00:47 10/12/2016
Theo các chuyên gia nghiên cứu tâm lý gia đình, các vụ ly hôn, dù với bất cứ lý do gì cũng gây ra nhiều hệ luỵ cho người trong cuộc và xã hội, trong đó đối tượng bị tổn thương trầm trọng nhất là trẻ em... Có mặt tại Phòng tiếp dân - TAND quận Ngô Quyền, chúng tôi chứng kiến vẻ mặt đau khổ, đẫm nước mắt của Đào Thanh Huyền, sinh 1997, nhà ở phố Đà Nẵng. Theo lời kể của Huyền, giờ này năm ngoái, cô là một cô dâu vô cùng hạnh phúc với một đám cưới trang trọng, hoành tráng như trong mơ bên anh chồng đẹp như "soái ca". Quen nhau trên mạng chưa lâu, nhưng do tâm đầu ý hợp, nhiều sở thích trùng hợp nên Huyền vẫn quyết tâm tiến tới hôn nhân dù 2 bên gia đình e ngại vợ chồng cô còn quá trẻ. Lấy nhau về chưa lâu, “khi hai ta chung một nhà, khép đôi mi chung một giường”, Huyền mới phát hiện ông chồng quý hoá của mình là 1 tay “cày” game thượng thặng. Bất cứ ở đâu, lúc nào, trên tay chồng Huyền cũng dính chặt lấy cái điện thoại say sưa tối ngày, bỏ mặc vợ bụng mang dạ chửa. Đến ngày sinh con, trăm thứ phải lo, trăm việc phải làm nhưng chồng cô vẫn chứng nào tật nấy, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên bảo. Cực chẳng đã, Huyền đành đâm đơn ra toà xin ly hôn cho… rảnh nợ! Không giống như Huyền, anh Nguyễn Thành Trung, sinh 1985, nhà ở đường Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân, lại đau đầu với cô vợ trẻ của mình. Vợ Trung kém chồng nhiều tuổi, đã bước lên xe hoa khi vừa mới rời ghế trường phổ thông chưa lâu, hôm cưới còn bị bạn bè trêu là cô dâu nhí nhảnh cá cảnh. Cũng do ngoại hình ưa nhìn và thói quen sống có phần phóng túng, dù đã yên bề gia thất nhưng Hương - vợ Trung vẫn nhắn tin, thò thụt hẹn hò cà phê, chat chit với đám bạn trai cũ. Cơn ghen tuông nổi lên, vợ chồng Trung đã không ít lần va chạm, cãi vã, cơm không lành, canh không ngọt, nhưng rồi không giải quyết được mâu thuẫn. Cuối cùng, toà án là cái đích Trung phải đến khi đoạn đường hôn nhân của anh chưa được mấy nẻo… Thống kê của TAND thành phố cho biết, năm 2016, các toà án quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thụ lý giải quyết 4.336/4.396 vụ việc, đạt 98,6%; TAND TP giải quyết 45/45 vụ việc ly hôn phúc thẩm, đạt 100%. So với năm 2015, án hôn nhân & gia đình tiếp tục tăng về số lượng thụ lý. Cụ thể, toà án 2 cấp thụ lý tăng 469 vụ việc, giải quyết tăng 479 vụ việc. Theo lãnh đạo TAND TP, nguyên nhân dẫn đến gia tăng số vụ ly hôn chủ yếu là mâu thuẫn vợ chồng do ngoại tình, do bất đồng quan điểm về nuôi dạy con cái và do làm ăn kinh tế trong gia đình có nhiều bất ổn… Theo các chuyên gia nghiên cứu tâm lý gia đình, các vụ ly hôn, dù với bất cứ lý do gì cũng gây ra nhiều hệ luỵ cho bản thân người trong cuộc và đẻ ra nhiều hệ huỵ cho xã hội, trong đó đối tượng bị tổn thương trầm trọng nhất là trẻ em. Vì vậy, ly hôn cần được coi là giải pháp cuối cùng, khi hôn nhân không thể cưu vãn.
Một nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu gia đình và giới cho thấy, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, với tỷ lệ khoảng 30%, nghĩa là cứ có 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Điều đáng quan tâm là nghiên cứu cho thấy, 70% các vụ ly hôn thuộc về các cặp vợ chồng trẻ (tuổi từ 18 đến 30). Trong đó 60% ly hôn sau khi kết hôn khoảng từ 1 đến 5 năm, nhiều trường hợp vợ chồng mới lấy nhau được vài tháng đã dắt tay nhau ra toà ly hôn. Bất đồng về lối sống chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn trong giới trẻ (chiếm 27,5%); nguyên nhân ngoại tình chiếm 25,9%; nguyên nhân do kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 2% và ly hôn do… xa nhau lâu ngày chiếm 1,3%... Ông Phạm Văn Phích, Phó chánh án TAND TP cho rằng, hiện tượng các cặp vợ chồng trẻ ly hôn ngày một gia tăng là điều đáng lo ngại, cần có giải pháp để hạn chế. Nhiều chuyên gia nhận định, để giảm bớt tình trạng ly hôn, đặc biệt là trong giới trẻ thì trước hết, các bạn trẻ cần có nhận thức đúng đắn về cuộc sống hôn nhân, nghiêm túc nhìn nhận hôn nhân là xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc, bền vững, chứ không phải là trò chơi vợ chồng nhất thời. Vợ chồng trẻ cần lường trước những khó khăn, vất vả trong cuộc sống: về con cái, về kinh tế, về cư xử trong sinh hoạt… chứ hôn nhân không chỉ toàn màu hồng, lãng mạn, thơ mộng như lúc còn yêu. Mặt khác, theo chuyên gia, các bạn trẻ cũng cần có thời gian tìm hiểu kỹ về đối tác, như là về tính cách, sở trường sở đoản của nhau, về hoàn cảnh gia đình bên chồng/vợ, để tránh trường hợp khi lấy nhau về rồi mới bị… vỡ mộng. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công đoàn, tổ hoà giải ở xóm phố… cũng cần có chương trình giáo dục về kiến thức sức khoẻ tình dục, giới tính, về kỹ năng giao tiếp ứng xử, cách thức sắp xếp, lo toan cuộc sống gia đình; kỹ năng nuôi dạy con cái khoẻ mạnh, khoa học, đồng thời tìm cách hoà giải mâu thuẫn để đời sống vợ chồng không rơi vào bất đồng, dẫn đến bất hoà, đổ vỡ, không hàn gắn được. Các cặp vợ chồng trẻ cũng cần được các bậc làm cha mẹ, người thân trong gia đình, bằng tình yêu thương và kinh nghiệm của người đi trước, có sự khuyên bảo, hướng dẫn, thuyết phục để con cái có sự lựa chọn đúng đắn nhất cho hôn nhân. Cùng với đó, cộng đồng xã hội cần có thái độ ứng xử phù hợp, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, khuyến khích xây dựng mô hình gia đình trẻ năng động, bình đẳng, no ấm, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào của xã hội, là tổ ấm đích thực của mỗi cặp uyên ương… (Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi) Nguyễn Văn |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão