08:48 09/06/2019 Bà An khẽ trở người, mở mắt nhìn ra phía ngoài vườn. Bên ngoài, trời vẫn tối om, không khí mát mẻ từ ngoài tràn vào khiến căn phòng se se. Sau trận mưa rào đêm qua, nghe chừng cảnh vật trở nên tràn đầy sức sống.
Bà An chợt nhớ đến niềm vui cứ lâng lâng cả tháng nay. Chộn rộn không ngủ được, bà quay sang bên cạnh lay ông chồng vẫn đang kéo bễ:
- Dậy, dậy. Tranh thủ đi chợ sớm không thì không kịp.
Nghe tiếng vợ thúc, ông Thành lóp ngóp ngồi dậy, mắt nhắm mắt mở càu nhàu: “Dậy rồi đấy thôi, làm gì mà hối như cháy nhà thế!”.
Ngáp một tiếng rõ to, ông Thành với tay bật công tắc. Đèn bật sáng soi rõ chiếc đồng hồ vẫn kêu tích tắc trên nóc tủ đang chỉ gần 4 giờ.
…Khi vợ chồng ông Thành đi chợ trở về thì trời sáng tờ mờ. Trên khoảng sân rộng bày la liệt những ngan vịt, thịt bò, thịt lợn, rau củ. Hàng xóm bắt đầu lục tục sang giúp một tay, tiếng nói chuyện bắt đầu râm ran cả một khoảng.
Chả là hôm nay thằng Thanh, con ông Thành đi làm bên Nhật trở về thăm nhà. Thằng Thanh mới đi xuất khẩu lao động được hơn hai năm. Làm tận bên Nhật có khác, cỗ khao con về “to như cỗ cưới”.
Trước khi con về cả tháng, ông bà đã lục tục ráo với người làng trên xóm dưới mời đến dự ăn nên lời đồn đoán càng râm ran. Lao động bên Nhật có khác, nó khác hẳn anh chàng Sài bên chợ Hỗ mài dao bên Đài Loan hay chị Ngát giúp việc bên Malaysia, mỗi lần đi lần về “cum cúp như chó cụp đuôi”, dân làng không được cái kẹo cho ngọt giọng.
Đấy, phải như nhà Thành, trước cả tháng đã đến nhà nọ nhà kia chỉ chỏ đặt trước con lợn hay lứa gà lai chọi vừa đến độ mỡ màng. Rồi thuê bàn thuê đặt ghế, rộn ràng như nhà có cưới hỏi.
Chiếc taxi dừng lại trước cổng, Thanh bước xuống trước hàng ánh mắt ngưỡng mộ của bà con. Từ cặp mắt trẻ con đen lay láy đến mắt ông lão gần 80 đã hấp háy, họ soi xem quần áo, giầy dép, túi xách bên Nhật nó khác bên ta thế nào. Và nhất là ước lượng xem trong chiếc ba lô màu xanh tím than mà Thanh đang đeo kè kè trên lưng ấy đựng bao nhiêu nghìn, bao nhiêu vạn đô.
Tiếng nhạc xập xình ngay lập tức vang lên, sau câu chào hỏi rộn ràng của người bàn trên bàn dưới là thức ăn được bày ra bàn, rượu được rót đầy chén và người ta hoan hỉ ăn trong niềm vui rạng rỡ trên gương mặt vợ chồng nhà Thanh.
Trước đây nhà Thanh nghèo có tiếng của làng. Tất cả chỉ tội ham con trai của ông Thành. Cách đây hơn 30 năm, sau năm “con vịt giời”, Thanh chào đời trong tràng pháo rộn ràng trên đường ông Thành cầm đốt từ cánh đồng chạy đến bệnh viện.
Ngày con chào đời mừng đâu chưa biết, chỉ thấy ông Thành bị chính quyền xã gọi lên phạt hành chính vì tội đốt pháo. Rồi sau đó là phạt vì sinh đẻ không kế hoạch. Tất cả không là gì đối với ông Thanh, còn bồ thóc vét nốt bán nộp phạt cũng được, miễn là từ giờ hội hè làng xóm, ông không còn phải ngồi chiếu dưới để nghe bọn bạn bè khích bác là được.
Gia cảnh khó khăn, Thanh và các chị lớn lên trong vất vả thiếu thốn. Cơm ngày hai bữa không đủ no, quần áo độc có vài bộ, rách như xơ mướp. Thế rồi các chị gái của Thanh lần lượt lấy chồng, cuộc sống của Thanh dần dễ thở hơn chút.
Sau khi học hết cấp ba, cố gắng lắm Thanh cũng thi đỗ được trường trung cấp nghề. Ra trường được vài năm, qua công ty môi giới, Thanh đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Người làng có hỏi qua bên đấy làm gì, bà An hớn hở khoe làm kỹ sư xây dựng, lương tháng 7-8 chục triệu. Chết chết, mỗi tháng kiếm được vài tấn thóc, không khéo sắp giàu như địa chủ đến nơi.
…Đến quá 1h chiều thì tiệc cũng dần tan, cánh thanh niên sẵn loa đài thuê của nhà rạp kéo nhau nghêu ngao hát karaoke cho hả rượu. Phía nhà trong, sau khi nghe Thanh nói, mặt bà An chảy thượt như cái bơm. Nghe mẹ nói chi phí đón con về hết gần 20 triệu, Thanh xót của. Nó nhớ đến phận thợ sơn xây dựng, ngày cheo leo nơi giàn giáo, đêm về nằm vật trong nhà trọ tạm bợ ngủ không biết trời đâu đất đâu. Lương quy đổi được gần 50 triệu tiền Việt, nhưng trừ tiền điện nước, sinh hoạt, thuê nhà cũng chả còn là bao so với cuộc sống đắt đỏ nơi đây. Hơn 2 năm lao động quần quật nơi đất khách quê người chỉ vừa đủ trả số tiền vay lo chi phí đi. Hợp đồng 3 năm sắp hết mà chủ chưa có ý định ký trở lại…
Bà An chợt quay sang phía mấy đứa con gái đang lụi cụi dọn mâm bát. Để có bữa tiệc cho người làng “sáng mắt” hôm nay, bà đã huy động mỗi đứa vài triệu “sau này cậu về trả gấp đôi gấp ba cho các bá”. Bà liếc ra phía ngoài, nơi ông Thành mặt mũi đã chuyển sang tím lịm, ríu cả lưỡi vì rượu, phân vân không biết liệu nói ra điều Thanh vừa kể có làm ông tỉnh rượu?!
Bùi Hạnh
14:29 23/11/2024