
Nhưng mấy năm trở lại đây, khi các mô hình thương mại hiện đại xuất hiện, chợ truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế. Chẳng hạn về văn hóa kinh doanh, điểm yếu cố hữu là khu vực này phần lớn không niêm yết giá và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vẫn chọn “mặc cả” làm phương thức phổ biến.
Mặt khác việc hình thành giá bán đôi khi nhiễu loạn, khiến không ít người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi. Gian lận thương mại ở chợ truyền thống vẫn bị coi là vấn nạn, hàng thật hàng giả, hàng tốt hàng xấu lẫn lộn, rồi cả những câu chuyên gian lận trong cân – đo – đong – đếm. Chưa kể những bất cập về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản hàng hóa và các chế độ hậu mãi chăm sóc khách hàng.
Một góc độ khác thuộc về quản lý, khảo sát tại một số chợ lớn trên địa bàn thành phố cho thấy, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn, nhưng việc khai thác theo kiểu tận thu mặt bằng đã biến bộ mặt chợ thành nhếch nhác. Nhất là trong hoàn cảnh thời tiết mùa hè, người tiêu dùng sẽ cảm nhận rất rõ giữa việc len lỏi lạc vào ma trận những quầy hàng ken đặc trong các chợ, với việc đi giữa không gian thoáng đãng có điều hòa mát lạnh để chọn sản phẩm trong các siêu thị. Cũng liên quan đến công tác quản lý, toàn thành phố có khoảng 150 chợ, xếp thứ tự thành 3 hạng. Tuy nhiên, ngoài hệ thống chợ nằm trong danh mục đang tồn tại, còn có một số lượng rất lớn các chợ tự phát với quy mô khác nhau.
Cụ thể các chợ dưới chân cầu Rào, cầu An Dương, đường An Đà… lưu lượng hàng hóa trao đổi trong một buổi sáng có khi còn cao hơn cả một chợ hạng 1. Thậm chí chợ cóc len lỏi nhảy vào tận trong ngõ, đơn cử như ngõ 46 (đường Lạch Tray) hoặc ngõ 229 (Hàng Kênh), đếm sơ qua cũng có hàng trăm quầy hàng. Điều đáng nói là, sự tồn tại của các chợ cóc không chỉ khó quản lý, mà còn gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông nghiêm trọng và tạo ra bất bình đẳng về môi trường cạnh tranh.
Xu hướng tất yếu
Diễn biến thị trường mấy năm gần đây đã phản ánh rõ nét xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển, đó là sự ra đời của các trung tâm thương mại. Cơ bản hàng hóa đã được phân khúc, thay thế dần sự nhốn nháo của thương mại truyền thống, ngghĩa là bản đồ thị phần đã được phân bố lại, ai lấy được lòng “thượng đế” nhiều hơn sẽ chiếm được phần hơn.
Tuy chưa phải là nguồn phân phối đa số hàng hóa, nhưng thương mại hiện đại đã trở thành cán cân so sánh hiệu quả về giá và chất lượng sản phẩm, buộc thương mại truyền thống phải… nhìn lại mình.
Hệ thống các siêu thị không những có được lợi thế rất lớn khi người tiêu dùng được tự do lựa chọn sản phẩm dịch vụ, mà còn nhiều chuẩn mực khác về không gian, nguồn gốc hàng hóa, giá cả niêm yết, chế độ hậu mãi, chế độ bảo quản…
Tóm lại, thương mại hiện đại đã tạo ra một thị trường văn minh hơn, ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Mặt khác, công tác quản lý đối với thương mại hiện đại cũng gặp nhiều thuận lợi, không chỉ đóng góp cho xã hội, đóng góp cho ngân sách, mà còn giúp cho nhiệm vụ bình ổn giá, điều tra thị trường để hoạch định các chính sách, quản lý phát triển thương mại hiệu quả.
Mặc dù vậy, hiện thương mại hiện đại không những vẫn phải cạnh tranh mạnh mẽ với cả thương mại truyền thống lẫn trong hệ thống. Chẳng hạn, khi xuất hiện các siêu thị bách hóa Metro (nay là MM Mega Market), BigC, Co-opMart đều rất mạnh về cung ứng hàng điện máy, nhưng chỉ mấy năm lợi thế này đã thành lép vế.
Bởi lẽ nhóm hàng điện tử đã được tách ra khỏi hệ thống khi thành phố xuất hiện các siêu thị chuyên doanh, ngày càng nhiều các thương hiệu lớn xuất hiện. Điển hình trong những năm qua lần lượt các siêu thị MediaMart, Trần Anh, Pico, HC, Điện máy Xanh, Nguyễn Kim… chỉ trong thời gian ngắn đến với Hải Phòng, đã mở rộng đầu tư thêm nhiều trung tâm mua sắm mới. Chưa hết, ngay trong nhóm hàng điện máy, các nhánh hàng hóa cũng lớn thành “người khổng lồ”, đơn cử như thiết bị di động gắn với các tên tuổi lớn như Thegioididong.com, VP, FPT, Viettel…
Có thể nói, trong một thời gian dài, thương mại truyền thống vẫn là một kênh quan trọng đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhất là thực phẩm tươi sống nói riêng và nông sản nói chung. Nhưng sự phát triển ngày càng phong phú các dạng hình thương mại hiện đại đang hình thành một hướng đi mới, đồng thời góp phần tích cực để thương mại truyền thống có cơ hội thay đổi. Đó chính là xu hướng tất yếu cho công cuộc phát triển lên văn minh, hiện đại và bền vững.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão