Mua hàng online dịp Tết: Cẩn trọng không bao giờ thừa

23:20 19/01/2020

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet thì việc kinh doanh online cũng ngày càng trở lên phổ biến và rộng rãi. Hình thức thương mại điện tử này càng có dịp nở rộ dịp tết khi có quá nhiều người nhu cầu mua sắm lớn trong khi thời gian rảnh rỗi lại hầu như không có…

Kẻ khóc, người cười

Làm trưởng phòng kinh doanh của một ngân hàng thương mại, cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của Vũ Thanh Hòa. Sáng bắt đầu công việc từ 7h30 và 9h tối mới có mặt ở nhà, nhiều ngày cuối tuần còn phải tranh thủ để làm bớt việc, chính vì vậy thời gian gần đây cô chỉ có thể “đi chợ trên mạng”. Hạt cười, hạt bí, bánh kẹo, chả bò, chả cốm, nem chua, mứt dừa cho đến phong lì xì cũng được cô “khuân” tất tần tật từ trên mạng.

Mua hàng online là xu thế hiện nay nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo đối với người tiêu dùng 

Cũng là tín đồ mua sắm online, không chỉ sắm tết cho gia đình qua mạng, Nguyễn Ngọc Linh, làm ở một Công ty Bảo hiểm, còn tranh thủ mua quà biếu sếp qua mạng. Trước đây Linh thường mua mỹ phẩm qua một trang facebook chuyên bán hàng xách tay. Mua bán nhiều thành quen vào tạo dựng lòng tin, nay thấy người bán quảng cáo tết đến tranh thủ bán rượu xịn đảm bảo chuẩn 100% nên Linh quyết định sẽ đặt hàng để biếu sếp dịp tết.

Tuy nhiên không phải ai cũng hoàn toàn hài lòng và thoải mái khi mua hàng qua mạng. Mấy ngày hôm nay Nguyễn Khắc Cường, làm ở KCN Nomura, sốt ruột như ngồi trên đống lửa. Chả là tết đến cậu được công ty thưởng cho một số tiền tương đối. Vốn đã mong chờ, ao ước từ lâu nên khi tiền về đến tay, cậu quyết định đầu tư một chiếc Iphone8 plus từ một trang mạng báo địa chỉ tại Hà Nội được quảng cáo là hàng lướt, mới 99% với giá 11 triệu. Nhận hàng, niềm hạnh phúc có điện thoại xịn chẳng tày gang khi khi pin dùng chưa được nửa ngày đã sụt tắt ngỏm, Cường nhắn tin cho cửa hàng được trả lời nhát gừng, khác hẳn lúc đang chào giá. Giờ đây chiếc điện thoại được đóng gói gửi trả cho cửa hàng trong niềm thấp thỏm của Cường vì không biết cửa hàng có gửi chiếc khác đúng như quảng cáo hay một đi không trở lại…

Cũng ôm nỗi bực vào mình khi mua hàng online là Vũ Thị Phượng, nhà ở chợ Đôn Niệm. Gần Tết sau nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu, cuối cùng cô quyết định mua cho mình chiếc váy lụa pha ren. Trên live stream, chiếc váy có màu đỏ tươi, rất hợp cho những ngày đầu năm đi du xuân nên dù có giá tới 1,8 triệu Phượng vẫn tặc lưỡi. Thế nhưng khi nhận được hàng, chưa cần thử, mới chỉ nhìn màu sắc Phượng đã thấy không vừa lòng vì hàng nhìn thực sự có màu đỏ sẫm, chất ren cứng, trông già so với tuổi của cô.

Cẩn trọng không bao giờ thừa

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, không thể phủ nhận những tiện ích mà các dịch vụ mua sắm qua mạng đem lại cho người tiêu dùng trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí, giá thành do không mất tiền thuê mặt bằng, nhân công. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều trang mạng bán hàng nghiêm túc, uy tín cũng xuất hiện rất nhiều thủ đoạn lừa đảo, lợi dụng sự tín nhiệm của người mua hàng để chiếm đoạt tài sản.

Những hình thức lừa đảo phổ biến là các đối tượng thường yêu cầu đóng, đặt trước một khoản tiền hoặc toàn bộ giá trị hàng để mua điện thoại, máy tính, mỹ phẩm, quần áo, túi xách, xe máy... Các đối tượng còn lập tài khoản trên những diễn đàn rao vặt, đăng thông tin có nội dung nhận đặt hàng gửi về từ nước ngoài, giá rẻ hơn nhiều so với hàng công ty. Sau đó yêu cầu khách hàng có nhu cầu đóng trước một khoản tiền để đặt cọc và chờ ngày hàng về. Khi số tiền đã đủ lớn thì xóa tài khoản, thông tin cá nhân và không thực hiện trả hàng như đã cam kết. Hoặc có trả hàng thì chất lượng sản phẩm so với ảnh mẫu quả đúng là một trời một vực.

Mua hàng online dịp Tết, người tiêu dùng cẩn trọng không bao giờ thừa

Cụ thể gần đây nhất, vào ngày 10/12/2019 vừa qua, Công an quận Ngô Quyền đã phá chuyên án 29L, bắt 3 đối tượng gồm: Bùi Mạnh Đạt, sinh 1991, ở 4/19 Võ Thị Sáu, Ngô Quyền; Đặng Viết Hùng, sinh 1984, ở 29/161 Thiên Lôi, Vĩnh Niệm, Lê Chân và Đặng Quốc Anh, sinh 1996, ở 44/183 Đình Đông, Lê Chân, thu giữ 1 xe máy Airblade màu đỏ cùng số tiền 7,8 triệu đồng. Qua đấu tranh, các đối tượng này khai nhận đã dùng thủ đoạn đăng thông tin bán xe máy không giấy tờ với giá rẻ trên mạng sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc. Với cách thức này, bọn chúng đã gây ra 5 vụ lừa đảo trên địa bàn thành phố, chiếm đoạt trên 70 triệu đồng của các khách hàng cả tin...

Như vậy, giao dịch thương mại qua các trang mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong khi người tiêu dùng thường là người chịu thua thiệt trong khi các chế tài để quản lý và xử phạt hành vi gian lận thương mại vẫn còn nhiều chỗ chưa kín kẽ. Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, khách hàng có nhu cầu giao dịch chuyển tiền, mua sắm trực tuyến tăng cao đột biến... càng tạo cơ hội cho các đối tượng lợi dụng lừa đảo. Theo cảnh báo của các ngân hàng, khách hàng nên kiểm tra kỹ lưỡng địa chỉ liên kết và email của người gửi xem có xác thực hay không trước khi nhấp vào.

Để không bị mắc lừa khi mua hàng online, khách hàng phải nâng cao cảnh giác, trong đó lưu ý các vấn đề sau: Hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, cần hạn chế việc nhận và chuyển hàng qua các dịch vụ vận chuyển. Cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Kiểm tra kỹ các thông tin như website bán hàng, tài khoản rao vặt, nguồn gốc hàng hóa xem có nhiều khiếu nại về các thông tin này hay không? Bên cạnh đó, nếu chẳng may là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên, cần thông tin cho các cơ quan chức năng và các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho mọi người.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích