Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: Quảng Ninh lập hàng loạt “chốt” kiểm dịch

09:36 08/03/2019

Tính đến nay, cả nước có 8 tỉnh, thành phố xuất hiện ổ dịch, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng và Hải Dương. Đáng chú ý, 2 tỉnh giáp với Quảng Ninh là Hải Phòng và Hải Dương xuất hiện ổ dịch bệnh này. Riêng Quảng Ninh còn có tuyến biên giới trải dài hơn 118km giáp với Trung Quốc, quốc gia xuất hiện dịch tả lợn châu Phi từ sớm.

Quảng Ninh chốt kiểm dịch tại tất cả các cửa ngõ ra vào tỉnh

Quảng Ninh có hệ thống giao thông đa dạng, phát triển nhanh trong thời gian gần đây như các tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Quốc lộ 18, Quốc lộ 279 và tuyến biên giới giáp với Trung Quốc là điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm từ lợn, từ đó, tiềm ẩn nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh từ các địa phương khác. 

Theo thống kê, Quảng Ninh có 340 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô trên 50 con/cơ sở với tổng đàn lợn hơn 43 vạn con, 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và 865 điểm giết mổ lẻ khác. Sản lượng thịt lợn toàn tỉnh đáp ứng mới được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, còn lại nhập từ ngoài tỉnh. Hoạt động giao thương sản phẩm từ lợn là một trong những nguy cơ tiềm ẩn nguồn lây lan dịch bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đang tăng cường lực lượng, biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bởi lẽ, trong số 8 tỉnh, thành phố xảy ra dịch thì có 2 địa phương giáp ranh là Hải Phòng, Hải Dương, nên nguy cơ lây nhiễm vào nội tỉnh là rất cao.

Tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng lập 9 chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi hoạt động 24/24h, bao gồm: Cầu Đá Bạc (TP Uông Bí) kiểm soát quốc lộ 10A; cầu Vàng (TX Đông Triều) kiểm soát tuyến quốc lộ 18A; cầu Đá Vách (TX Đông Triều) kiểm soát tuyến tỉnh lộ 188; xã Tân Dân (huyện Hoành Bồ) kiểm soát quốc lộ 279; trạm thu phí cầu Bạch Đằng kiểm soát trên tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; riêng Đông Triều đã thành lập thêm 4 chốt kiểm soát tại các tuyến đường vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn thị xã, gồm: bến đò Đông Mai thuộc xã Nguyễn Huệ; bến phà Triều trên tỉnh lộ 332 thuộc xã Hồng Phong; bến phà Đụn trên tỉnh lộ 333 thuộc xã Yên Đức; ngã ba thôn Thành Long, Lục Dong, Tân Tiến trên tỉnh lộ 345 thuộc xã An Sinh.

Tại những chốt đã lập, lực lượng liên ngành phối hợp kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ. Các xe chở lợn khi đi qua đều được kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, giấy kiểm dịch, dấu niêm phong, phun thuốc khử trùng tiêu độc.

Với Quảng Ninh, nguồn lây dịch tả lợn châu Phi không chỉ ở các tỉnh nội địa, mà còn có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới. Chính vì vậy, các địa phương như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái cũng đã “cảnh giác”, triển khai các biện pháp đồng bộ, cấp bách ngăn chặn dịch ngay từ biên giới.

Trong đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; kiểm soát đối với người, phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam…, bám sát cơ sở, địa bàn sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra.

Ngày 22-2, UBND tỉnh ban hành công điện khẩn số 04/CĐ-UBND chỉ đạo triển khai đồng bộ giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tiếp đến ngày 26-2, tỉnh ra quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn và tổ chức họp khẩn cấp triển khai phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Quảng Ninh yêu cầu các địa phương quyết liệt giải pháp để bệnh dịch tả lợn châu Phi không xâm nhiễm vào tỉnh, chủ động xây dựng phương án chuẩn bị đầy đủ kinh phí, nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó.

Các địa phương khu vực biên giới giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, kiểm soát đối với người, phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có dịch bệnh lợn tả châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam. Người dân được tuyên truyền không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Hộ chăn nuôi và kinh doanh lợn tuân thủ nghiêm ngặt quy định “5 không”: không giấu dịch, không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết, không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý.

NHẬT LAM

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông