09:51 18/12/2020 Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 500 tỷ sản phẩm nhựa như túi ni lông, chai, đồ hộp… được tiêu thụ trên thế giới, khối lượng trên đủ để trải quanh trái đất bốn lần, đồng thời dự báo đến năm 2050 rác thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn cá. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày chúng ta thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác nhựa và đang xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì hậu quả của “ô nhiễm trắng” sẽ là thảm hoạ của nhân loại và các loài động thực vật trên trái đất.
Rác thải nhựa có ở khắp mọi nơi
Kỳ 1: Thảm hoạ từ sự… tiện lợi
Phải thẳng thắn nhìn nhận, các sản phẩm nhựa như chai, cốc, xô, chậu, hộp, túi ni lông… rất tiện lợi, dễ sử dụng. Lâu nay thay vì xách làn đi chợ thì các bà, các chị chỉ cần đi tay không cũng có hàng hoá, thực phẩm mang về. Không cần phải mua đến con cá, cân thịt mà kể cả quả chanh, quả ớt, người bán hàng cũng sẽ đựng trong vài chiếc túi ni lông. Rồi không chỉ đựng hàng hoá, thực phẩm nguội mà ngay cả đồ chế biến nóng hôi hổi cho trẻ nhỏ như cháo dinh dưỡng cũng…trong cốc, túi ni lông. Giá thành túi ni lông cũng khá rẻ, chỉ từ 20-40.000 đồng/kg, tuỳ từng chất liệu, cỡ to-nhỏ. Cũng qua khảo sát, trung bình mỗi gia đình Việt Nam sử dụng từ 5-7 túi ni lông/ngày và lượng túi ni lông thải ra môi trường cũng ngày càng tăng.
Theo nghiên cứu, các sản phẩm nhựa, trong đó phần lớn là túi ni lông làm từ chất liệu polyme, phải mất hàng trăm năm mới có thể phân huỷ hết. Các chuyên gia môi trường cũng cho biết: Rác thải nhựa mà chủ yếu là túi ni lông gây tác hại ngay từ khâu sản xuất, bởi phải sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ, khí đốt và các chất phụ gia như chất hoá dẻo, kim loại nặng, phẩm màu, đây cũng là những chất cực kỳ có hại cho sức khoẻ của con người. Từ quá trình sản xuất ra túi ni lông sẽ tạo ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính, thúc đẩy biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mặt khác, do đặc tính bền, khó phân hủy, rác thải nhựa ngày càng lan tràn, gây ra thảm hoạ “ô nhiễm trắng”, ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.
Từ sự tiện lợi dẫn đến khối lượng rác thải nhựa ngày càng tăng
Thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân huỷ trong sinh hoạt đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tại Kế hoạch số 9273/KH-UBND ngày 27-11-2014 đã chỉ rõ: Ni lông là một trong những polyme phổ biến nhất được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đây là loại vật liệu không thấm nước, bền vững trong tự nhiên và cũng chính đặc tính khó phân huỷ này khiến cho túi ni lông trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với môi trường. Sự tồn tại của túi ni lông trong môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, nước bởi túi ni lông vùi trong đất sẽ cản ô xy đi qua đất, gây xói mòn, làm cho đất không giữ được nước, chất dinh dưỡng. Đất bạc màu, không tơi xốp, kém dinh dưỡng sẽ khiến cho cây trồng chậm tăng trưởng, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ con người.
Còn khi xử lý rác thải là túi ni lông bằng phương pháp đốt thì sẽ phát thải khí có chất độc đioxin và fura gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá, gây dị tật tại trẻ nhỏ và là mầm mống của bệnh ung thu. Đối với những loại túi ni lông có sử dụng phụ gia lưu huỳnh, dầu hoả nguyên chất thì khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi và hệ hô hấp của con người.
Chưa hết, túi ni lông kẹt sâu trong cống rãnh, kênh mương, ao hồ còn gây ứ đọng nước thải, ngập úng, tạo thành các ổ vi khuẩn gây bệnh, nhất là về đường tiêu hoá.
Đáng sợ hơn, cũng theo các chuyên gia môi trường, chất thải nhựa do con người xả thải và phải mất hàng trăm năm mới có thể bị phân huỷ. Các hạt vi nhựa thâm nhập vào các nguồn thực phẩm và cuối cùng là nằm trên bàn ăn của… con người.
Chất thải nhựa trong xác một con chim biển
Tại một cuộc hội thảo về chống rác thải nhựa do Viện chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản tổ chức tại thành phố Hải Phòng, ông Vũ Trường Sơn-Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam cho rằng: Tại các điểm du lịch biển, trong đó có thành phố Hải Phòng, ngoài phần rác thải trên đất liền thì còn một phần không nhỏ chìm dưới biển mà các bạn khó nhìn thấy. Tuy nhiên, kết quả các nhà khoa học đã khảo sát, nghiên cứu thì phần rác thải, nhất là rác thải nhựa đó đã tác động xấu đến hệ sinh thái biển như các rạn san hô, sinh vật biển, các loại giáp xác… Nghiêm trọng hơn là từ loài cá nhỏ đến loại cá lớn thì sau khi tiến hành đánh bắt, phân tích, các nhà khoa học đã tìm thấy thành phần vi nhựa trong các loài trên và trong tương lai gần sẽ có nghiên cứu chính thức về những thành phần vi nhựa trong các loài thuỷ hải sản hiện là thực phẩm thường ngày của chúng ta, những tác hại đối với sức khoẻ, tuổi thọ…
Từ kinh nghiệm của đất nước mặt trời mọc, ông Kohei Hibino-Quản lý chương trình Viện chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản chia sẻ: Giải pháp tốt nhất cho Việt Nam và thành phố biển Hải Phòng, đó là thực hiện đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ, ngành, địa phương tới mỗi người dân, khách du lịch, bắt đầu từ những việc làm đơn giản, dễ dàng nhất là: Hạn chế sử dụng, tái sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni lông.
Cũng từ lâu, các nhà nghiên cứu về môi trường gọi ô nhiễm từ chất thải túi ni lông là “ô nhiễm trắng” và để hạn chế nguy cơ này, mỗi người dân, tổ chức, đến các quốc gia phải đồng lòng, quyết tâm vào cuộc ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi trước khi quá muộn!
(Còn nữa)
Kim Oanh