Mỗi nhà một cảnh: Định mệnh

08:53 11/08/2019

Ông Thắng gập máy tính lại, nheo mắt nhìn ra phía ngoài. Trời nắng chang chang, cây cối xác xơ vì khô héo. Tiếng cậu lái xe phía trước phân trần dè dặt: “đã gọi xe cứu hộ, chắc khoảng tiếng nữa thì xe mới tới”…

Thoáng nhìn phía trước có quán cơm bụi nhỏ trông có vẻ tuềnh toàng với dăm cái ghế nhựa cũ mèm. Chỗ này chỉ hợp với mấy công nhân lao động, nhưng giờ đã gần 10 giờ, đợi xe cứu hộ đến sửa xong chắc cũng phải hơn 1 giờ. Ông Thắng tặc lưỡi, chuyến công tác này ông được giao đi gặp gỡ đối tác chuẩn bị cho việc xây nhà máy chế biến nông sản. Đây là dự án cuối cùng ông tham gia, còn gần 9 tháng nữa là về hưu rồi…

Lại gần mới thấy quán tuy nhỏ nhưng khá sạch sẽ với chiếc tủ kính bày vài con ngan, con gà luộc, bên cạnh là bàn đựng mấy khay thức ăn. Phía cuối sân, gần bếp than đang đỏ lửa xào nấu. Ông Thắng cùng cậu lái xe ngồi xuống ghế, hắng giọng gọi mấy chai bia.

- Hôm nay nhà cháu hết Sài Gòn rồi, các bác dùng tạm bia Hà Nội nhé!

Nghe giọng nói của chủ quán, ông Thắng chợt giật mình ngước lên. Người phụ nữ nhìn thấy ông, hai tay đang bê khay bia cũng chợt lảo đảo...

…Trong giao dịch làm ăn, công ty của ông Thắng không thể thiếu những cuộc “chiêu đãi” đối tác. Thường trong những lần đó, với vai trò Giám đốc kinh doanh, ông đi theo đóng vai trò chủ, gọi “đào” đến hát hò để đối tác lựa chọn rồi trả tiền thay. Giao dịch nhiều lần, ông coi đó là việc xã giao chứ không tham gia. Dù sao ông đã ngoài 50, gia đình tương đối đuề huề…

Tuy nhiên trong một lần, không hiểu sao cô lại nhắm ông, sà ngay xuống cạnh dù đối tác toàn người trẻ. Thấy cô rót rượu kính ông, chàng Giám đốc kế bên cười hềnh hệch: “Bé này nhắm trúng bác rồi”. Nhìn gương mặt cô nhẫn nhịn khi có bàn tay lần mò trong áo, ông ôm eo cô kéo về phía mình cười cười: “Phải… hôm nay tôi bị chọn rồi”.

Tan tiệc, ông đưa cô lên xe. Chạy được một đoạn ông mới rút bao thuốc, lấy một điếu đặt lên môi, hất hàm:

-  Nhà ở đâu, tôi đưa về?

Cô bé ngơ ngác nhìn ông:

-   Anh… không… cần sao?

Ông nhìn đôi tay cô đang ôm khư khư cái ví rẻ tiền trước ngực, lòng bàn tay rõ máy nốt chai sần, thở dài:

-  Làm được bao lâu rồi?

Tối hôm đó sau khi rộng tay đưa cô một khoản tiền ông đưa cô về xóm trọ thật. Trên đường đi ông cũng không hỏi chuyện nhiều, hai người cứ lặng yên như vậy cho đến tận lúc xuống xe.

Lần thứ hai gặp lại cô cũng trong hoàn cảnh tương tự. Vừa gặp lại ông, cô mỉm cười rạng rỡ như gặp lại người quen. Ông cười cười lắc đầu, nhéo nhẹ eo cô: “Sao lại thích người già như tôi nhỉ?!”.

Sau tối đó, cô không đến phòng trà nữa mà chính thức trở thành người của ông. Hàng tháng ông gặp cô đôi lần, chu cấp cho 20 triệu, so với thu nhập nghề kém hơn nhưng an toàn. Hóa ra cô từ Phú Thọ lưu lạc đến. Mẹ cặp bồ bỏ đi, bố nát rượu, mẹ kế đanh đá cùng mấy đứa em cùng cha khác mẹ nheo nhóc buộc cô phải sớm rời gia đình…

Từ khi ở với ông, cô chưa bao giờ vòi vĩnh. Thường tiền tiêu vặt cuối tháng ông chủ động đưa. Đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu, chưa bao giờ xin thêm đồng nào. Thời gian ông ở với cô rất ít, chỉ 1 tháng đôi lần, có khi chẳng lần nào. Trong ông luôn có sự dằn vặt, sợ mình càng sa chân càng khó thoát nên luôn có sự kiềm chế.

Cô ở vậy ngoan ngoãn với ông được hơn 1 năm thì xảy ra biến cố. Ông phải đi nước ngoài thay gan. Sợ có biến chứng, đêm trước khi rời cô, ông ở lại. Lặng lẽ đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, khi đến điếu cuối cùng, ông cúi đầu day day trán:

-  Còn bao nhiêu?

-  Hai trăm.

-  Em không tiêu à?

-  Em không có nhu cầu. Tiền em gửi hết tiết kiệm… Mai… em rút nhé…

-  Không cần... Tôi tự lo được... Lát tôi đưa thêm chừng đó, cộng với tiết kiệm, em về quê mở cửa hàng gì đó mà kiếm sống. Đừng ở đây nữa. Tôi chữa xong bệnh cũng không thể ở với em được…

Ông khẽ xoa mái tóc mềm mại đang nức nở úp trong lồng ngực, tim nhói buốt. Ông còn có gia đình, cô còn có tuổi trẻ và cả tương lai phía trước…

Sau một thời gian chữa bệnh, ông trở về nước, lấy lý do sức khỏe kém, ông chuyển sang phòng khác. Không tìm cách liên lạc với cô nữa. Cuộc sống của ông trở nên rất nhạt nhòa…

…Mâm cơm có đĩa rau muống xào, thịt gà kho, bát riêu cá nóng hổi dọn ra. Cô đặt đồ ăn lên bàn, không quay đi mà đứng lặng ở xa nhìn ông ăn, đôi mắt đỏ quạch…

Gần 10 năm, thuyền hẳn đã có bến đỗ. Có những điều không thể và không nên níu kéo. Cậu lái xe đã ra xem sửa chữa cả tiếng trước đó. Khẽ thở hắt ra hơi dài, ông lẳng lặng đứng dậy bước ra xe. Xe chuẩn bị chuyển bánh bỗng có thằng bé con gõ cửa, ông ngồi sau hạ kính xuống. Thằng bé dúi cho ông quyển sổ nhỏ, thì thầm: “Cô chúc chú sức khỏe. Chú nhớ đọc điều ghi trong sổ, sẽ hiểu”…

Ông nhìn vào quán, ngoài khách ăn thưa thớt không thấy bóng ai đó. Chiếc xe từ từ chuyển bánh, ông lặng lẽ giở sổ, bìa ngoài đã hơi bạc, bên trong lọt thỏm 4 câu thơ từ thời nhà Đường nắn nót:

Chàng sinh, em chưa sinh

Em sinh, chàng đã già

Chàng hận em sinh muộn

Em hận chàng sinh sớm”...

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông