Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới

09:29 25/03/2020

Theo số liệu của trang worldometers.info, tính đến 23h00 tối 24/3 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 395.753 người, trong khi số ca tử vong là 17.235 người. Đại dịch COVID-19 đến nay đã lây lan ra 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Một diễn biến đáng chú ý trong ngày 24/3 là việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới. Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 là từ châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%. Tính đến tối 24/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 46.168 trường hợp mắc COVID-19 và 582 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ trong ngày 23/3 đã không thể vượt qua bất đồng để thông qua dự luật cứu trợ khẩn cấp trị giá hơn 1.000 tỷ USD.

Cảnh vắng lặng tại quảng trường Thời đại ở New York giữa lúc phong tỏa. Ảnh: Reuters

Tại châu Âu - tâm dịch hiện nay của thế giới - số ca nhiễm COVID-19 trong ngày 24/3 đã vượt 200.000 người, trong đó Italy với 63.927 ca nhiễm và Tây Ban Nha với 39.673 ca đã chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm tại khu vực này. Với 200.009 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 10.732 ca tử vong, châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xếp thứ hai là châu Á với 98.748 ca nhiễm và 3.570 ca tử vong.

Tại Italy, tâm điểm của dịch COVID-19 ở châu Âu, tiếp tục xuất hiện điểm sáng khi số ca mới mắc đang duy trì đà giảm. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố ngày 23/3, nước này ghi nhận thêm 4.789 ca nhiễm mới, giảm so với 5.560 ca trong ngày 22/3, trong khi số ca tử vong tăng 601 ca lên con số 6.077. Số bệnh nhân điều trị thành công là 7.432 trường hợp (tăng 408 ca). Trong khi đó, tại Tây Ban Nha trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 514 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.696 người, tăng 23,5% so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới tăng gần 20% lên 39.673 trường hợp.

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong tiếp tục gia tăng từng ngày, các quốc gia châu Âu vẫn đang tăng cường các biện pháp phòng dịch.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23/3. Các siêu thị tại Anh cũng đã bắt đầu hạn chế số khách hàng được vào mua sắm cùng thời điểm để giảm tiếp xúc xã hội mùa dịch bệnh.

Bang Nordrhein-Westfalen đã trở thành bang đầu tiên ở Đức đưa ra mức xử phạt hành chính đối với việc vi phạm các quy định phòng dịch, với các mức phạt từ 200 euro đến 5.000 euro. Hà Lan bổ sung các biện pháp chống dịch lây lan như cấm tất cả các sự kiện hội họp và tụ tập đông người, có hiệu lực cho đến ngày 1/6, trong khi Pháp cũng chuẩn bị công bố biện pháp tương tự. CH Cyprus cấm mọi hoạt động tại khu vực bãi biển và công viên. Hy Lạp tạm ngừng mọi chuyến bay cất cánh từ Anh và gần như mọi chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến ngày 15/4. Ba Lan và Romania đã siết chặt lệnh hạn chế đi lại. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt hạn chế đối với các cửa hàng tạp hóa và siêu thị.

Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở khu vực châu Á.

Trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Iran đã tăng 122 ca lên tổng cộng 1.934 ca, trong khi số ca mắc bệnh cũng tăng 1.762 ca lên 24.811. Trong ngày 23/3, Israel ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, theo đó số ca mắc COVID-19 đã lên đến 1.442 trường hợp, tăng 371 trường hợp so với một ngày trước đó. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất được ghi nhận kể tử khi dịch COVID-19 bùng phát tại Israel. Tính đến tối 24/3, Israel có tổng cộng 1.656 ca mắc COVID-19 và 2 ca tử vong.

Thái Lan có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra những biện pháp mới để đối phó với COVID-19 vào ngày 26/3. Cùng ngày, nội các Thái Lan thông qua các biện pháp bổ sung trị giá 107 tỷ baht (3,25 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Nước này cũng tạm đóng các cửa khẩu biên giới tại các tỉnh cực Nam giáp Myanmar và Malaysia từ ngày 24/3. Thái Lan ngày 24/3 ghi nhận thêm 106 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 827 người, và thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 4 người. Trong khi đó, Lào có các ca mắc COVID-19 đầu tiên, đều từng đến Thái Lan trong thời gian qua. Myanmar cũng ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên là các công dân vừa trở về từ Mỹ và Anh.

Cùng ngày, Nhật Bản thông báo áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài từ 18 nước châu Âu và Iran. Đây là biện pháp kiểm soát biên giới phạm vi rộng nhất mà Nhật Bản áp dụng cho đến nay nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hiện Nhật Bản ghi nhận 52 ca tử vong do COVID-19, bao gồm  các trường hợp trên tàu du lịch Diamond Cruise.

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này bắt đầu áp dụng "thủ tục nhập cảnh đặc biệt" ngay tại sân bay đối với tất cả hành khách đến từ khu vực châu Âu từ 0h ngày 23/3. Theo đó, tất cả công dân Hàn Quốc và người nước ngoài nhập cảnh từ châu Âu sẽ phải điền vào bản khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt ngay tại sân bay. Số liệu của Cơ quan quản lý và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố sáng 24/3 cho biết trong ngày 23/3 Hàn Quốc ghi nhận thêm 76 trường hợp nhiễm COVID-19, tăng nhẹ so với con số 64 ca ghi nhận một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 9.037 người. Số ca tử vong tăng 9 trường hợp lên 120 ca.

Trong khi đó, giới chức tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế đi lại sau hai tháng bị phong tỏa do dịch COVID-19.

Trong những ngày qua, Trung Quốc đại lục liên tục không ghi nhận thêm ca trong nước nào mắc COVID-19, chỉ có ca mới đến từ bên ngoài. Thành phố Vũ Hán cũng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào kể từ ngày 18/3. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 81.171 người và 3.277 ca tử vong.

Ở châu Phi, Nam Phi đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày trong bối cảnh tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 những ngày qua đã biến quốc gia này thành ổ dịch lớn nhất tại châu Phi. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 128 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên thành 402 ca và lần đầu tiên vượt qua Ai Cập với 327 ca. Đây là số ca nhiễm cao nhất trong một ngày kể từ khi nước này công bố trường hợp đầu tiên hôm 5/3, tương đương với tổng số ca nhiễm của 3 hôm trước đó.

Lo ngại dịch bệnh lây lan, Ai Cập thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau kể từ ngày 25/3. Algeria đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô Algiers và tỉnh Blida - cách thủ đô Algiers khoảng 50 km, địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19. Tính đến tối 24/3, Ai Cập ghi nhận 366 trường hợp mắc COVID-19 và 19 trường hợp tử vong, trong khi con số ở Algeria lần lượt là 230 và 17.

Trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tuyên bố Olympic Tokyo 2020 sẽ được hoãn sang năm 2021. Đây là lần đầu tiên một kỳ Olympic bị hoãn trong thời bình. Trong khi đó, Ban tổ chức Olympic Nhật Bản cũng thông báo hoãn hoạt động rước đuốc./.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông