Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng và kiến nghị, đề xuất

10:28 16/02/2022

Thiếu tướng VŨ THANH CHƯƠNG, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng

Như đã đưa tin, ngày 10-2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức 2 hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ” và “Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ”. Chuyên đề An ninh Hải Phòng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài tham luận của Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hải Phòng gửi đến hội thảo.

Hải Phòng là thành phố cảng, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng Duyên hải Bắc bộ và các tỉnh phía Bắc; có cảng biển, sân bay và là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Tổng diện tích tự nhiên là 1.527,4 km2; với 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 07 quận, 08 huyện (trong đó: 66 phường, 10 thị trấn và 141 xã) với dân số hơn 2 triệu người, dân cư thành thị chiếm 45,5%; giữ vị trí tiền trạm của miền Bắc, có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng và là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Hệ thống giao thông đường bộ của thành phố Hải Phòng đa dạng và phức tạp.

Trong đó, Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với khoảng 33 km đi qua địa bàn thành phố; 04 tuyến đường Quốc lộ có tổng chiều dài hơn 110 km; 12 tuyến đường tỉnh có tổng chiều dài hơn 250 km; hơn 330 tuyến đường đô thị có tổng chiều dài hơn 300 km và gần 3.000 km đường giao thông nông thôn.

Là địa bàn có vị trí giao thông chiến lược, hội tụ đủ cả 5 loại hình giao  thông nên thành phố Hải Phòng mang đầy đủ đặc điểm của cả nước; trong thời kỳ tăng cường hội nhập với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực cũng như trong nước có diễn biến phức tạp, khó lường hơn, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức, làm giảm hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông… Cụ thể là:

- Quy hoạch hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, tổ chức giao thông thiếu khoa học; mặc dù được đầu tư, xây dựng nhiều tuyến đường mới nhưng cũng phát sinh thêm nhiều nút giao thông phức tạp; chủ yếu do phát sinh nút giao thông đồng mức.

- Quỹ đất dành cho giao thông đường bộ tại khu vực trung tâm thành phố hầu như không phát triển, nhất là các công trình phụ trợ, như: điểm dừng xe, bãi đỗ xe… Trong khi đó, trường học, bệnh viện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngày càng gia tăng. Kết cấu hạ tầng một số tuyến đường bị xuống cấp chưa được khắc phục, sửa chữa, nhất là tuyến Quốc lộ 5.

- Các chính sách ưu đãi về thuế và sự cạnh tranh về giá cả đã tác động mạnh mẽ đến thị trường mua bán xe cơ giới, nhất là xe ô tô, khiến cho loại phương tiện này gia tăng nhanh chóng. Tính đến thời điểm 14-1-2022, tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang quản lý là 1.692.932, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng số lượng xe ô tô hiện nay là 212.034 xe (trong đó có 16.322 đầu kéo và 17.650 rơ mooc).

- Sản lượng hàng hóa vận chuyển qua Cảng Hải Phòng năm sau cao hơn năm trước. Tổng kết năm 2021, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua Cảng Hải Phòng đạt hơn 150 triệu tấn, tăng 7,36% so với cùng kỳ năm 2020, đã làm gia tăng áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

- Hệ thống báo hiệu đường bộ trên nhiều tuyến đường chưa được hoàn thiện theo đúng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019/BGTVT), gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm.

- Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông chưa cao, dẫn đến vi phạm, thậm chí không ý thức được quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân nên có thái độ thờ ơ, lãnh đạm, coi thường pháp luật. Trong khi đó, việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác xử lý vi phạm hành chính còn hạn chế; trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm còn thiếu; chưa có hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh. Số vụ vi phạm trật tự, an toàn giao thông được phát hiện và xử lý chưa tương xứng với hành vi này diễn ra trong thực tiễn.

- Quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và ngành Giao thông vận tải trong việc kết nối dữ liệu quản lý lái xe và giấy phép lái xe, đăng kiểm xe hiện nay chưa đồng bộ; còn nhiều kẽ hở trong công tác cấp và quản lý. Đáng chú ý là vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 30-1-2021 tại Đường tỉnh 636 thuộc địa bàn xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định làm chết 2 người, bị thương 15 người do lái xe là đối tượng theo dõi sức khỏe tâm thần tại cộng đồng gây ra.

- Do sự phát triển nhanh chóng của kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội khiến cho hệ thống pháp luật hiện nay không theo kịp, chưa phù hợp với thực tế. Hệ thống pháp luật chưa có tính nhất quán, dễ tạo những kẽ hở để người tham gia giao thông vi phạm, lách luật, tính răn đe của luật chưa cao. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp sửa đổi mà yêu cầu giải quyết gấp rút buộc các cơ quan phải ban hành các văn bản hướng dẫn hoặc quy định chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau… dẫn đến việc hướng dẫn của các cơ quan chức năng và việc chấp hành pháp luật của Nhân dân gặp nhiều khó khăn, tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao do hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục còn mang tính truyền thống, chưa sáng tạo, đổi mới, chưa đến được với đối tượng có nguy cơ cao. Điều đó dẫn đến hiệu quả nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hoàn thành thực hiện các mục tiêu theo chủ đề Năm an toàn giao thông 2022: “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đề ra, đặc biệt là mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, Công an thành phố Hải Phòng đề xuất một số giải pháp sau:

Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có những giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mang tính chiến lược, lâu dài, đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. Đặc biệt, trong quá trình tham gia ý kiến các dự án, đề án phát triển hạ tầng giao thông, dự án Luật… cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án, đề án với tình hình trật tự, an toàn giao thông; từ đó, có quan điểm phản biện, kịp thời phòng ngừa phát sinh những phức tạp về trật tự, an toàn giao thông từ việc triển khai các dự án, đề án.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Phát huy tối đa hiệu quả của truyền thông đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tăng cường hợp tác quốc tế và đầu tư nguồn lực trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, chú trọng đầu tư các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành giao thông, tăng cường ứng dụng các công nghệ tự động hóa trong việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tích cực triển khai hệ thống liên thông, kết nối dữ liệu của các Bộ, ngành với Bộ Công an, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe, thuế… bảo đảm thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an.

Công tác tuyển sinh, tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện cán bộ cần được thực hiện chặt chẽ, có tính chiến lược lâu dài; bảo đảm thực hiện đúng quy trình. Thực hiện tốt việc xác định nhu cầu đào tạo, từ đó lập kế hoạch đào tạo, thực hiện đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo. Quá trình đào tạo cần chú trọng rèn luyện kỹ năng thực tiễn kết hợp với học tập kiến thức lý luận. Cần xác định nhu cầu đào tạo là bước cơ bản, quan trọng để xác định trọng tâm đào tạo cán bộ và từ cán bộ được đào tạo để đáp ứng yêu cầu công tác cụ thể; từ đó, địa phương bố trí đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chuyên môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo nhằm phát huy tối đa kinh nghiệm, kiến thức của cán bộ vào công tác chuyên môn.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ nhằm phòng ngừa sai phạm, tiêu cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông.

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích