17:24 14/03/2014
Mùa xuân ấy, đúng ngày 15-3-1959, khi đó chúng tôi, hơn 2.000 thanh niên của thành phố cảng anh hùng, đang tuổi mười tám, đôi mươi căng tràn nhựa sống, mang trong mình hào khí của nữ tướng Lê Chân, tiếng sấm Đường 5 quật khởi, Cát Bi rực lửa, hồ hởi tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đây cũng là lớp công dân thực hiện luật nghĩa vụ quân sự đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại miền Bắc vừa được giải phóng khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp. Các tân binh được bổ sung ngay vào các lực lượng: bộ binh, công binh, thiết giáp, phòng không - không quân của quân đội. Lần đầu tiên xa gia đình, xa thành phố thân yêu cùng những hàng phượng vỹ, trong lòng chúng tôi thấy nao nao. Song lần đầu tiên trong đời được mang trên mình bộ quân phục của “Anh bộ đội cụ Hồ” cùng sự tin yêu, hi vọng của người thân, bạn bè, làng xóm, chúng tôi bước ra thao trường để chuẩn bị cho mình hành trang sẵn sàng ra trận. Những người con của thành phố cảng đã ngày đêm học tập, lao động và chiến đấu, nhanh chóng làm chủ trang thiết bị, vũ khí hiện đại trên các chiến trường và thực sự trở thành nòng cốt của các binh chủng. Cũng vì lẽ đó, dù ở cương vị nào, ở đâu, làm gì, chúng tôi vẫn giữ trọn niềm tin yêu của quê hương, ra sức rèn luyện bản lĩnh, ý chí, chắc tay súng, bảo vệ nhân dân, tổ quốc và thành phố thân yêu, chung sức xây dựng lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại… Hoàn thành nghĩa vụ trở về với thành phố thân yêu, mỗi chúng tôi lại lao vào cuộc chiến mới: tích cực học tập, lao động, xây dựng thành phố. Thế nhưng chẳng được bao lâu, đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại những thành quả lao động của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hưởng ứng hiệu triệu của non sông, của Đảng, của Bác Hồ kính yêu - lớp lớp những người con của thành phố Cảng, trong đó có nhiều chiến sĩ từng nhập ngũ tháng 3-1959, lại lên đường tái ngũ, mang theo trong mình truyền thống hào hùng của Kim Sơn kháng Nhật, Tiên Lãng chống càn, Đường 10 quật khởi và lời thề năm xưa: Đứng lê đỉnh núi ta thề Chưa giết hết giặc, chưa về quê hương. Để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hầu hết anh em chúng tôi lại lên đường và được bổ sung vào ngay các binh chủng với nhiệm vụ cán bộ khung, chỉ huy tác chiến và huấn luyện tân binh, với khẩu hiệu: Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến vệ quốc đầy cam go thử thách và quyết liệt ấy, nhiều đồng chí đã chiến đấu ngoan cường và được suy tôn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, “chiến sĩ quyết thắng”, “dũng sĩ diệt Mỹ” và trở thành những cán bộ chỉ huy, giữ những trọng trách của Quân đội nhân dân Việt Nam và CAND, đơn cử như: thiếu tướng Tăng Văn Miêu (nguyên Phó tư lệnh Quân khu 3), thiếu tướng Lã Hồng Phương (nguyên Chính ủy BTL phòng không - không quân), đại tá Trần Đồn (nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng)…, nhiều đồng chí để lại một phần máu thịt của mình hoặc hi sinh anh dũng ở các chiến trường B, C, K. Máu xương của các đồng chí đã thấm sâu vào lòng đất, vì sự trường tồn của tổ quốc, để lại bao niềm tiếc thương cho đồng đội, đồng chí, đồng bào. Hình ảnh sự hi sinh của các đồng chí ấy sẽ sống mãi trong lòng mỗi chúng tôi cùng với quá khứ rất đỗi tự hào.
Hòa bình lập lại, đất nước độc lập, thống nhất, non sông liền một dải. Một số đồng chí tiếp tục ở lại công tác lâu dài trong quân ngũ, sau này trở thành cán bộ cao cấp ở các binh chủng: bộ binh, hải quân, pháo binh, đặc công… Một số đồng chí xuất ngũ trở về quê hương, đã vượt lên những khó khăn trở ngại, không ngừng phấn đấu rèn luyện, trở thành những giám đốc doanh nghiệp lớn nhỏ. Nhiều đồng chí là cán bộ viên chức, cán bộ chủ chốt của các cơ quan đoàn thể xã hội. Có những đồng chí đi sâu vào nghiên cứu khoa học, miệt mài học tập thành đạt, được Nhà nước phong tặng học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ… Những chiến sĩ nhập ngũ ngày 15-3-1959 lại cùng đoàn kết, luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất của “Anh bộ đội cụ Hồ”, cùng gia đình, con cháu gương mẫu chấp hành chính sách của Đảng và nhà nước. Và dưới mái nhà chung là Ban liên lạc 359 chúng tôi sẻ chia tâm tư, tình cảm, động viên nhau vượt lên những khó khăn thường nhật, nêu gương sáng để cháu con biết trân trọng lẽ phải, biết tri ân và gìn giữ , truyền nối những tình cảm và nhân cách đẹp, sống vui, sống khỏe, sống có ích, góp sức vì sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố và đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 55 năm đã trôi qua, khoảng thời gian ấy cũng đã đủ cho một đời người trải nghiệm cùng với biết bao biến động thăng trầm của lịch sử. Song những kỷ niệm xưa vẫn vẹn nguyên và hiện hữu đi về trong tâm tưởng. Có những kỷ niệm chung và kỷ niệm riêng của tình đồng chí, đồng đội, tình yêu thương, gắn bó đời lính, sao sáng dẫn đường, quen với gian lao, chẳng hề so đo, do dự, tính toán, một lòng vì Đảng vì dân và quyết chiến, quyết thắng… Những kỷ niệm rất đỗi thân thương và tự hào ấy luôn ẩn chứa trong những trái tim nóng hổi nhiệt tình của chúng tôi, giúp chúng tôi thêm vững tin vào đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta đã và đang thực hiện. Mùa xuân 1959 mãi mãi là của chúng tôi, của những người lính 359 Hải Phòng - một thời để yêu, một thời để nhớ. Tháng 3-2014 Trần Đồn |