Nâng cấp nhà máy nước An Dương phục vụ mục tiêu phát triển đô thị

20:15 16/12/2018

Dự án nâng cấp Nhà máy nước (NMN) An Dương chính thức được các nhà thầu Nhật Bản triển khai thi công trên hiện trường từ đầu tháng 11-2018. Dự án với tổng mức đầu tư hơn 421 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản là hơn 408 tỷ đồng, hơn 13 tỷ đồng là vốn đối ứng của Công ty CP cấp nước Hải Phòng.

Dự án có qui mô, xây dựng khối bể lọc tiếp xúc sinh học U-BCF công suất 100.000m3/ngày trên khu vực rộng khoảng 5000m2 nằm tại vị trí hồ lắng hiện có trong NMN An Dương. Hạng mục thứ 2 là cải tạo và nâng cấp Trạm bơm nước thô Quán Vĩnh; lắp mới 3 trạm bơm và hệ thống điện, nhà quản lý, diện tích xây dựng khoảng 520m2. Dự án do Công ty CP cấp nước Hải Phòng làm chủ đầu tư. Các đơn vị tư vấn thiết kế và giám sát là Liên danh Công ty TNHH Tư vấn NJS và Cty TNHH Dịch vụ Nước Kitakyushu; Liên danh công ty TNHH Kobeclo Eco – Solutions là nhà thầu xây lắp đều thuộc Nhật Bản vì theo nguyên tắc hỗ trợ tài chính của nước bạn.

Khu vực xây bể lọc U-BCF

Theo ông Trần Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Hải Phòng – Đơn vị đại điện chủ đầu tư, trên cơ sở thành công của Dự án xây dựng bể lọc U-BCF tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ không hoàn lại cho Dự án nâng cấp Nhà máy nước An Dương. Việc hỗ trợ theo cơ chế, JICA tìm nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp nước bạn (Nhật Bản) thực hiện thi công, giám sát công trình và bàn giao cho thành phố quản lý vận hành. Cũng theo ông Trần Việt Cường, có được kết quả này minh chứng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai thành phố Hải Phòng – Kitakyushu (Nhật Bản), sự tích cực giúp đỡ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đặc biệt kết quả thành công rực rỡ trong việc phối hợp thực hiện nghiên cứu ứng dụng, áp dụng quản lý lĩnh vực chuyên ngành cấp nước giữa Công ty CP cấp nước Hải Phòng với Cục cấp thoát nước Kitakyushu. Thể hiện từ năm 2009, trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị giữa thành phố Hải Phòng và thành phố Kitakyushu (Nhật Bản), Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng (nay là Cty CP cấp nước HP) và Cục cấp thoát nước Kitakyushu đã thực hiện “Chương trình nâng cao năng lực xử lý loại bỏ chất hữu cơ trong nước” kéo dài 3 năm (2010-2012). Chương trình này nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản để xử lý chất hữu cơ có trong nước bằng công nghệ lọc tiếp xúc sinh học (U-BCF) và thử nghiệm tại các Nhà máy nước (NMN) An Dương và NMN Vĩnh Bảo. Toàn bộ kinh phí của chương trình nghiên cứu này do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ không hoàn lại. Từ kết quả chạy thử các cột lọc thí nghiệm công nghệ tiếp xúc sinh học U- BCF tại NMN An Dương và NMN Vĩnh Bảo, có sự giám sát kỹ thuật của các chuyên gia Công ty Kobelco (Nhật bản) đem lại thành công lớn. Đó là thành phần trong nước giảm hàm lượng chất hữu cơ, chất hoạt động bề mặt; giảm được trên 80% Amoni (NH4+); Man-gan giảm được trên 70%; giảm trên 90% gốc Ni-tơ và đặc biệt là giảm được hợp chất Trihalomethanes (THMs) - đây là chất không có lợi cho sức khỏe con người, cần phải được kiểm soát hạn chế. Ngoài ra U- BCF còn cải thiện chất lượng nước thông qua việc giảm mùi, độ đục, độ màu ...  đúng như kỳ vọng đặt ra.

Nhà thầu tiến hành thi công xây dựng bể lọc

Do vậy, UBND thành phố quyết định đầu tư Dự án xây dựng bể U- BCF tại NMN Vĩnh Bảo dưới sự giúp đỡ của Cục cấp thoát nước Kitakyushu và JICA (Nhật Bản). Trong đó hạng mục chính của dự án là xây dựng lắp đặt khối bể lọc U - BCF (gồm: 1 bể phân phối nước, 2 bể BCF, 1 bể trộn) với công suất vận hành 5.000m3/ngày và được kết nối chung vào trong dây chuyền công nghệ xử lý nước hiện có tại đây vào tháng 9-2013. Đến nay sau hơn 5 năm đưa vào khai thác vận hành, NMN Vĩnh Bảo cho hiệu quả kinh tế, chất lượng nước luôn đảm bảo giảm được các chỉ số  hợp chất hữu cơ, Amonia, Ni-tơ giảm, Man-gan, THMs giảm với tỷ lệ nêu trên, đều được đưa về dưới ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn nước ăn uống. Đặc biệt, do công nghệ U-BCF chủ yếu sử dụng than hoạt tính, công nghệ sinh học thân thiện với môi trường và không phải sử dụng hóa chất, giúp tiết kiệm hóa chất trong quá trình xử lý (giảm khoảng 38% lượng clo), giảm chi phí sản xuất nước sạch so với công nghệ sản xuất nước truyền thống.

Theo phân tích của Công ty CP cấp nước Hải Phòng, Trước tình hình biến đổi khí hậu gây ra triều cường, ngập mặn và ô nhiễm khá nghiêm trọng các con sông. Cùng với đó là sự phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều nguồn nước thải từ các cơ sở chăn nuôn, trồng trọt. Rồi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng mà khả năng kiểm soát nước thải và các chất thải rắn còn hạn chế làm ô nhiễm trên các nguồn nước của thành phố càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ. Ví dụ, hàm lượng chất hữu cơ, amoni, nitơrít, vi khuẩn tăng dân theo thời gian, gây khó khăn cho công tacsanr xuất nước sạch, chi phí giá thành nước sạch cao hơn do tiêu tốn hóa chất trong qua trình xử lý. Việc áp dụng bể lọc U-BCF là một giải pháp hữu hiệu góp phần ứng phó với ô nhiễm nguồn nước. Nguyên lý hoạt động U- BCF là loại bể lọc tiếp xúc sinh học, sử dụng than hoạt tính dạng hạt làm môi trường cho các vi sinh vật sinh sống, các vi sinh vật này có tác dụng ăn các chất hữu cơ và một số chất giúp cho nước sau khi qua bể U- BCF sẽ giảm các chất như: hữu cơ, amoni, nitơ, mangan, sắt, chất hoạt động bề mặt, mùi ... Quy trình hoạt động của bể BCF là nước thô đi dưới lên trên, xuyên qua lớp than hoạt tính, sau đó được thu vào máng ở phần trên của bể và đi vào các công đoạn sản xuất khách cho đến khi thành nước sạch theo tiêu chuẩn quy định. Việc áp dụng công nghệ xử lý nước U- BCF đang được đánh giá là công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới, đánh dấu một bước tiến mới, bền vững trong quá trình hợp tác giữa Cục cấp thoát nước thành phố Kitakyushu và Cty CP Cấp nước Hải Phòng.

Lãnh đạo Cty CP cấp nước Hải Phòng báo cáo quá trình chuẩn bị thực hiện dự án

Tại cuộc họp khởi động dự án, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố khẳng định, đây là điều kiện quan trọng để  thành phố nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ổn định an sinh xã hội; phát triển thành phố theo tiêu chí là thành phố cảng xanh, bền vững, hiện đại. Đây là cơ hội tốt trong việc nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt người dân, đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững của thành phố. Vì theo báo cáo, Nhà máy nước An Dương đang sản xuất từ 180.000 - 200.000 m3/ngày cung cấp nước sạch cho nhân dân các khu vực đô thị và lân cận với tổng số dân phục vụ khoảng 1,1 triệu người. Nguồn nước chủ yếu của các nhà máy nước là nguồn nước mặt, lấy từ các con sông trong thành phố. Hiện nay, để xử lý chất hữu cơ, các nhà máy nước đang sử dụng Clo để khử trùng; phương pháp này chỉ giải quyết được khi mức độ ô nhiễm chất hữu cơ trong phạm vi cho phép, khi hàm lượng hữu cơ tăng quá cao, phải dùng quá nhiều Clo thì sẽ sinh ra hợp chất THMr là hợp chất có hại đến sức khỏe cho người sử dụng nước. Do vậy, các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp, giúp đỡ chủ đầu tư tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công, bảo đảm để dự án thi công đúng tiến độ vào tháng 3-2020 tới./.

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông