Mỗi nhà một cảnh: Chữ “ngờ”

10:03 05/09/2018

Ông Định phấp phỏng cả đêm không ngủ được. Nằm ngoài chòi canh giữa đầm, không có quạt, cũng chẳng có điện, mắc màn thì nóng, không mắc thì muỗi râm ran khiến ông trằn trọc không sao ngủ được.

Trời vừa hửng sáng, ông lồm cồm bò dậy, chạy vội đi tìm lưới. Từ từ từng tí một, tấm lưới dần được kéo lên kèm theo bao nhiêu trông đợi và hy vọng...

Cách đây gần 20 năm, với quyết tâm đổi đời, ông Định từ giã vợ con để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Thời gian đầu, những cuộc điện thoại hỏi thăm liên tục được gọi về để vơi bớt nỗi nhớ người vợ tần tảo và 2 thằng con giống cha như đúc. Tiền cũng được chuyển về đều đặn để vợ ông trả lãi vay cho ông đi xuất khẩu lao động.

Thế rồi cuộc gọi thưa đi, tiền cũng được gửi về cách quãng. Vợ có hỏi ông ậm ờ trả lời rằng công việc ở đây không ổn định, đời sống đắt đỏ nên chả để ra được bao nhiêu. Vậy là cứ ki cóp được đồng nào chồng gửi về là bà lại đem đi trả nợ. Còn mọi thứ sinh hoạt, học hành của ba mẹ con vẫn trông vào sào lúa, vào mảnh vườn và ngày công đi cấy thuê, gặt mướn của bà.

Ba năm sau khi đi xuất khẩu lao động, ông Định xin nghỉ phép về thăm vợ con. Số tiền mang về đủ để trả hết nợ nần, xây lại cái nhà vệ sinh cho tử tế và sắm cho hai thằng con giờ đã bắt đầu lớn lộc ngộc vài ba bộ quần áo. Còn người vợ lành hiền chả có gì, cũng chẳng đòi hỏi gì. Chỉ cần nhìn thấy hai đứa con xúng xính trong bộ quần áo mới đi ra đi vào, nghe tiếng cười giòn tan của chồng mỗi khi có hàng xóm đến hỏi thăm là bà cảm thấy hạnh phúc rồi…

Sau chuyến về thăm nhà, trước khi đi để lại chút tiền cho vợ gọi là có, ông Định dông thẳng một mạch đến cả chục năm. Tiền hầu như chả còn gửi về cho gia đình. Nghe người làng cùng đi đợt ấy bảo ông vẫn gửi tiền nhưng là gửi về bên nội cho mẹ ông giữ. Còn ở bên Hàn, ông hiện đang cặp với một phụ nữ trẻ người Bắc Giang… Tá hỏa vợ ông liền gọi điện hỏi sự tình thì bị ông mắng xơi xơi, rằng ở nhà không biết gì còn hỏi han hồ đồ. Nghe điện, bà thấy xót xa, trong linh cảm của người phụ nữ, bà đã nhận đượcra một sự rạn vỡ không gì hàn gắn được.

Gần 20 năm kiếm ăn nơi xứ người, ông Định về hẳn. Ngày trở về, căn nhà nhỏ có vợ con chỉ giữ chân ông được vài ngày. Còn lại ông chủ yếu sang nhà nội với cha mẹ.

Có tiền ông mua một chiếc xe khách 24 chỗ ngồi, thuê người lái, thằng con lớn chỉ việc đi theo thu tiền. Tiếp đó ông mua luôn mấy mẫu đầm nuôi tôm và cua biển. Rồi viện cớ bận làm ăn, ông chẳng lúc nào ở nhà. Người ta đồn rằng thực ra ông mua nhà ở thị xã để tiện bề đi lại với cô vợ hờ người Bắc Giang.

Tất cả những nghi ngờ âm ỉ trong lòng người vợ nhẫn nhịn dần được làm sáng tỏ trong một lần ra thị xã, chính mắt bà thấy ông cùng người phụ nữ trẻ đèo nhau về ngôi nhà 3 tầng đẹp đẽ nơi mặt phố. Bao nhiêu uất ức, tủi hờn giàn giụa nơi khóe mắt của người đàn bà lam lũ. Thế nhưng trái với thái độ nóng nảy, quyết tâm “làm cho ra ngô ra khoai” của cháu, bà lẳng lặng bảo cháu đèo về. Người ta chỉ khóa được cái cửa, không ai khóa được con tim. Sau chuyện ấy, bà quyết định giải thoát cho ông Định…

Ở đời ai học được chữ “ngờ”, tiền kiếm được quá dễ dàng từ những chuyến xe khách khiến thằng lớn sa vào cá độ bóng đá. Hậu quả là phải cầm cả xe mới “cứu được mạng”. Còn ông Định, mải vào Nam ra Bắc du hí cùng cô bồ trẻ, tất cả công việc ở đầm, từ mua con giống, thức ăn, trông coi… ông phó thác cho thằng cháu họ. “Đục nước béo cò”, thi thoảng người ta lại thấy mấy thương lái ghé qua đầm của ông vào những buổi sáng tinh mơ…  

“Miệng ăn núi lở”, đến khi cô bồ trẻ thấy túi tiền của ông dần cạn kiệt thì cũng là lúc cô nói lời tạm biệt. Xe khách thì đã không còn, hoảng hốt ông vội lao về đầm trông ngóng vào số tôm, cua mấy ngày nay không có người trông vì thằng cháu gọi điện báo có việc gấp vào Nam. Vậy mà khi lưới kéo lên, đón ông chỉ lèo tèo vài ba con cá nhỏ cùng tí rong rêu lụn vụn. Ông Định thất thần ngồi sụp xuống mép đầm…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông