15:55 31/07/2018 Do đợt mưa kéo dài với cường độ lớn, tình trạng khan hiếm thực phẩm tươi sống đã xuất hiện trong khu vực nội thành. Hậu quả của mưa đã tác động đến toàn bộ quy trình, từ chăn nuôi, trồng trọt đến lưu thông, phân phối, giá cả và chế biến thực phẩm.
Các chợ đầu mối cũng bị ảnh hưởng nguồn cung
Chợ họp muộn, tan sớm
Chị H.- một chủ hàng cơm nhỏ trên đường Lạch Tray phàn nàn: “Đi lại đã ngại, nhiều lúc ra chợ muốn mua được hàng ưng ý cũng không có…”. Theo chị này, thường ngày chị đều xuống chợ Cầu Rào mua hàng, vì đây là một trong những đầu mối lớn cung cấp thực phẩm tươi sống của thành phố. Nhưng hàng chục ngày nay, do mưa nên những người bán hàng quen của chị có người thì nghỉ, có người đến chợ muộn. Chị nói: “Hôm ra sớm thì chưa có người bán, lúc ra muộn thì có khi chưa kịp mua đã hết hàng”.
Chị H. cho biết thêm, có hôm không mua được đủ hàng, chị phải đến siêu thị, nhưng ngay ở siêu thị những loại rau xanh, nhất là rau có lá cũng có lúc không đủ nguồn cung. Chỉ có các loại rau củ nhập từ địa phương khác có thể bảo quản lâu như bắp cải, dưa leo, cà chua, xúp-lơ, đậu cô-ve… là đủ lượng cung, một phần do nhóm rau này hiện không thuộc diện được sử dụng phổ biến, vả lại giá rau nói riêng và thực phẩm nói chung ở siêu thị luôn cao hơn rất nhiều so với chợ đầu mối.
Vì phải mua nhiều hàng, thời tiết xấu nên chị H. phải gọi taxi, vừa để giữ sức khỏe cho mình, vừa bảo đảm chất lượng cho sản phẩm, thành thử chi phí có khi “ăn” cả vào cả vốn. Mặc dù vậy, những ngày này chị H. vẫn phải duy trì hoạt động của cửa hàng vì phải giữ khách quen và phục vụ một bộ phận dân chúng do ngại đi chợ mà đến mua hàng ăn sẵn.
Còn chị D. là công chức ở quận Lê Chân, trước khi đi làm ngày nào cũng tranh thủ ra chợ mua thực phẩm để tủ lạnh, đến trưa về là chế biến. Nhưng những ngày mưa này, các chợ đều họp khá muộn, đi sớm thì chưa có nhiều hàng, mà đi muộn thì không kịp giờ làm.
Không những thế, vì nhiều người nghỉ bán nên lượng hàng tập trung về chợ cũng ít hơn, nếu đợi đến trưa về muộn một chút là không còn gì để mua. Chị D. chia sẻ: “Em chẳng mấy khi mua thực phẩm chế biến sẵn, không hợp ý mình là một nhẽ, nhưng cũng ngại mất an toàn vệ sinh…”.
Khảo sát tại các khu vực mua sắm truyền thống ở nội thành, điều dễ nhận thấy là các chợ đều rất vắng. Một số chủ quầy nghỉ vì không có người đến giao cất hàng, một số lại đem hàng ra vỉa hè bán. Bởi lẽ cũng vì mưa mà khách hàng ngại vào chợ, vừa phải gửi xe, vừa phải lích kích với những vật dụng cá nhân như áo mưa, mũ bảo hiểm, túi xách…
Nhưng khổ một nỗi, thực phẩm tươi sống đem ra bày ở vỉa hè, nếu không che đậy cẩn thận để nước mưa ngấm vào là hỏng, thịt lợn thì bị biến màu nhợt nhạt, tôm cá sống thì chóng chết, dễ bị trương ôi.
Trong siêu thị chỉ có các loại rau củ bảo quản được lâu còn dồi dào
Khan hàng, giá tăng
Một thương lái ở xã Kiến Quốc (Kiến Thụy) tên là S., chuyên đem hải sản giao mối cho nội thành, tâm sự: “Em phải đi từ 1h đêm xuống Đồ Sơn lấy hàng, rồi mới ngược về nội thành, mấy ngày này đi lại vất vả, hàng hóa đã khó mua, nhưng bán giao lại càng khó”. Vì theo anh S., những đầu mối giao của anh đều là nhà hàng lớn, do mưa nên lượng khách của họ giảm mạnh, mà sản phẩm đều là đặc sản, đem bán lẻ ngoài chợ không những bán chậm lại mất giá. Anh S. buồn bã nói: “Cả tuần nay em chỉ đi chợ được 3 buổi…”.
Cùng tâm trạng với anh S., vợ chồng ông T. ở xã Đại Bản ngày nào cũng thức dậy từ sớm, lên Hải Dương lấy rau về giao cho khu vực nội thành. Nhưng mấy ngày nay vợ ông T. phải ở nhà vì không thể đi xa được, còn ông T. chỉ đi loanh quanh mấy khu vực ngoại thành Hải Phòng, nhặt nhạnh được loại rau gì thì bán loại ấy. Lượng hàng mua được ít, ông T. chỉ giao lấy lệ để giữ mối khách quen.
Nhìn chung toàn cảnh thị trường thực phẩm thời điểm hiện tại ở khu vực nội thành lưu thông hàng hóa đang rất khó khăn, xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn cung, nên giá bán tăng đáng kể. Hầu hết lượng hàng nhập từ biên giới và các địa phương lân cận đang gặp bế tắc, ngay cả nguồn cùng từ các khu vực ngoại thành Hải Phòng cũng không thể vận chuyển dễ dàng.
Với những loại rau được trồng ngoài cánh đồng, đang tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại rất lớn, vì khó thu hoạch và hư hại do úng lụt. Còn tại các chợ, việc gao dịch mua bán trong hoàn cảnh mưa tầm tã đang thách thức cả người bán lẫn người mua.
Theo nhận định của một số người có kinh nghiệm, thời điểm này cũng chuẩn bị vào mùa Ngâu, nên khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa còn diễn biến phức tạp. Đối với thực phẩm, kể cả trong thời gian tới dù thời tiết được cải thiện thì phân khúc này vẫn bị ảnh hưởng vì hậu quả đợt mưa này đã tác động xấu đến cả chăn nuôi và trồng trọt.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão