09:18 10/02/2019 Cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra một cái tết, trải qua thời gian, cái Tết ấy để lại nét đẹp đầy tính nhân văn với tên gọi “Tết trồng cây” gắn liền với Tết Nguyên đán truyền thống mỗi dịp xuân về.
Theo Bác, trồng cây ngoài ý nghĩa to lớn là để tạo môi trường tự nhiên và quang cảnh đất nước trở nên tươi đẹp hơn, thì còn ý nghĩa thiết thực nữa là để chuẩn bị lấy gỗ làm nhà ở cho nhân dân. Ngày 30-5-1959, với bút danh Trần Lực, đăng trên Báo Nhân dân số 1901, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”.
Trong đó Bác chỉ ra: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Tiếp đó, 28-11-1959, trên Báo Nhân dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng.
Trong bài viết, Bác nêu rõ, việc trồng cây là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Tại thời điểm đó, Bác đã tính: “Ở miền Bắc có độ 14 triệu người, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây…
Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong hai mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Cuối bài báo, Bác Hồ nhấn mạnh, Tết trồng cây “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, kể từ năm 1959 đến nay, câu thơ đó của Bác Hồ đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim người Việt Nam. Có thể nói 60 năm qua, “Tết trồng cây” đã thực sự trở thành mỹ tục, song hành cùng tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc.
Còn nhớ “Tết trồng cây” đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây.
Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.
Có thể nói, trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng đầy khó khăn gian khổ, Bác Hồ luôn chú ý tìm kiếm, lựa chọn và tạo ra một môi trường cây xanh quanh nơi mình sống, làm việc. Bận trăm công nghìn việc, Người vẫn ý thức trong việc trồng cây, bảo vệ rừng và bảo vệ thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để xây dựng căn cứ địa lâu dài phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc; coi thiên nhiên như một người bạn thân thiết.
Trở về Hà Nội sau ngày kháng chiến thành công, Bác đã sống và làm việc trong ngôi nhà sàn giản dị, hòa mình giữa vườn cây xanh mát, như để tìm cái ung dung tự tại, sự bình tĩnh thanh thản ứng xử với mọi biến cố phức tạp. Cũng từ đó Bác đã đưa ra nhiều quan điểm về môi trường, đặc biệt là vấn đề trồng cây góp phần bảo vệ sinh thái.
Bác dường như là một tinh tú sinh ra từ thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên. Nhiều tài liệu ghi lại rằng, ở thời điểm cách mạng gặp phải những thử thách khốc liệt nhất, nhưng ở con người Hồ Chủ tịch vẫn toát lên niềm lạc quan đến kỳ diệu. Mỗi lần cơ quan cách mạng chuyển đến địa điểm mới, Người căn dặn cán bộ phải chọn những nơi: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Người thường trực tiếp bắt tay ngay vào việc cuốc đất trồng cây, coi đó như một cách tự nhiên để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ.
Tết Kỷ Dậu (1969), có lẽ linh cảm đây là cái Tết cuối cùng của mình, nên dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác Hồ vẫn đặt chương trình đi chúc Tết nhiều nơi và đi trồng cây. Sáng 16-2-1969 (tức ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân ở Bạch Mai và đến đồi trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì.
Nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương, Bác nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”. Trong Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác lại một lần nữa nhắc tới việc trồng cây: “…Ai đến thăm thì trồng một cây lưu niệm, trồng cây nào phải tốt cây ấy, lâu ngày thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
60 năm qua, “Tết trồng cây” đã thực sự song hành cùng Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc. Và mỗi độ xuân về, tất cả chúng ta đều nhớ đến dấu ấn đặc biệt này, như được cùng Bác Hồ hòa quyện với thiên nhiên.
Gia Lê
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024