Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Phòng: Tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hộ vay vốn bị thiệt hại do dịch Covid-19

17:28 08/06/2020

Những thiệt hại nặng nề do dịch Covid – 19

Hơn một tháng qua, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Đại Phát Nguyễn Bá Lợi như ngồi trên đống lửa vì 7 mẫu ớt và 8 mẫu chuối đành phải bỏ mặc do không còn “lực” để chăm bón. Lý do là khi nông sản đến kỳ thu hoạch lại “tắc” đầu ra.

Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Đại Phát Nguyễn Bá Lợi xót xa khi 7 mẫu ớt buộc phải buông bỏ do không tiêu thụ được sản phẩm

Giữa cái nắng nóng chói chang của trưa hè tháng Sáu, dẫn chúng tôi ra cánh đồng ớt bắt đầu xuống mã vì không được chăm bón thường xuyên, ông Lợi xót xa cho biết: Năm 2019, ớt trái có giá trung bình khi rời vườn là 55.000 đồng/kg. Thời điểm cuối năm, giá ớt tăng vọt, lên 70.000 – 80.000 đồng rồi kỷ lục là 90.000 đồng/kg. Bước sang đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nông sản đến kỳ thu hoạch mà giao thương đình trệ, các thương lái đánh bài khất lần khiến giá ớt lao dốc thảm hại. Hiện mỗi kg ớt tươi chỉ còn 5.000 đồng/kg, vừa đúng bằng tiền thuê nhân công hái cho 1kg. Mấy tháng nay sản phẩm không tiêu thụ được nên đơn vị không cố được, đành buông bỏ cả 7 mẫu ớt không chăm bón nữa. Nhìn ớt chín đỏ đồng rồi từ từ khô héo trên cây thấy xót quá, chúng tôi đành tháo khoán, để bà con ai có nhu cầu ra đồng vặt mang về dùng hoặc làm ớt bột vậy.

Không chỉ có 7 mẫu ớt, Hợp tác xã chăn nuôi Đại Phát còn có 8 mẫu chuối cũng trong tình trạng không có nguồn tiêu thụ. Giám đốc HTX chăn nuôi Đại Phát Nguyễn Bá Lợi cho biết thêm: Hiện giá chuối hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg xuất vườn nên không cách nào bù được chi phí cây giống, phân bón đã bỏ ra…

Ớt chín rồi tự héo khô trên đồng 

 Được biết, để đầu tư cho 7 mẫu ớt và 8 mẫu chuối, Hợp tác xã chăn nuôi Đại Phát đã phải đầu tư số tiền không nhỏ với hơn 800 triệu đồng từ tiền vay ngân hàng. Theo dự tính, ớt được trồng bắt đầu từ tháng 10-2019, sau 4 tháng sẽ cho ra lứa thu hoạch đầu tiên thì xảy ra dịch Covid – 19. Cấm biên, thương lái không tiêu thụ được sản phẩm dù khi bắt tay vào sản xuất hai bên đã từng cam kết. Chung số phận hẩm hiu của 7 mẫu ớt là 8 mẫu chuối, hiện Hợp tác xã chăn nuôi Đại Phát đang cố xoay chuyển tình thế bằng cách chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi. Thay đổi ớt bằng các giống dưa lê, dưa hấu; 8 mẫu chuối chuyển thành ao để thả cá… Để có thể duy trì được hoạt động, hơn bao giờ hết Hợp tác xã chăn nuôi Đại Phát cần được giãn hoãn các khoản nợ và thêm nguồn vốn để tiếp sức sản xuất kinh doanh...

Cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid là Xưởng may gia công mũi giày Thiên Thành (thôn Ly Câu, xã Tân Viên) với 80 nhân công là người địa phương. Trong tiếng máy may chạy lạch xạch, bà chủ Nguyễn Thị Sen thở dài cho biết: Không ngờ dịch Covid – 19 lại ảnh hưởng đến sản xuất như vậy. Trước đây sản phẩm sản xuất ra đều được bao tiêu và xuất sang châu Âu. Chúng tôi không bao giờ phải lo nghĩ chuyện đầu ra đầu vào, 80 lao động cứ đều đều với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Xưởng may gia công mũi giày Thiên Thành mới hoạt động trở lại sau một thời gian tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid – 19

Thế rồi dịch Covid – 19 bùng phát trên toàn thế giới, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy hoặc có xuất nhưng đối tác chưa thanh toán nên không có tiền trả lương công nhân. Xưởng đã phải dừng hoạt động gần 3 tháng, hiện giờ mới túc tắc làm trở lại nhưng vẫn còn nợ lương công nhân 2 tháng. Trước đây công việc đều đặn chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc phải vay ngân hàng, nhưng hiện doanh nghiệp rất có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng chính sách để trả lương công nhân nhằm giữ lực lượng lao động…

Cũng trong tình cảnh khó khăn là hộ anh Nguyễn Ngọc Hòa, ở xã Tân Viên. Gia đình anh có tổng diện tích hơn 1ha gồm trang trại, ao cá và vườn cây. Gần 20 năm qua, gia đình anh nhận nuôi gia công cho Công ty chăn nuôi gia cầm chuyên cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp và thị trường khu vực với hơn 1 vạn con gà. Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nhiều công ty tạm dừng sản xuất, bếp ăn không hoạt động do công nhân ít đi làm, hơn 1 vạn con gà đã quá lứa mặc dù đã hạ giá mà chưa xuất bán được. Khoản vay trước đây gia đình anh Hòa trả lãi, gửi tiết kiệm hàng tháng đều đặn, nhưng hiện nay khó khăn nên gia đình mong được Ngân hàng giảm lãi và gia hạn nợ, sau khi tình hình ổn định sẽ tiếp tục trả nợ. 

Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ

Theo ông Phạm Văn Vin - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện An Lão, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác vốn vay và UBND cấp xã rà soát các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tùy vào tình hình thực tế, NHCSXH huyện hướng dẫn áp dụng các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung, khoanh nợ… theo văn bản hiện hành. Trong tháng 4, đơn vị đã gia hạn nợ 1,271 tỷ đồng cho 120 hộ.

Trại gà hộ anh Nguyễn Ngọc Hòa cũng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid -19 

Tại cuộc cuộc làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hải Phòng hồi tháng 5 vừa qua, Giám đốc NHCSXH chi nhánh thành phố Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, NHCSXH Việt Nam; của Thành ủy, UBND TP, Chi nhánh NHCSXH TP chi nhánh Hải Phòng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội các cấp tiến hành rà soát nắm bắt tình hình hộ vay vốn tín dụng chính sách bị ảnh hưởng do dịch bệnh và triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

 Cụ thể, đơn vị đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ với tổng số 1.351 hộ với số tiền 23,150 tỷ đồng. Đồng thời xem xét cho vay bổ sung đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách và một số cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ để khôi phục sản xuất kinh doanh với số tiền là 255 tỷ đồng với gần 7.200 khách hàng.

Cán bộ NHCSXH Hải Phòng đi thực tế để kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế các hộ dân vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19

Qua rà soát nắm bắt tình hình thực tế cho thấy, nhóm ngành nghề vay vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngành chăn nuôi, buôn bán nhỏ và kinh doanh dịch vụ y tế, vận tải với tổng số dư nợ là 803 tỷ đồng với 32.534 hộ, chiếm 27% tổng dư nợ cho vay. Trong đó có 1.109 khách hàng vay vốn từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với dư nợ vay là 45 tỷ đồng.

Trong tổng số 1.109 khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid 19 thì có khoảng 800 khách hàng có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh. Dự kiến với mức cho vay bổ sung bình quân khoảng 50 triệu đồng một khách hàng. Như vậy nhu cầu vốn vay cần bổ sung là 40 tỷ đồng. Trong đó nhu cầu vay vốn bổ sung lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi khoảng 25 tỷ đồng, thu hút khoảng 500 lao động; lĩnh vực dịch vụ khoảng 5 tỷ đồng, thu hút khoảng 100.000 lao động; lĩnh vực kinh doanh, buôn bán nhỏ khoảng 5 tỷ đồng, thu hút khoảng 100 lao động và lĩnh vực khác là 5 tỷ đồng, thu hút khoảng 100 lao động…

BH

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích