09:21 24/12/2019 Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cần nhìn ra những việc đã và chưa làm được, đồng thời tập trung phát triển hơn nữa Cộng đồng ASEAN.
Chiều 23/12, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm chủ đề "Đưa ASEAN phát triển xa hơn: Từ nhiệm kỳ Chủ tịch của Thái Lan 2019 đến ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam 2020."
Tọa đàm có sự tham gia của hai diễn giả là nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, nguyên Trưởng SOM ASEAN Thái Lan Sihasak Puangketkaew, và nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan
Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Tanee Sangrat khẳng định tọa đàm là cơ hội tốt nhằm tạo diễn đàn cho các học giả, nhà nghiên cứu có thể chia sẻ những quan điểm cởi mở, thẳng thắn, xoay quanh các vấn đề của ASEAN.
Theo Đại sứ Tanee Sangrat, với vị thế và vai trò là những thành viên tích cực, nổi bật của ASEAN, cả Việt Nam và Thái Lan đều có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khu vực.
Đại sứ hy vọng với những kinh nghiệm ngoại giao nổi bật của hai diễn giả với ASEAN, nhiều nội dung về hợp tác, phát triển trong khu vực sẽ được bàn thảo và làm rõ tại tọa đàm, phục vụ cho vai trò kép của Việt Nam trong năm 2020: Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Chia sẻ một số điểm chính về thành tựu cũng như kinh nghiệm khi Thái Lan đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2019, ông Sihasak Puangketkaew cho biết khi Thái Lan tiếp quản chức vụ Chủ tịch ASEAN từ Singapore năm 2019, môi trường trong nước và thế giới có nhiều biến động lớn như: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chế độ bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đa phương suy yếu dần; Thái Lan bước vào thời kỳ chuyển giao chính trị.
Tuy nhiên, với những cố gắng nỗ lực, Thái Lan đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2019, đóng góp cho ASEAN nhiều thành tựu về gắn kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển thịnh vượng.
Theo ông Sihasak Puangketkaew, chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020 là "Gắn kết và chủ động thích ứng." Đây là hai nhiệm vụ giao thoa và bổ trợ chặt chẽ cho nhau, đồng thời góp phần duy trì sự bền vững, hòa bình của các quốc gia khu vực, từ đó xây dựng ASEAN trở thành một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm.
Đề cập đến mục tiêu xây dựng cộng đồng và tính gắn kết các thành viên với nhau để tạo được sự ổn định, tính trung tâm của ASEAN, ông Sihasak Puangketkaew bày tỏ hy vọng, với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có thể tiếp tục đưa những nội dung đàm phán còn dang dở từ Năm ASEAN 2019 đi đến thành công, đặc biệt là với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ông Sihasak Puangketkaew đặc biệt nhắc tới việc tăng cường tư duy chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ASEAN. Theo ông Sihasak Puangketkaew, ASEAN đang theo một lộ trình đúng đắn, thu hút ngày càng nhiều sự tham gia và đóng góp của người dân khu vực, góp phần tạo nên một cộng đồng ASEAN phát triển thịnh vượng.
Duy trì vai trò trung tâm của ASEAN
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2019 của Thái Lan, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết Việt Nam lựa chọn chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng," dựa trên nền tảng nhiệm vụ phát triển bền vững của Thái Lan trong năm 2019; đồng thời, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng cộng đồng, kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực, phát triển quan hệ với các đối tác.
"Chủ đề năm 2020 của Việt Nam mang sắc thái riêng, trong đó tập trung xây dựng ASEAN vững mạnh từ bên trong, đoàn kết và phát triển nội khối; xây dựng cộng đồng hội nhập. Tại khu vực và thế giới đang diễn ra nhiều chuyển biến sâu sắc như xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; xu hướng bảo hộ trỗi dậy; chủ nghĩa đa phương suy yếu; xuất hiện các điểm nóng trong khu vực; vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống được đặt ra; sự hiện diện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...; điều này đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam.
Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng, là năm kiểm điểm giữa nhiệm kỳ về Tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2025. Với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cần nhìn ra những việc đã và chưa làm được, đồng thời tập trung phát triển hơn nữa Cộng đồng ASEAN," Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng khẳng định: "Kế thừa kinh nghiệm của Thái Lan, Việt Nam sẽ linh hoạt ứng phó trong điều kiện mới, thời cơ mới."
Ông cho rằng Việt Nam cần xây dựng ASEAN trở thành bộ phận khăng khít trong cấu trúc khu vực, trong đó tập trung bảo vệ lợi ích của tất cả các nước và khu vực dựa trên luật pháp quốc tế.
Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào thời điểm vị thế, năng lực, vai trò, đóng góp của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Chính sách đối ngoại vì hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc của Việt Nam được tăng cường, điển hình như tham gia sâu hơn vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đăng cai nhiều hội nghị quốc tế quan trọng…
Khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn thì điều này sẽ tạo sự gắn kết giữa nền kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới và khu vực; đồng thời, việc đó giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động, dựa trên khoa học công nghệ và sáng tạo.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, với việc năm 2020 Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép: Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ kết hợp hai nhiệm vụ, làm tốt trách nhiệm, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giữa quốc tế và khu vực, qua đó góp phần thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định và phát triển khu vực; thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng cấu trúc khu vực ASEAN dựa trên luật pháp quốc tế.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định trước tình hình chuyển biến quốc tế và khu vực, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cạnh tranh giữa các nước lớn..., ASEAN phải vững mạnh, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích chung khu vực, cộng đồng ASEAN; xây dựng lập trường chung của ASEAN về vấn đề ứng phó với những thay đổi mới của tình hình quốc tế và khu vực; xây dựng Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó khẳng định nguyên tắc về bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình của các quốc gia thành viên trong khu vực, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.