Ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập qua vận tải đường bộ: Kỳ 1 - Doanh nghiệp chung tay vào cuộc…

10:15 16/04/2020

Tại cuộc họp bàn biện pháp kiểm soát y tế đối với người và phương tiện ô tô vận tải hàng hóa trên địa bàn vào ngày 8-4-2020 vừa qua, đại diện Sở Y tế Hải Phòng khẳng định, dịch Covid-19 diễn biến sang giai đoạn vô cùng phức tạp. Mặc dù người hành nghề lái, phụ xe ô tô vận tải hàng hóa đường bộ chưa được xác định nghi nhiễm dịch thì không thuộc diện cách ly xã hội (14 ngày) song do đặc thù, phần lớn người trên các phương tiện này đi qua nhiều địa bàn cả nước, tiếp xúc nhiều với cộng đồng nên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm dịch, truyền dịch cao, cần phải thực hiện việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc xã hội, nhất là với những người đã đi qua vùng dịch.

Chính vì vậy, một giải pháp vô cùng cần thiết đối với những người lái, phụ xe ra vào thành phố Hải Phòng là hạn chế đi lại, giao tiếp trong lúc dừng xe chờ lấy, trả hàng cũng như trong những ngày nghỉ hết ca và phải được kiểm soát y tế (đo thân nhiệt) 2 lần/ngày. 

Xuất phát từ thực tiễn trên và để siết chặt công tác quản lý, ngoài việc làm tốt công tác kiểm soát y tế tại các chốt kiểm dịch đặt tại các đầu mối giao thông đối ngoại với các tỉnh, thành lân cận, UBND thành phố những ngày qua đã thành lập nhiều tổ công tác, phân công các Phó Chủ tịch phụ trách đi kiểm tra, đôn đốc, động viên phòng chống dịch tại các địa phương quận, huyện và các chốt kiểm soát y tế, đặc biệt tại các doanh nghiệp vận tải, sân bay, nhà ga, bến xe khách, bến tàu.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là kiểm soát dịch gắn với lưu thông hàng hóa thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, động viên doanh nghiệp, người lái, phụ xe, gia đình người thân của họ ủng hộ nhiệm vụ này.

Theo đó, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực; Nguyễn Đình Chuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp đi kiểm tra đột xuất phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nhiều doanh nghiệp vận tải, đơn vị quản lý kho tàng, bến, cảng, xí nghiệp giao nhận hàng hóa đồng thời chủ trì nhiều cuộc họp bàn tìm biện pháp quản lý y tế đối với đội ngũ lái, phụ xe trên toàn địa bàn. Ngành GTVT cũng đã có những hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện công tác kiểm soát y tế cho người lao động tại đơn vị vận tải và chủ phương tiện là hộ gia đình kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, do đặc thù Hải Phòng là thành phố cảng biển, cửa ngõ quốc tế của cả nước, hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe ô tô đa dạng, với số lượng rất lớn, dẫn tới công tác kiểm soát y tế lĩnh vực ngành gặp nhiều khó khăn, Cụ thể, theo Phòng CSGT đường bộ - Đường sắt (PC08), toàn thành phố hiện có 79.015 chiếc xe ô tô tải vận tải các loại là tài sản của gần 5.000 doanh nghiệp và chủ phương tiện kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ.

Lực lượng CSGT kiểm tra xe đầu kéo công ten nơ ở các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19

Trong số này có 17.500 xe đầu kéo sơ mi, sơ mi rơ-moóc (xe đầu kéo công ten nơ), đứng thứ 2 trên cả nước (chỉ sau TP Hồ Chí Minh). Số còn lại (hơn 64.000 chiếc) là loại xe có tải trọng nhỏ hơn là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chủ hộ gia đình kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ, vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị công trình, vật liệu xây dựng…

Theo các doanh nghiệp trên, do tác động của dịch bệnh Covid -19, hiệu suất khai thác ô tô vận tải hàng hiện đạt tỷ lệ khoảng 55% tổng số phương tiện. Nghĩa là, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 40.000 - 43.500 xe ô tô tải hoạt động, tương ứng sẽ có từ 40.000- 44.000 lái và phụ xe vận hành. Đặc thù xe đầu kéo công ten nơ trải dài khắp cả nước, còn loại xe tải nhỏ len lỏi vào khắp khu dân cư, cộng đồng, bến, cảng… nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh, dịch bệnh rất cao nếu như lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Do vậy, muốn phòng ngừa dịch xâm nhập, thành phố đương nhiên phải đồng thời triển khai nhiều giải pháp kiểm soát y tế đối với đội ngũ lái, phụ xe ô tô tải và điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế để vừa phòng chống dịch vừa chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp vận tải duy trì, phát triển bình thường. Ví dụ, Văn bản số 2617/UBND-GT ngày 11-4-2020, chỉ đạo tạm dừng việc cấp phép, kiểm tra giấy phép ra vào thành phố đối với người lái, phụ xe vận tải hàng hóa.

Hiện, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của thành phố trong việc kiểm soát y tế với đội ngũ hành nghề vận tải hàng hóa là đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp và chủ phương tiện vận tải. Thành phố khuyến khích việc tự tổ chức ăn ở tập trung, kiểm tra y tế cho người lao động tại đơn vị trong thời gian hết ca, chờ lệnh bốc hàng, ngày nghỉ, thực hiện giãn cách xã hội. Trường hợp không tự tổ chức được, cần đăng ký để thành phố quyết định, hỗ trợ.

Kiểm tra thân nhiệt của lái, phụ xe

Đối với các sở, ngành thành phố và chính quyền địa phương, UBND thành phố yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý hành chính, kiểm tra hiện trạng doanh nghiệp vận tải thực hiện khai báo tình trạng sử dụng lao động (số lượng, bằng cấp chuyên môn, đăng ký nhân khẩu); khâu quản lý người lao động, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại doanh nghiệp theo Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo An ninh Hải Phòng, đến nay phần lớn doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiên đã nhận thức rõ trách nhiệm doanh nghiệp. Đơn cử, Công ty TNHH Vận tải và XNK Tùng Anh (quận Hải An)  đang quản lý, khai thác kinh doanh 50 xe đầu kéo công ten nơ. Để vận hành, đơn vị trưng dụng 110 lái xe và 90 phụ xe. Đội ngũ này chủ yếu là người ngoại tỉnh (Hải Dương, Thái Bình, Nam Định) được ký hợp đồng lao động dài hạn.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Sở GTVT Hải Phòng về phòng chống dịch, đơn vị đã quán triệt, yêu cầu lái xe cam kết chấp hành các quy định tại doanh nghiệp, trong quá trình làm việc và khi về gia đình, địa phương. Đơn vị cũng đã tổ chức cho lái, phụ xe ăn ở tập trung (bố trí nhà ở đối với lao động tỉnh ngoài trong ngày nghỉ; cho phép nghỉ ngay tại cabin xe trong khi chờ đợi bốc, trả hàng); hỗ trợ ăn uống, sinh hoạt 100.000đồng/người/ngày.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đình Chuyến trực tiếp đi kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, hầu hết doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn, hiệu suất khai thác phương tiện chỉ đạt từ 35-40%, thu nhập người lao động sụt giảm. Bản thân chủ doanh nghiệp, lái, phụ xe và gia đình của họ cũng nhận thấy mối nguy hiểm lây nhiễm bệnh dịch trong khi làm việc ở tỉnh ngoài. Bởi vậy, chủ trương thành phố hỗ trợ tổ chức cư trú tập trung có thời hạn cho lái, phụ xe ô tô tải hiện tại là hết sức cần thiết.

Ông Đặng Thế Phương, Đại diện Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thành phố, Sở GTVT, Công an thành phố đã có những chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, thiết thực với tình hình thực tế ở các doanh nghiệp có loại hình vận tải hàng hóa đường bộ.

Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố cũng đã có những quyết sách mạnh mẽ, linh hoạt trong công tác kiểm soát y tế đối với đội ngũ lái, phụ xe ô tô tải vận chuyển hàng hóa. Cũng từ đó doanh nghiệp vận tải và đội ngũ lái, phụ xe đều đồng lòng thực hiện nghiêm túc vì mục tiêu bảo đảm an toàn cho cộng đồng gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

(còn nữa)

Đoàn Lanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông