Mỗi nhà một cảnh: Điều ước nguyện cuối cùng…

21:18 21/07/2018

Tiếng chim sâu lích chích tìm mồi sáng sớm khiến bà Liên tỉnh dậy. Bà khẽ vươn tay đẩy nhẹ cánh cửa sổ trông ra vườn, không khí trong lành của buổi sớm mai ùa vào tràn ngập căn nhà nhỏ. Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 46 của ông Phan. Vậy mà... Bà Liên ứa nước mắt, bên ngoài trời vẫn tờ mờ tối, cây thị cổ thụ ngoài vườn xòe tán la đà xuống sát cửa sổ trông rõ cả quả. Thoảng lắm trong hương gió đã nghe man mác mùi thơm của quả thị nào chín sớm…

Bao nhiêu năm nay người làng Hạ quen với hình ảnh bà Liên sống một mình trong ngôi nhà nhỏ lọt thỏm trong khu vườn rộng mênh mang. Điều lạ là cả khu vườn chỉ có một khoảnh nhỏ xíu dành để trồng rau, còn lại hầu như trồng toàn thị. Mùa thị chín, hương nồng nàn theo gió đưa thơm ngát cả làng. Ai muốn thì vào vặt, ít thì một vài quả, nhiều thì cả rổ, bà chỉ yêu cầu vặt nhẹ tay đừng làm gãy cành.

Cách đây hơn 40 năm, cô gái trẻ xinh đẹp tên Liên và anh bộ đội làng Hạ tên Phan được chi đoàn thanh niên tổ chức đám cưới. Ngày cưới, Phan dậy thật sớm, sớm hơn cả chú chim sâu chăm chỉ nhất để trèo lên cây thị cổ thụ trong vườn tìm những quả chín tròn nhất, đẹp nhất để dâng lên tiên tổ chứng giám lễ nhận nàng dâu mới. Bà còn nhớ rõ hôm đó trời thu nắng trong vắt, gió heo may nhẹ nhàng đưa hương thị nồng nàn, vương vấn ủ thơm từng kẽ tay, nếp áo, lan tỏa trong ngôi nhà nhỏ hạnh phúc của đôi lứa vừa nên duyên…

 Ở với nhau chưa bén hơi vợ thì Phan được lệnh hành quân vào Nam . chiến đấu. Ngày anh đi cũng là lúc thị chín rộ. Phút chia tay Liên khóc sưng cả mắt vì quyến luyến chồng. Khẽ giằng tay vợ dứt áo ra đi mà mắt Phan cũng hoe hoe đỏ. Liên chỉ kịp chạy theo dúi vào trong túi anh quả thị vàng ươm gợi nhắc anh luôn nhớ về quê hương và người vợ trẻ.

Một năm, hai năm, rồi ba năm... Không chiều nào, khi ánh tà dương nhuộm đỏ ối cây trong vườn chị không lặng lẽ đứng ở hiên nhà trông ra cổng. Nơi có cành thị cổ thụ chìa sang thành vòm lá xanh ngắt, mong có một phép màu xuất hiện hình dáng quen thuộc của người chồng.

Thế rồi, vào một chiều của năm thứ 5 không thế nào quên. Liên chợt thấy bủn rủn khi thấy ở ngõ xuất hiện sắc màu xanh lá của quân phục. Thế nhưng không phải hình dáng thân thuộc của chồng mà là của hai người đàn ông gương mặt chai sạm vì nắng gió. Đỡ trên tay người lính bộ quân phục phai màu và cuốn sổ có ép một chiếc lá thị khô của chồng, chị thấy trời đất như quay cuồng, tim nghẹn lại rồi phút chốc bỗng tối sầm lại…

Vốn hiền lành, xinh xắn nên sau khi Phan mất có nhiều người đánh tiếng tìm hiểu nhưng Liên kiên quyết ở vậy thờ chồng. Và khu vườn nhà cô, từ một cây thị cổ, sau mấy chục năm cô tỉ mỉ nhân lên được vài chục gốc thị. Ngày ngày cô chăm sóc, tưới tắm cho cây như thể đó là những đứa con của mình. Để rồi mỗi mùa thị chín, hương thơm nồng nàn như thể Phan lại về bên cô...

Hôm nay là ngày giỗ của ông Phan, vậy mà người làng Hạ không thấy cô Liên ra vườn trẩy thị như thường lệ. Họ ngạc nhiên tìm vào hỏi thăm thì thấy bà đang nằm bẹp ở góc giường như mất hết sinh khí. Đứa cháu ở thành phố được người làng gọi điện cấp báo. Vội vã thu xếp công việc về thăm cô, phút gặp mặt thấy cô Liên rưng rưng nghẹn ngào:

- Cô không có con nên sau này có mệnh hệ nào trăm sự nhờ cháu. Cô đi cũng chả còn gì để nuối tiếc, nhưng có một ước nguyện mà mấy chục năm nay chưa thực hiện khiến cô day dứt mãi không thôi. Cách đây hơn 40 năm, có hai người cùng tìm hiểu nhưng cô chỉ chọn chú cháu. Điều trớ trêu là chú cháu và ông Tấn lại cùng đơn vị. Chính ông ấy là người đánh dấu nơi chôn và mang di vật của chú về cho cô. Sau này hòa bình lập lại, ông ấy ngỏ ý nếu muốn tìm chú thì đi cùng ông. Nhưng hồi đó cô sợ thiên hạ dị nghị, đi cùng với người đã từng có tình ý với mình cả làng đều biết nên cứ ngại ngần. Sau này ông ấy chuyển về sống với con cô bặt tin. Hôm qua thì người ta mang di cốt ông ấy về quê cô mới biết. Giá như dũng cảm hơn, vượt qua được nỗi xấu hổ, ngại ngùng. Giờ thì cô để mất cơ hội tìm được chú rồi con ơi…

Nói đến đây cô Liên khóc nức nở, nước mắt giàn giụa trên gương mặt gầy guộc đầy vết chân chim. Đứa cháu chợt hiểu lý do vì sao cô mình bỗng nhiên suy sụp đến vậy. Anh đang tìm cách để khuyên giải thì chợt bên ngoài có tiếng lao xao. Rồi bỗng đâu có một người đàn ông trẻ tiến đến:

- Cô là cô Liên có phải không? Cháu là Tuấn, con bố Tấn. Chục năm nay do vết thương trên đầu phát tác nên bố cháu lúc nhớ lúc quên. Hôm qua lúc anh em cháu xem lại kỷ vật của bố thì thấy có bức thư cách đây chục năm. Trong đó bố cháu viết lúc này đầu óc ông còn tỉnh táo nên viết thư dặn, khi nào con cháu cô Liên làng Hạ đến tìm thì chuyển cho họ tấm bản đồ ông đánh dấu nơi chôn cất ông Phan, bạn của ông. Nay bố cháu mất rồi, anh em cháu bảo chủ động tìm đến đưa cho cô trước…

Cô Liên ôm ngực nấc lên một tiếng nghẹn ngào. Ngoài kia, nắng vàng bừng lên chiếu rọi cả khu vườn, gió đưa hương thị nồng nàn vấn vương từng mái nhà, tán lá…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông