Nắng cho em

16:15 07/09/2015

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 “Thiên thần của bố, chờ bố một lát thôi, bố pha sữa cho con uống nhé” - anh Văn một tay ôm đứa con bé bỏng vừa lọt lòng, một tay cầm phích nước nóng để pha sữa cho con. Ngồi nghe tiếng nựng con và ngắm nhìn từng động tác chồng chăm con, chị Lương thấy trong lòng hạnh phúc, nghẹn ngào không nói lên lời. Thỉnh thoảng Lương lại tự cấu vào da thịt mình xem có phải là sự thật không hay đó chỉ là giấc mơ.

Cũng giống như bao gia đình ở nông thôn, Lương sinh ra trong một gia đình thuần nông, có anh chị em. Cuộc sống chủ yếu chỉ trông vào mấy sào ruộng, bữa cải thiện cho gia đình có được là chờ khi nào đàn gà nhà nuôi có con đẻ trứng, bố mẹ bắt được giỏ cua, giỏ cáy hay lúc đánh được mẻ lưới có chút cá, tôm. Bố mẹ lúc nào cũng cặm cụi ngoài đồng,  không có mấy thời gian để ý, chăm chút cho những đứa con.

Ở nhà, đứa lớn trông đứa bé, lúc tha lôi nhau ngoài đống rơm, vườn chuối, lúc tụ tập với mấy đứa con cùng làng nghịch ngợm đủ trò. Ấy vậy mà đứa nào đứa nấy tròn trục, chắc nịch, phơi sương, phơi nắng đen bóng mà chẳng mấy khi cảm sốt. Lương là em út trong gia đình có 4 anh, chị, em. Từ ngày sinh ra đến năm 2 tuổi, Lương cũng khỏe mạnh, tròn trịa như mấy anh chị mình. Rồi một ngày, bà Khương, ông Lập - bố mẹ của Lương đi làm đồng về, thấy tay, chân Lương có vài vết bầm tím mà con bé cứ lăn ra khóc, kêu la: “Mẹ ơi, con au quá, au quá” - giọng vẫn còn ngọng nghịu. “Con đau ở đâu, thương quá, ai trêu con” - Bà Khương ôm con vào trong lòng dỗ dành, cũng chỉ nghĩ đơn thuần là con bé bị anh chị trêu đùa cấu véo rồi nằm ăn vạ.

Ai ngờ bà càng dỗ, con bé càng khóc ngằn ngặt. Trái tim người mẹ như được mách bảo, bà Khương biết có chuyện nên đã bế Lương ra trạm xá rồi mang lên bệnh viện huyện để khám mới biết là Lương bị gãy tay chân. Thế là Lương bị bó bột, nẹp chân tay, chẳng cử động được. Cứ nghĩ là con trẻ trông nhau không để ý nên làm em ngã mà chẳng biết nên bà Khương cũng không nghĩ ngợi nhiều.

Một buổi khác, bà Khương đang làm cỏ trong vườn sau nhà, bỗng thấy Lương khóc ré lên, bà vội chạy lên, thấy con bé vẫn ngồi yên trong lòng chị mà chân tay lại xuất hiện mấy vết bầm tím như trước. Lần này thì bà Khương bực lắm, lôi từng đứa con ra hỏi xem ai đã làm ngã em. 3 đứa trẻ thấy mẹ giận dữ, sợ sệt tái cả mặt mà miệng thì chối đây đẩy: “Không phải con, con không làm gì em cả, mà em có bị ngã đâu”. Bà vừa giận vừa xót con, nghĩ cho Lương đi bệnh viện trước đã rồi về sau sẽ xử từng đứa một.

Bà Khương lại mang con lên bệnh viện huyện. Lương bị băng bó đến nửa người. Vài ngày sau, Lương lại bị thế, Lương bị bó bột toàn thân, nằm bất động. Lần này bác sỹ khuyên bà nên cho con lên bệnh viện tuyến trên để có thể được thăm khám tốt hơn vì ở đây còn thiếu các trang thiết bị y khoa tiên tiến.

Lên tới bệnh viện thành phố, phải làm cho con rất nhiều xét nghiệm, bà Khương thấy sốt ruột, lại khó hiểu vì sao có mỗi việc gãy xương mà lại phải khám xét cầu kỳ đến vậy. Rồi bác sỹ gọi bà vào phòng trao đổi: “Cháu bị bệnh xương thủy tinh. Trong gia đình mình có ai bị bệnh này không? Đây là 1 căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ, đến mấy chục nghìn trẻ mới có một trẻ mắc. Bệnh này làm cho xương rất dễ bị tổn thương, bị biến dạng, nếu bị nặng chỉ cần hắt hơi xương cũng có thể gãy”.

Vị bác sĩ trung tuổi từ tốn nói mà bà Khương thấy ù cả hai tai. Nghe câu được câu chăng nhưng bà vẫn căng tai nghe bác sĩ giải thích thêm: “Mà cái khó là bệnh không thể chữa được, chỉ có 1 loại thuốc hỗ trợ nhưng rất đắt, với gia đình anh chị thì khó có điều kiện nên cốt là trông mong vào sự chăm sóc của bố mẹ. May mà cháu ở thể nhẹ”. Và bác sĩ hướng dẫn bà cách về chăm sóc cho con. Lần đầu trong đời bà Khương nghe thấy tên của bệnh này, chưa hiểu là gì, cứ nghĩ mình nghe nhầm. Dần hiểu ra, bà Khương tự đấm vào ngực thùm thục, khóc thương cho đứa con gái còn quá bé bỏng của mình.

Con bé 2 tuổi không còn cơ hội chạy nhảy nô đùa với anh chị như ngày nào, mà cũng không ai dám gần Lương cả, chỉ sợ chạm nhẹ là em bị gãy xương. Lương chỉ ngồi yên một chỗ, nhìn mọi người xung quanh hoạt động làm niềm vui cho mình. Bà Khương cũng ít đi làm đồng hơn, ở nhà nâng niu con như một chiếc cốc thủy tinh nhỏ bé. Rồi Lương cũng đến tuổi đi học. Đối diện nhà Lương, có cậu bé Văn trạc tuổi cô. Mỗi lần bà Khương dẫn Lương đến trường là Văn cùng đi theo. Trên con đường đến trường, Văn thường đi trước 2 mẹ con để xem có vật gì gây trơn, trượt có thể làm cho Lương bị ngã là nhặt bỏ đi.

Ở lớp, Lương cũng phải ngồi một mình một góc. Giờ ra chơi, khi đám bạn chạy tung tăng, hò het náo nhiệt cả sân trường thì Văn ở lại trò chuyện cùng Lương, hay đọc một cuốn sách nào đó mà cả hai cùng thích. Vì thế Lương cũng cảm thấy đỡ tủi thân và muốn đến trường hơn.

Đôi bạn cùng xóm, cùng lớp gắn bó với nhau suốt thuở vỡ lòng đến hết năm cấp 3 thì đã trở nên khăng khít như hình với bóng. Lúc này Văn đã trở thành một chàng thanh niên vạm vỡ. Còn Lương khi đang ở thì con gái, đáng lẽ sẽ môi thắm, da hồng thì cô vẫn chỉ trong hình dạng một đứa trẻ mười tuổi, lưng cong, chân quắp lại chỉ quanh quẩn với chiếc xe lăn. Nhiều khi Lương rất buồn vì vẻ bề ngoài xấu xí của mình, nhưng có Văn bên cạnh động viên, cô cũng thấy vui hơn. Lương yêu quý Văn, đơn thuần chỉ là tình cảm của đôi bạn thân thiết, cô không nghĩ đến chuyện xa xôi.

Lương ở nhà, điều kiện không cho cô đi thi đại học. Còn Văn, trong khi gia đình hy vọng anh thi đỗ đại học thì Văn lại quyết định đi học nghề với mong muốn sớm có cơ hội được kiếm tiền, lại gần nhà, có thời gian để gần gũi, chăm sóc Lương. Tình yêu đã nảy nở trong Văn lúc nào không hay. Bố mẹ Văn dù thương cô bé hàng xóm nhưng vẫn phản đối quyết liệt, lo cho tương lai mong manh của con trai mình. Lương cũng không dám nhận tình cảm ấy, thấy thương Văn và thương mình nhiều hơn. Lương lảng tránh Văn.

Chục năm trời đăng đẵng, không làm mất đi lòng kiên trì và tình yêu nóng bỏng của chàng trai trẻ. Và một ngày đẹp trời, đám cưới nhỏ được tổ chức chung cùng 2 gia đình. Chú rể rạng ngời, còn cô dâu ngồi trên xe lăn, miệng thì cười mà nước mắt cứ lăn dài trên gò má - những giọt nước mắt của hạnh phúc vỡ òa.

Sau cả ngày làm việc vất vả, đêm nay Văn lại nhẹ nhàng bế vợ vào giường nằm như mọi hôm. Văn thấy buồn ngủ lắm nhưng cứ thấy vợ trằn trọc mãi, anh cũng chập chờn lúc ngủ, lúc thức. Bỗng Lương khẽ khàng vào tai chồng: “Em có bầu rồi”. Văn chợt mở choàng mắt, chỉ dám hôn nhẹ lên môi vợ, rồi miệng liên thoắng: “Em có bao lâu rồi, sao bây giờ mới nói, anh sắp được làm cha rồi, ha ha…”. Văn cưới lớn trong đêm, không để ý là vợ đang rơm rớm nước mắt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô không tỏ ra hân hoan như những người phụ nữ lần đầu được biết trong mình đang nuôi dưỡng sinh linh nhỏ bé. Cô thấy lo: “Em sợ lắm, nếu con lại mắc bệnh như em, em phải làm sao bây giờ?” - Lương run run nói với chồng. Văn vẫn hồn nhiên: “Không sao, cứ có con là anh thấy thích rồi, nếu có giống em, anh chăm 2 mẹ con được mà”. Lương lặng im không nói gì.

Văn chiều chuộng vợ như một đứa trẻ, giặt từng cái áo, rửa mặt, lau chân, bế đỡ vợ… hàng ngày, chẳng nề hà việc gì hết. 9 tháng mang nặng, Lương vẫn thấy không yên vì nỗi lo "thủy tinh". Rồi 1 thằng bé kháu khỉnh, khỏe mạnh ra đời. Thằng bé khóc oe oe, vang cả phòng hộ sinh, Lương cũng khóc…

Vẫn như mọi khi, Văn dậy thật sớm, chuẩn bị bữa ăn cho vợ, tranh thủ giặt chậu quần áo cho con, chờ khi có những tia nắng đầu tiên le lói, bế cả 2 mẹ con Lương ra ngoài hiên để được đắm chìm trong ánh sáng dịu dàng của buổi sớm mai.

Xuân Hạ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông