Mỗi nhà một cảnh: Kịch hay…

20:20 21/05/2019

Phước ngà ngà dắt xe máy vào nhà. Cửa khép hờ, phòng tờ mờ tối. Dò dẫm sờ tìm công tắc điện. Sau tiếng “tách”, căn phòng sáng dịu bởi ánh đèn led màu xanh nhạt.

Định quay bước đi thẳng vào nhà tắm, Phước chợt giật mình khi thấy trên giường vợ đang nằm sõng sượt. Thường tầm này Huyền – vợ gã – sẽ đánh vật với việc tắm rửa 2 đứa con hoặc lúi húi xào nấu nơi góc bếp. Quái lạ với sự bất thường, Phước chúi người xuống nhòm thấy Huyền đang nằm thiêm thiếp. Mái tóc xõa xuống phủ kín cả gối, dưới ánh đèn neon, gương mặt Huyền trông vàng khè.

Không tin vào mắt mình, Phước dụi mắt, cúi xuống nhìn lần nữa. Quả là không nhầm, gò má, vầng trán, đôi mắt, cái cổ… Tự nhiên, một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng Phước. Gã chợt nhớ đến ông Bá cạnh nhà cách đây gần 30 năm bị xơ gan cổ trướng. Hồi đó, vào mỗi buổi chiều, khi lũ trẻ chơi đánh bi đánh đáo, cứ thấy ông Bá lệt thệt đi tới với cái đầu hói sọi, bụng to tướng, da vàng khè là chẳng ai bảo ai, lũ trẻ tự giải tán hoặc lảng đi hết. Khi ông mất, tiếng nhị thê lương ai oán cứ ám ảnh Phước suốt cả tuổi thơ…

Phước nhìn mặt vợ rồi xuống bụng, gã hốt hoảng thấy đằng sau lớp vải màu xanh nõn chuối là cái bụng căng tròn đang phập phồng theo hơi thở. Lẽ nào vợ mình bị bệnh từ lâu mà mình không biết. Nghĩ đến đây Phước giật mình, hơi rượu toát ra, gã tỉnh cả rượu…

Đã lâu lắm rồi, dù ngày ngày đối mặt, Phước chẳng quan tâm, chẳng biết hôm nay vợ mặc cái gì, ăn uống cái gì. 16 năm góp gạo thổi cơm chung khiến cho mọi sự say mê, vồ vập và quan tâm đến nhau gần như xóa nhòa.

Phước hờ hững đón nhận những bữa cơm ngày ngày vợ tất tả đi làm về nấu vội, đôi khi còn buông lời nhận xét món này nhạt quá, món kia khô quá mà không để ý mặt vợ mình chảy dài sau câu nói. Hay mỗi khi vợ diện cái váy mới, nũng nịu hỏi chồng trông thế nào, mắt không rời ti vi nhưng mồm gã thì bắn ra một tràng “đẹp lắm, đẹp lắm”...

Trong cuộc sống hàng ngày, sự nhàn nhã trở thành thói quen khiến Phước lười nhác trong mọi việc. Dạy dỗ, chăm sóc con cái, việc nhà cửa, tất cả đổ dồn lên vai vợ. Gã mặc nhiên coi vợ là siêu nhân, không cần chăm lo. Còn gã thì chỉ cần cảm cúm, viêm họng là đã nằm thượt như con mèo hen rên rỉ khiến lần nào Huyền cũng phải lụi hụi nấu món cháo thịt bò, còn phải nhớ rắc thêm tí lá lốt, tía tô thái chỉ cho đúng khẩu vị “mới nuốt được”.

Lâu lắm rồi… hình như Huyền không ốm?! Phước nhìn xuống, gương mặt vàng khè, nhỡ vợ mình bị như ông… Phước thấy sợ nếu phải đối mặt với viễn cảnh một mình phải cáng đáng tất cả. Với đồng lương viên chức, gã sẽ xoay xở thế nào với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Hàng ngày sẽ làm gì với việc chợ búa, cơm nước, nhà cửa.

 “Lúc sống, thời chẳng cho ăn”… Phước thấy ân hận. Để yên cho vợ ngủ, gã bước xuống bếp, bếp lanh tanh lạnh ngắt. Phước loay hoay tìm thùng gạo, cắm nồi cơm. Mở ngăn đá tủ lạnh, thấy nửa con gà làm sạch đóng sẵn trong túi nilon, gã cho vào trong nồi, đổ ngập nước cho rã đá rồi bật bếp. Trong lúc loay hoay, gã nhớ đến hơn chín triệu tiền thưởng sáng kiến lĩnh hồi đầu tuần vẫn giấu trong túi đựng cờ lê, tuốc lơ vít trong cốp xe máy. Nếu vợ có sao thì anh em chiến hữu nào thay được vợ. Sở dĩ hàng ngày gã bàng quan với mọi việc là do cuộc sống gia đình cứ chỉn chu, đều đều dưới bàn tay đảm đang của vợ. Còn giờ, chỉ cần hình dung Phước đã thấy thót cả tim…

Tiếng lục cục của chồng làm bếp khiến Huyền bừng tỉnh. Cô ngạc nhiên thấy chồng đứng canh nồi luộc gà đang sôi sùng sục. Chồng vào bếp, đúng là chuyện động trời. Đang ngạc nhiên không hiểu thế nào, cô bỗng thấy Phước lục cục ra xe, mở cốp rồi đưa cho 1 cọc tiền được cuộn chặt:

- Da em hôm nay anh trông thấy vàng lắm, coi chừng bị gan đấy. Anh vừa được thưởng số tiền này, em cầm lấy mai đi khám xem thế nào. Gà chín rồi, tắm chưa còn ăn cơm?!

Huyền loẹt quẹt đi xuống nhà tắm. Chiều nay con đến nhà bác chơi, Huyền về sớm rảnh rỗi lôi bột nghệ đắp dưỡng nhan, rửa mặt xong thư thái quá ngủ thiếp lúc nào không hay. Ghé mặt sát gương thấy mặt đắp nghệ rửa rồi mà vẫn còn vàng khè. Huyền chợt hiểu ra thái độ khác lạ của chồng. Cô bật cười, vội giấu bịch bột nghệ mới dùng được một lần vào túi đồ treo quần áo. “Đã thế, kịch hay còn ở hồi sau”!...

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông