Nào mình cùng đi phượt!

12:57 12/07/2015

   

 

 

Một chuyến đi do anh Phạm Duy Hùng dẫn đoàn

 

Mấy năm gần đây, phong trào đi “phượt” (du lịch bụi) phát triển rầm rộ trong giới trẻ Hải Phòng. Những vùng đất mới, những chân trời mới, những con người mới cùng tập tục độc đáo… là lực hấp dẫn mạnh mẽ đối với dân phượt. “Phượt” không chỉ đơn thuần là “đi du lịch”, mà còn là tự do khám phá và trải nghiệm…

Có rất nhiều nhóm trên Facebook tập hợp hàng nghìn bạn trẻ Hải Phòng mê đi phượt như Hai Phong Discovery, Phượt Hải Phòng… Họ tạo thành một “cộng đồng phượt” thuộc đủ ngành nghề, thành phần xã hội khác nhau. Và cũng có muôn vàn kiểu phượt khác nhau như đi bằng xe đạp, xe máy hay ô tô/tàu hỏa…, đi một mình hay đông người, đi tham quan dã ngoại hay khám phá mạo hiểm. Cung đường ngắn thì đi tầm 100-200km, còn dài thì cả ngàn km xuyên Việt hay sang cả các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan…

“Các tour có sẵn giống như những “chiếc áo chật hẹp” không vừa và quá nhạt nhẽo đối với bọn mình. Bọn mình đam mê sự mới lạ, khao khát tìm kiếm, ngắm nhìn, khám phá những vùng sâu vùng xa, nhất là những nơi ít người tới trên bản đồ du lịch” - bạn Nguyễn Tân, ở Núi Đèo, Thủy Nguyên, chia sẻ.

Trước chuyến đi, ngoài kiểm tra “sức khỏe” của xe, phải chuẩn bị thật kỹ càng những đồ dùng cần thiết như đồ vệ sinh cá nhân, dụng cụ sơ cứu thông thường đến quần áo bảo hộ, mũ bảo hiểm, kính mát, đồ đi mưa, giấy tờ tùy thân… Dân phượt hay đi theo nhóm chừng 5-6 người, cũng có nhóm đông tới 20-30 người. Nhưng lại có người chỉ thích các chuyến độc hành, một mình một xe một lịch trình. Nếu đi đông, họ có những nguyên tắc yêu cầu thành viên tuân thủ để đảm bảo an toàn mà ai trong “cộng đồng phượt” cũng phải nắm rõ. Anh Phạm Duy Hùng, Chủ nhiệm CLB Môtô Suzuki miền duyên hải cho biết, một nhóm đi phượt bằng xe máy luôn có xe dẫn đoàn và xe chốt. Người dẫn và chốt đều phải dày dạn kinh nghiệm trong việc điều phối tốc độ của cả đoàn, tính toán điểm dừng nghỉ, bơm xăng… Thường phải có 2 xe thay nhau chốt để giám sát. Những người chốt đoàn phải mang đồ nghề sửa xe, đồ cứu thương và có khả năng xử trí trước các tình huống như xe hỏng, người trong đoàn bị thương…

Lê Việt Anh trong một chuyến độc hành
Lê Việt Anh trong một chuyến độc hành

Còn nếu đi phượt một mình thì mọi cung đường thuộc về người đi. Họ có thể dừng nghỉ, chụp ảnh, lưu trú ở bất cư đâu cảm thấy thích, ăn uống tùy theo nhu cầu. “Mặc dù trải qua hàng chục chuyến độc hành trên khắp các nẻo đường của tổ quốc nhưng trước mỗi chuyến đi, tôi vẫn rất lo lắng, hồi hộp. Bao nhiêu bất trắc không thể lường trước nhưng niềm đam mê khám phá những vùng miền mới và làm mới bản thân mình luôn luôn có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại”, anh Lê Việt Anh, ở phường Máy Chai, Ngô Quyền, chia sẻ.

Khám phá, mạo hiểm

Phần đông dân phượt chọn phương tiện di chuyển là xe máy bởi tính cơ động, chi phí rẻ. Hầu như loại xe nào cũng có thể dùng để phượt nhưng thường tránh xe ga và xe dưới 50cc vì không thích hợp với những cung đường đèo dốc. Loại xe mà dân phượt thích nhất là xe côn tay vì sức mạnh, độ bền bỉ của nó. Với chiếc xe máy, các “phượt thủ” sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo mà khi đi theo tour bạn sẽ khó có được những trải nghiệm như vậy.

Hiện nay, hai “kiểu” phượt được đánh giá vất vả nhất là trekking (leo núi) và off road (đi đường khó) vì đòi hỏi lòng đam mê khám phá, sự dũng cảm, sức khỏe cũng như tay lái tốt.

Nguyễn Hải Đăng (ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh) cho biết, bạn rất mê trekking. “Hiện nay có nhiều điểm đến hấp dẫn như đỉnh Tà Chì Nhù, Bạch Mộc Lương Tử, Pha Luông, Tà Xùa, Fansipan… Nhưng tôi lại thích tìm những khu vực, ngọn núi chưa từng có tên trên bản đồ hoặc rất ít người biết đến để chinh phục. Quá trình leo núi cho tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị, những cảm nhận tuyệt vời về thiên nhiên hoang dã, các loài động thực vật kỳ thú. Không chỉ thế, tôi còn được tìm hiểu về lịch sử, địa lý nơi đi qua. Chắc chắn bạn sẽ thấy vô cùng thích thú khi phát hiện giữa đại ngàn của dãy Đông Triều có những kiến trúc cổ bị bỏ hoang hoặc bắt gặp những ngôi chùa cổ kính nằm sâu trong khu vực núi non hiểm trở… Thiên nhiên đầy sự hấp dẫn mê hoặc và huyền bí mà nếu không dấn thân thì sẽ không thể cảm nhận được”.

Rất nhiều bạn trẻ đam mê treckking
Rất nhiều bạn trẻ đam mê treckking

Hoạt động leo núi cũng mang lại cho người tham gia cảm giác choáng ngợp khi vượt qua được giới hạn của bản thân, như bạn Trần Hùng, ở huyện Vĩnh Bảo, kể về quá trình chinh phục đỉnh Pha Luông (Sơn La): “Sau cả ngày vất vả mò mẫm từng bước trong rừng, trong sương mù dày đặc và ẩm ướt, thân xác mệt đến rã rời, tưởng chừng không thể chịu đựng thêm một giây nào nữa, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng cứ cố lên từng bước một, bạn sẽ thấy giới hạn của mình là không thể đo đếm được. Và cảm giác thật là “phiêu” khi lên đến đỉnh núi, òa ra trước mắt là một biển mây…”.

Các tay lái tham gia offroad thường trang bị đồ bảo hộ chu đáo
Các tay lái tham gia offroad thường trang bị đồ bảo hộ chu đáo

Cũng đam mê khám phá những nơi “thâm sơn cùng cốc” như trekking, nhưng những tay phượt offroad lại chủ yếu dùng xe may. Với chiếc xe địa hình và đồ bảo hộ đến tận răng, các phượt thủ sẽ khám phá những cung đường hiểm trở cách xa đường lớn, thường chỉ là đường mòn của người đi rừng hay đường lầy lội. Nhiều đoạn một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, còn ở giữa là con đường như sợi chỉ mỏng manh luồn dưới cỏ dại. “Còn những lần xe ngập trong bùn lầy, phải buộc dây thừng vào kéo xe qua thì nhiều không kể xiết. Mỗi chuyến đi vào vùng sâu như thế để lại những ấn tượng không thể nào quên về cảnh sắc, con người… Và khi trở về mình cũng có thêm sức mạnh để vượt qua những thử thách trong công việc và cuộc sống”, anh Vương Tuấn (ở phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền) tâm sự.

Phượt tình nguyện

Đây là khái niệm đã trở nên quen thuộc với các bạn trẻ trong giới phượt. Đó là hoạt động kết hợp giữa việc đi phượt với việc làm từ thiện. Trong hành trình khám phá các vùng đất mới, họ biết đến những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh ở những miền quê nghèo, vậy là họ lập nhóm để cùng giúp đỡ.

“Mỗi lần đi phượt bằng xe máy thì tụi mình chỉ mang được ít kẹo bánh, sách bút lên tặng quà cho các em nhỏ trên vùng cao. Nhưng nếu nơi nào nghèo khó quá hoặc gặp những hoàn cảnh cần giúp đỡ thì tụi mình trở về kêu gọi sự ủng hộ của mọi người xung quanh, lập nhóm thiện nguyện trên mạng xã hội để cùng chung tay góp sức, mang lại những điều có ích cho cộng đồng. Trước mỗi chuyến phượt tình nguyện, nhóm phải lên kế hoạch thật kỹ càng. Chúng mình thông tin, liên lạc qua group rồi hẹn họp offline để thống nhất. Mọi việc từ thu thập, chuẩn bị quà tặng, chuẩn bị đội hình, người và xe, lịch trình… đều phải sắp xếp chi tiết”, bạn Nguyệt Anh, ở phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng cho biết.

 

Trong cộng đồng phượt Hải Phòng, có rất nhiều bạn như Nguyệt Anh để nối dài yêu thương trên những cung đường, mang lại niềm vui cho những người kém may mắn.

Cũng chính vì phong trào phượt ngày càng phát triển rầm rộ nên đã xuất hiện nhiều dịch vụ ăn theo như buôn bán quần áo, dụng cụ, đồ dùng… dành riêng cho dân phượt hay mở các “tour phượt”. Những người đứng ra kinh doanh dịch vụ này đều là dân phượt nên rất am hiểu sở thích, tâm lý của khách hàng. Chủ một cửa hàng bán đồ phượt trên đường Trần Khánh Dư (quận Ngô Quyền) cho hay, anh nhập rất nhiều loại hàng, mẫu mã phù hợp với phong cách “bụi phủi” nhưng thoải mái, tiện dụng, từ áo giáp bảo hộ, quần áo đi mưa, dụng cụ đa năng đến túi ngủ, lều, giày leo núi…

Một dịch vụ khác mới nổi lên trong giới phượt Hải Phòng, đó là các tour phượt có sẵn lead (người dẫn) với chi phí rất phải chăng. Người dẫn đoàn là những phượt thủ dày dạn kinh nghiệm sẽ chịu trách nhiệm dẫn đường, tính toán cho mọi người ăn, nghỉ. Người tham gia sẽ vẫn được trải nghiệm như một phượt thủ chính hiệu mà không phải quá kham khổ trong hành trình.

Hân Minh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông