Nga kêu gọi NATO nghiên cứu kỹ đề xuất của Tổng thống Putin về INF

16:43 30/10/2020

Hiệp ước INF cấm Moskva và Washington sở hữu tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên đất liền có tầm bắn từ 500km đến 5.500km.

Ngày 28/10, Nga kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nghiên cứu kỹ đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin giúp tháo gỡ căng thẳng xung quanh việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như đề xuất về việc kiểm tra chéo các địa điểm được cho là nguyên nhân khiến các bên quan ngại.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ nước này đang thúc giục (các bên) ít nhất hãy bắt đầu với việc nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng sáng kiến của Moskva.

Nga sẵn sàng phối hợp mang tính xây dựng nhằm giảm thiểu hậu quả tiêu cực do Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) sụp đổ, trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, tránh những mâu thuẫn vô hình về an ninh, cũng như tôn trọng sự cân bằng lợi ích giữa các bên.

Moskva mong các thành viên NATO, đặc biệt là Đức thể hiện trách nhiệm. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Tổng thống Putin cũng đưa ra các biện pháp thiết thực giúp loại bỏ mối quan ngại của cả Nga và các nước NATO.

Trước đó, Tổng thống Putin ngày 26/10 tuyên bố rằng Moskva sẵn sàng không triển khai tên lửa 9M729 tại khu vực châu Âu của Nga, song chỉ với điều kiện NATO cũng phải thực hiện các bước đi "có đi có lại." Tuy nhiên, phía Đức cho rằng không có gì mới trong đề xuất của Tổng thống Putin, trong khi Anh đổ lỗi cho Nga làm đổ vỡ INF.

Hiệp ước INF cấm Moskva và Washington sở hữu tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên đất liền có tầm bắn từ 500km đến 5.500km.

Hiệp ước này được ký kết vào năm 1987 và chấm dứt vào tháng 8/2019. Vào tháng 9/2019, Tổng thống Putin đã đề xuất với các lãnh đạo của một số quốc gia, bao gồm quốc gia thành viên NATO, về việc thiết lập một lệnh tạm hoãn triển khai các tên lửa nêu trong hiệp ước ở khu vực châu Âu và các khu vực khác nhưng Mỹ đã bác bỏ sáng kiến này.

Trong diễn biến liên quan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien ngày 28/10 cho biết Nga và Mỹ sẽ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược mới (New START) nếu hai bên cuối cùng có thể đi đến đồng thuận về phương án này.

Ông Robert O'Brien cho biết phía Mỹ đã đề nghị thay mới hoặc gia hạn New START thêm một năm, đồng thời cả hai bên (Mỹ và Nga) sẽ khống chế sản lượng vũ khí trong khoảng thời gian 1 năm này.

Trong thời gian đó, Mỹ cũng cân nhắc khả năng đàm phán một thỏa thuận kiểm soát vũ khí dài hạn mới với Nga. Quan chức Mỹ cho rằng 2 bên sẽ cần làm việc để xác định khung thời gian một năm gia hạn./.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông