15:11 03/10/2018 Xế trưa, phòng bệnh quang người và khá yên tĩnh, chỉ còn nghe thấy tiếng bát đũa va nhau leng keng và tiếng quạt trần chạy vù vù. Bà Yến lẳng lặng xoay lưng quay mặt vào tường ứa nước mắt vì tủi thân. Nhà người ta cũng ốm đau như mình mà không lúc nào ngơi người chăm sóc, còn bà thì từ sáng đến trưa vẫn chẳng thấy ai ngó ngàng…
Việc gì cũng có nguyên do của nó. Trước đây bà Yến vốn là dân buôn bán, tiền của vào như nước, sắm một lúc mấy cơ ngơi mặt phố. Tiền bạc dễ kiếm càng khiến vợ chồng bà ham, bỏ mặc 3 đứa con lêu lổng tự quản lý nhau.
“Bé không vin, cả gãy cành”, đứa con gái đầu tên Minh học hết cấp hai thì bỏ dở chừng, lấy chồng sớm. Vợ chồng trẻ con, nay cãi mai đánh, mấy hôm lại thấy Minh ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ. Chịu hết nổi, bà phải mở cho nó quầy hàng kế bên, chia bớt mối cho thằng con rể cho nó có việc làm đỡ rảnh thời gian để cãi vã.
Thằng thứ hai tên Quý theo lũ choai choai tụ tập chơi bời, hết tiền về nhà nã mẹ. Bao nhiêu bao tiền nhỏ, tiền to, mấy cơ ngơi mặt phố của bà đều qua tay nó cả. Đến lúc bà không chịu được nữa tuyên bố từ mặt thì nó xoay sang rình mò nhà ai sơ hở thì trộm cắp. Được một thời gian Quý bị bắt và phạt tù mấy năm.
Ra tù chứng nào tật ấy, cờ bạc, rượu chè… không trò nào nó không tường. Để yên ổn, bà Yến về quê tìm cho nó một cô vợ hiền lành chất phác để giữ chân.
Thằng con út tên Trung học hết cấp 3 được bà sắm cho cái xe tải chạy vật liệu xây dựng. Khi Trung dẫn người yêu về ra mắt, bà Yến khi hỏi tên tuổi, nghề nghiệp thì cực lực phản đối vì bà và thằng út đều tuổi Hợi, con kia tuổi Dần. Gò má cao, mắt sâu, lại tuổi hùm tuổi beo thì không sát phu thì mẹ phu cũng khó bề mà sống nổi.
Sau nhiều lần đánh tiếng, ngăn cản và cuối cùng là hăm dọa, cuối cùng “con bé tuổi Dần” kia cũng hãi mà rời xa. Đắc chí, bà Yến mối lái luôn cho thằng út đứa con bà bạn hàng. Không những tuổi Ngọ, hợp mạng mà quan trọng hơn là cô tiểu thư này còn mang theo cả rương hồi môn theo về nhà chồng.
Cùng là phận dâu con nhưng cô hai và cô ba bà đối xử khác nhau một trời một vực. Cô thứ ở cùng vợ chồng bà chả khác gì phận osin. Nhà cửa, cơm nước, trông nom hàng họ… một tay cô cáng đáng cả. Cả ngày luật quật giao nhận, trông nom cửa hàng, tối về phục vụ cơm nước cho gia đình chồng xong là phải đến phòng “tấu trình” với mẹ chồng tất cả các khoản thu chi, không sót một đồng một cắc.
Sợ con dâu tranh thủ bòn rút của nả đem về nhà mẹ đẻ, không chỉ ngày ngày phát tiền cho con dâu chi tiêu, kiểm soát các mối hàng đi đến mà mỗi khi về quê, bà thường mát mẻ với bên thông gia cảnh báo trước để diệt mầm mống manh nha từ trong trứng nước. “Con giun xéo mãi cũng quằn”, gã chồng đã chẳng ra gì, lại thêm bố mẹ chồng tai quái xúm vào hành hạ, chị liền mang con vào khu công nghiệp Bình Dương để kiếm sống.
So với chị dâu thì cô dâu út gia thế hơn hẳn. Khi cô về làm dâu thì bên chồng cũng bắt đầu suy kiệt. Những lắc tay, kiềng vàng to như vòng xích mà mẹ chồng tặng hôm cưới hóa ra chỉ là đồ làm cảnh. Trong khi cô về nhà chồng, mẹ cô không chỉ cho một sổ tiết kiệm giá trị bằng cả ngôi nhà mặt phố, một cái xế hộp mà còn cả một khoản dắt lưng khá khá để cô chi tiêu hàng ngày.
Biết cô có tiền, sau ngày cưới 3 hôm, mẹ chồng cô lại giả lả lên phòng mượn chút vốn để đánh quả hàng. Biết được vị thế của mình nên cô chẳng coi gia đình chồng ra gì, hễ ai động đến là cô làm mình làm mẩy. Nay dọa ra khỏi nhà, mai lại đòi về nhà mẹ đẻ.
Chuyến hàng mà bà Yến vay tiền con dâu út định đánh quả đậm một phen bị bắt giữ, thế là bao nhiêu vốn liếng mất trắng. Nghe tin dữ, cô dâu út làm ầm cả lên, mắng nhiếc nhà chồng lừa dối, bòn rút của cải của cô. Điên tiết gã chồng táng cho cô một cái bạt tai, vậy là cô lăn lộn gào thét giữa sân đòi liều chết một phen khiến cả dãy phố nhốn nháo.
Vừa tiếc tiền, vừa mất mặt với hàng xóm, với gia đình thông gia, bà Yến lên cơn đột quỵ phải nhập viện. Biết tin mẹ nhập viện, thằng thứ hai đáo qua lấy lệ 1 vài lần rồi mất hút. Thằng út mải chạy theo năn nỉ cô vợ đỏng đảnh ôm con về nhà mẹ đẻ cũng chẳng thiết gì mẹ bệnh tật ra sao. Chỉ có cô con cả và ông chồng già thay phiên nhau tối đến trông nom vì ngày còn bận trông cửa hàng.
Giờ đây ngày ngày bà nằm chèo queo một mình, chứng kiến tình cảm gia đình của những bệnh nhân cùng phòng mà ứa nước mắt...
Bùi Hạnh
14:29 23/11/2024