Nét đẹp mùa thi

16:08 07/07/2012

"Cháu cũng bồn chồn lo lắng nhưng không bằng bố mẹ cháu. Cả đêm trước hôm đi, bố mẹ cháu gần như chẳng ngủ tí nào, cứ trở dậy loanh quanh với quần áo, đồ dùng, lại gói ghém thức ăn nữa. Có nhiều câu mẹ cháu cứ hỏi đi hỏi lại, rằng đã mang thứ này thứ nọ chưa, vì đây là lần đầu tiên mẹ con cháu xuống Hải Phòng, cũng là lần đầu tiên đi xa nhà…". 
"Cháu cũng bồn chồn lo lắng nhưng không bằng bố mẹ cháu. Cả đêm trước hôm đi, bố mẹ cháu gần như chẳng ngủ tí nào, cứ trở dậy loanh quanh với quần áo, đồ dùng, lại gói ghém thức ăn nữa. Có nhiều câu mẹ cháu cứ hỏi đi hỏi lại, rằng đã mang thứ này thứ nọ chưa, vì đây là lần đầu tiên mẹ con cháu xuống Hải Phòng, cũng là lần đầu tiên đi xa nhà…". 

"Hãy tự tin, chúng tôi đi cùng bạn"

Nỗi lo của người xuống núi

Trên đây là tâm sự của em Nguyễn Thị Vân - tú tài của Trường THPT Lê Lợi (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, QN). Vân bảo đã đọc trên mạng, thấy các anh chị thanh niên tình nguyện Hải Phòng chuẩn bị đón tiếp các thí sinh về dự thi đại học chu đáo lắm rồi. Nhưng bà Thuận - mẹ Vân thì khác: "Cháu nó nhỏ dại, mà tôi cũng từ bé đến giờ có đi xa bao giờ đâu, không lo không được…". Nghĩ vậy nên hôm hai mẹ con lên đường, bà Thuận chuẩn bị từ nồi thịt gà kho, mắm muối mỳ chính, gạo…, có ít tiền mang theo lại chia thành mấy khoản khâu lận vào phía trong các quần áo, "Nghe nói đất Hải Phòng nghịch lắm, không cẩn thận bọn lưu manh nó móc hết tiền thì chết…", bà Thuận thật thà nói.

Xuống bến xe Lạc Long, bà Thuận lếch thếch tay xách nách mang, khi các tình nguyện viên vào đỡ hộ, bà nhất định không cho, cứ xoay bên này bên kia sợ kẻ nào đó đụng vào cô con gái bé bỏng. Vân và mấy cô bạn cùng đi tỏ ra bạo dạn, chủ động tách ra với các anh chị tình nguyện, lúc nhìn thấy tôi chìa tấm thẻ nhà báo, cô bé quay sang phía mẹ: "Cháu đã bảo mẹ cháu rồi nhưng mẹ cháu không nghe, lại còn bắt mang theo cả nồi cơm điện kia kìa…", cô bé cười bẽn lẽn chỉ vào chiếc bao đựng nồi cơm trên tay bà Thuận. Dường như chỉ đến khi chiếc xe 16 chỗ của Trường đại học Hàng hải, trên treo tấm biển "miễn phí đón sỹ tử đi thi" chạy tới, bà Thuận mới thấy yên tâm, nghe theo hướng dẫn của các bóng áo xanh tình nguyện về nhà trọ.

Những bóng xanh thiên sứ

Một cán bộ đoàn cho biết: "Mùa hè tình nguyện năm nay là một mùa đặc biệt, điểm nhấn là tiếp sức mùa thi, vì là lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức cụm thi đại học…". Ngay từ khi phát động chiến dịch, Thành đoàn đã tổ chức được 76 đội thanh niên tình nguyện túc trực tại các bến xe, nhà ga, bến tàu, các điểm giao thông quan trọng, địa điểm tổ chức thi... Công việc của các tình nguyện viên là tư vấn, cung cấp các vật dụng hỗ trợ như bản đồ, hướng dẫn địa điểm thi, tham gia phân luồng giao thông, tìm giúp nhà trọ… Với thông điệp "Hãy tự tin, chúng tôi đi cùng bạn", riêng Trường đại học dân lập Hải Phòng có số lượng sinh viên tình nguyện đông đảo nhất từ trước đến nay, với 160 bạn được tuyển chọn từ danh sách đăng ký, tổ chức 7 đội, trong đó 1 đội  tham gia ở cấp thành phố.



Sinh viên tình nguyện Trường đại học Hàng hải

Nhiều trường đại học ở Hải Phòng, tùy theo khả năng đã hỗ trợ chỗ trọ miễn phí cho thí sinh ở xa, cụ thể như Đại học hàng hải có khoảng 2.500 chỗ, Đại học Hải Phòng khoảng 1.500 chỗ, Đại học dân lập khoảng 1.000 chỗ, Đại học Y 400 chỗ… Nhưng vì số người đông nên trước đó các đội tình nguyện đã khảo sát, tìm được gần 7.000 điểm trọ ổn định để hướng dẫn, rất nhiều trường và có cả những doanh nghiệp điều ô tô, đưa đón miễn phí các sỹ tử từ bến xe về các nhà trọ, đến các điểm thi. Nhiều thí sinh có điều kiện hơn muốn thuê khách sạn, cũng đều được chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Trần Thanh Tùng - sinh viên năm thứ hai Trường đại học Hàng hải vui vẻ chia sẻ: "Mấy năm trước cháu cũng như các bạn, nên năm nay cháu quyết định xin bằng được vào đội tình nguyện…".

Thức dậy tình tương ái

Bộ 3 nữ sinh năm thứ ba cũng của Trường đại học Hàng hải là Dung - Nga - Huyền, một ở Hải Dương còn lại ở Thái Bình, được nghỉ hè nhưng chỉ về quê có một tuần, rồi vội vàng quay lại nhà trọ ở ngõ Nam Pháp I (Ngô Quyền). Dung hớn hở: "Chúng cháu phải lên sớm để đăng ký tình nguyện, may mà cả ba đứa cháu đều được tuyển, làm tình nguyện vui lắm chú ơi!". Nhà trọ của 3 bạn vốn là một căn hộ cũ, trước kỳ thi các bạn "gạ" chủ nhà xin "khai thác" hết công suất để bố trí cho các thí sinh cơ nhỡ.

Bà Loan - chủ nhà bảo: "Được rồi, tao chỉ lấy tiền điện nước!". Thế là 3 bạn dẫn "khách" là hai mẹ con bà Hường từ xã Tân Dương (Hoành Bồ, QN) về ở liền mấy ngày. Đến hết kỳ thi, các bạn dẫn mẹ con bà Hường lên chào bà Loan và thanh toán, bà Loan cười: "Nói thế thôi chứ lấy tiền làm gì, bao giờ trúng tuyển quay lại đây ở, bác lấy tiền sau cũng được". Không những thế, bà Loan còn giữ khách lại chiêu đãi một bữa bún chả no nê mới cho về. Trò chuyện với tác giả, bà Loan thú thực: "Ban đầu cũng lấy thêm mỗi suất trọ 30.000 đồng/ngày, nhưng thấy mấy đứa kia nó vô tư nhiệt tình, tôi cũng không nỡ".



Nhóm thanh niên tình nguyện tại điểm thi Trường THCS Hồng Bàng

Theo số liệu thống kê, tổng số thí sinh đăng ký các đợt thi ở cụm Hải Phòng khoảng 37.000 lượt, được bố trí tại 41 địa điểm thi. Riêng đợt đầu đông nhất là 26.679 thí sinh, nếu tính bình quân mỗi thí sinh có một người đi kèm thì số "đi thi" đã xấp xỉ 54.000 người. Có những thí sinh còn được cả nhà đi tháp tùng, như gia đình ông Nguyễn Văn Phượng ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long, QN), ông tâm sự: "Tôi cũng lo nên phải nhờ người nhà ở Hải Phòng đặt trước phòng nghỉ tại nhà khách thành phố. Vợ chồng tôi và cả chị gái cháu cũng đi để động viên".

Ông Phượng cho biết, trước khi thi muốn cho cháu đi chơi vài chỗ để thoải mái tinh thần, ra bến Bính định gọi taxi thì có mấy chủ xe "dù" chạy đến. Ban đầu ông Phượng ngại định nhờ gọi xe đúng hãng, nhưng chủ xe nào cũng cam kết chỉ lấy 10.000 đồng/km, cứ soi công-tơ-mét mà tính tiền. Đi thử, quả nhiên là rẻ hơn vì giá taxi là 12.000 đồng/km, ông Phượng gật gù: "Mà thức ăn cái gì cũng rẻ, tôi cũng không ngờ người Hải Phòng dễ chịu thế".

Còn ông Trung - lái xe ôm ở bến Lạc Long thì bộc bạch: "Mọi ngày chúng tôi cứ quen với cảnh tranh giành xô bồ, mấy hôm nay chứng kiến cảnh các cháu tình nguyện nhiệt tình làm chúng tôi cũng cảm động, thỏa thuận với nhau nếu là thí sinh và phụ huynh thuê thì chỉ lấy 2.000 đồng/km, chứ bình thường rẻ nhất cũng phải 6.000 đồng/km chúng tôi mới chở...". Người mình là thế, thường ngày đôi khi sự gian giảo tham lam len lỏi, tạo thành những hình ảnh xấu ngoài xã hội, nhưng trong sâu thẳm thì lương tri nhân văn vẫn lắng đọng, khi được thức tỉnh sẽ trỗi dậy, đằm thắm tỏa hương ngào ngạt, làm lên nét đẹp cộng đồng.
Kết bài, chỉ hy vọng các em - thế hệ kế tiếp cảm nhận được điều này, "vì mọi người và mọi người vì mình", để chiếc áo cho tương lai đất nước được trắng hơn, đẹp hơn, rực rõ thanh tao hơn trong con mắt của bạn bè thập phương.


Gia Lê


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông