15:28 14/03/2023 Đêm rồi, đảo Nam Yết chào đón con tàu CSB 8004 cùng Đoàn công tác Cảnh sát biển chúng tôi bằng một trận mưa thật quý giá khiến cho không khí ở Trường Sa đang nóng hầm hập bỗng dịu mát, thoáng đãng hẳn.
Một điều dễ nhận thấy nhất khi đặt chân lên Nam Yết đó là toàn đảo được bao phủ một màu xanh ngắt của cây cối. Trận mưa đêm đã làm cho chúng đua nhau bật mầm xanh. Mưa cũng làm cho nét mặt của cán bộ, chiến sĩ nơi đây ai ai cũng rạng rỡ.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo thì Nam Yết có thể gọi là “đảo cây”, nhiều nhất vẫn là các loại: Bàng vuông, dừa, bao báp, phong ba, mù u… tạo nên không khí mát mẻ, nhiều bóng râm và làm cho cảnh quan môi trường ở đây luôn “xanh, sạch, đẹp”.
Đảo hiện giờ giống như một công trường lớn với nhiều âm thanh sôi động bởi thời điểm này có rất nhiều tốp thợ của các đơn vị xây dựng từ đất liền đang làm nhiệm vụ xây dựng các công trình tại đây.
Sau giây phút gặp gỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết, Đoàn công tác Cảnh sát biển đi thăm viếng một số địa chỉ tâm linh trên đảo như tượng đài Quốc công tiết chế Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Nam Huyên và Nghĩa trang liệt sĩ Nam Yết.
Chùa Nam Huyên nằm yên tĩnh dưới những tán cây mù u xanh mát, xung quanh là tiếng sóng vỗ ầm ào. Trong không khí thâm nghiêm, tĩnh mịch, các thành viên Đoàn công tác kính cẩn thắp hương để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và cầu cho chủ quyền quốc gia trên biển luôn bất biến giữa muôn trùng sóng gió, bão giông.
Tại đây, chúng tôi đã gặp và có dịp trò chuyện với Đại đức Thích Tâm Tri - trụ trì ngôi chùa, người đã có 5 năm làm Phật sự tại quần đảo Trường Sa. Đại đức chia sẻ: “Điều mong muốn nhất của thầy khi ra đây là hộ quốc an dân. Thầy cũng cảm thấy rất vui mừng, cảm động khi có nhiều khách thập phương bá tánh ra đây thăm đảo và thăm viếng chùa. Điều đó đã mang đến niềm hạnh phúc, niềm vui, niềm tin để cho các chiến sĩ và cá nhân thầy có thêm sức mạnh tinh thần bám trụ nơi đây!”.
Nằm ở một góc nhỏ, khiêm tốn trên đảo là Nghĩa trang liệt sĩ Nam Yết. Tại đây hiện nay có 5 ngôi mộ của các liệt sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, người lớn tuổi nhất sinh năm 1980, người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1995.
Đến từ các vùng quê khác nhau như: Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên và Khánh Hòa, khi có đủ điều kiện thuận lợi, thi hài của các anh sẽ được đồng đội cất bốc và đưa trở về quê hương, gia đình của mình. Sự hi sinh của các liệt sĩ minh chứng một điều rằng, giữa thời bình nhưng máu của các chiến sĩ vẫn đổ. Các anh ngã xuống để cho mặt biển thêm xanh hơn, cho đất đai của Tổ quốc thêm cao hơn. Đó chính là khúc tráng ca được cất lên giữa biển trời Trường Sa mênh mông.
Cũng tại đây, tôi đã gặp và trò chuyện cùng Binh nhất Phan Minh Chiến, người con của quê hương Tuy Hòa, Phú Yên. Không giấu nổi niềm vinh dự, tự hào khi được trở thành người chiến sĩ Trường Sa, Phan Minh Chiến cho biết: “Tôi cảm thấy rất hãnh diện, tự hào khi mình là một chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa thân yêu. Niềm vinh dự này sẽ theo tôi suốt cuộc đời bởi đây là quãng thời gian ý nghĩa nhất của tuổi trẻ, được cầm súng cùng đồng đội canh giữ đảo thiêng của Tổ quốc!”.
Trong quá trình tác nghiệp tại đảo, chúng tôi còn nắm được thông tin về một bệnh nhân vừa được cấp cứu đêm qua tại đây nên lập tức ghé vào Bệnh xá Nam Yết để tìm hiểu thêm. Tại phòng điều trị, Đại úy, Bác sĩ Trịnh Công Điển đang trực tiếp khám, theo dõi cho bệnh nhân là ông Dương Thành Kỳ, 51 tuổi, quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, thuyền viên của tàu cá BĐ 99996 TS.
Bác sĩ Điển cho biết, bệnh nhân Kỳ trong quá trình đánh bắt hải sản bị đau bụng và tự dùng thuốc giảm đau trên tàu cá đã 10 ngày nhưng vẫn không đỡ. Tàu cá đã đưa ông vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn để khám. Qua quá trình thăm khám, Bệnh xá đảo Sinh Tồn đã liên hệ và chuyển bệnh nhân về đảo Nam Yết bởi đây là đảo có đầy đủ hệ thống trang thiết bị và ekip bác sĩ để xử lý.
Tại đảo Nam Yết, qua công tác hội chẩn với các chuyên gia phẫu thuật ổ bụng của Bệnh viện Quân y 103 tại Hà Nội qua hệ thống trực tuyến Telemedixin đã kết luận, bệnh nhân Kỳ bị đám quánh ruột thừa, áp xe hóa ngày thứ 10. Theo y lệnh từ các chuyên gia, hiện bác sĩ Điển đã tiến hành truyền dịch, truyền kháng sinh và theo dõi diễn biến, khi đủ điều kiện sẽ hút áp xe ra khỏi ổ bụng.
Là ngư dân đã có hơn 30 năm làm nghề biển, thường xuyên đánh bắt tại ngư trường Trường Sa, ông Kỳ chia sẻ: “Bà con ngư dân như tôi rất cảm động khi chẳng may bị nạn giữa biển khơi lại được các anh bộ đội cứu giúp kịp thời”.
BS Trịnh Công Điển cũng cho tôi biết thêm, từ đầu năm đến nay, Bệnh xá đảo Nam Yết đã tổ chức khám và điều trị cho khoảng 600 lượt cán bộ, chiến sĩ; 40 trường hợp là ngư dân và 1 số thành viên các đoàn công tác khi ra thăm đảo. Đó là những việc làm thầm lặng của những chiến sĩ quân y đang ngày đêm bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Nam Yết nói riêng cũng như quần đảo Trường Sa nói chung.
Điểm đến cuối cùng của Đoàn chúng tôi đó là Trạm Hải đăng Nam Yết trực thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam. Trạm gồm 5 cán bộ, nhân viên. Bao nhiêu năm qua, những người thợ đèn nơi đây vẫn luôn phân công nhau túc trực 24/24h làm nhiệm vụ quản lý, duy trì, bảo dưỡng, vận hành để ngọn hải đăng luôn ở tình trạng hoạt động tốt nhất.
Hàng ngày, những người công nhân gác đèn lại thông tin về đất liền các hoạt động của tàu thuyền trong khu vực cũng như sự thay đổi của thời tiết trên biển. Ánh sáng từ ngọn hải đăng không chỉ có tác dụng hỗ trợ, định hướng cho tàu thuyền qua lại trong khu vực mà còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông bao la.
Một sự tình cờ nhưng cũng hết sức thú vị khi chúng tôi gặp được anh Đỗ Trường Xuân là nhân viên của Trạm Hải đăng Nam Yết. Anh Xuân sinh năm 1971, quê ở làng Lũng, một làng hoa của phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Hiện giờ, gia đình anh vẫn đang gắn bó với mảnh đất của ông cha để lại. Anh Xuân là người đã có gần 20 năm làm nhiệm vụ gác đèn tại các Trạm hải đăng do Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam phụ trách. Anh tâm sự, ngần ấy năm gắn bó với biển, với đảo thì cũng ngần ấy năm anh phải sống xa gia đình, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng vẫn chung thủy với nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Với tình yêu nghề, trách nhiệm với nghề, những người thợ gác đèn của Trạm Hải đăng Nam Yết vẫn kiên cường chống chọi và đứng vững trước sóng to gió lớn để bảo vệ ngọn hải đăng sáng mãi giữa biển khơi. Và mỗi khi nhìn ngọn hải đăng chớp sáng trên bầu trời đen kịt, ta lại cảm nhận đó chính là ánh sáng của Tổ quốc giữa trùng khơi. Từng nhịp đèn chớp nháy là nhịp thở của con tim không chỉ của lính thợ đèn mà là của cả đất nước.
Lam Giang