Ngành GD-ĐT Hải Phòng sẵn sàng các biện pháp ứng phó Covid-19

    09:41 19/02/2021

    Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trong cộng đồng, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hải Phòng nghiêm túc triển khai “mục tiêu kép” - vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tăng cường phòng chống dịch để đảm bảo mục tiêu giáo dục khoảng nửa triệu học sinh trong một năm học kế tiếp có Covid-19. Phóng viên An ninh Hải Phòng đã trao đổi nhanh với NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT về nội dung này.

    NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng trả lời phỏng vấn

    PV: Dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trở lại trong cộng đồng và tiếp tục có diễn biến phức tạp những ngày gần đây. Xin đồng chí cho biết, ngành GD-ĐT đã thực hiện những biện pháp gì để phòng chống dịch bệnh xâm nhập học đường?

    NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trong cộng đồng và tiếp tục có diễn biến phức tạp những ngày gần đây, nhằm thực hiện phương châm không để dịch bệnh Covid-19 thâm nhập học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành các văn bản gửi tới các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị, trường học:

    Thứ nhất, thông qua hệ thống điều hành EnetViet (tích hợp trên CSDL ngành giáo dục thành phố)  truyền thông sâu, rộng tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc phụ huynh học sinh và các em học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố và Sở GD-ĐT. Tăng cường công tác khử khuẩn vệ sinh trường, lớp, tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng theo quy định; đặc biệt, hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu không thực sự cần thiết; thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

    Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, dạy và học; thực hiện nghiêm việc cài đặt, triển khai ứng dụng (App) “An toàn COVID” theo yêu cầu tại Công văn số 3235/SGDĐT-VP ngày 30-11-2020 về việc hướng dẫn cài đặt, sử dụng hệ thống hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19  và thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.

    Thứ ba, rà soát thông tin cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh một cách đầy đủ, kịp thời chính xác về các trường hợp, các đối tượng có liên quan đến tình hình dịch Covid-19. Báo cáo ngay với cơ quan y tế ở địa phương và thực hiện theo hướng dẫn xử lý trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học theo Công văn số 196/SGDĐT-VP ngày 28-1-2021 của Sở GD-ĐT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

    Trường THPT Lê Hồng Phong triển khai việc dạy - học trực tuyến ngay ngày đầu sau nghỉ Tết Nguyên đán

    PV: Được biết, ngành GD-ĐT TP. Hải Phòng đã phát động trong toàn ngành tinh thần “dừng đến trường nhưng không dừng học”, sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến trong thời gian lâu dài. Vậy việc học trực tuyến sẽ được triển khai như thế nào và có những điểm mới gì so với năm học trước, thưa đồng chí?

    NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến: Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát động trong toàn ngành thực hiện khẩu hiệu “Dừng đến trường nhưng không dừng học”. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 218/SGDĐT-TrH ngày 1-2-2021 và văn bản số 265/SGDĐT ngày 9-2-2021 về việc hướng dẫn thực hiện dạy học trực tuyến trong trường hợp học sinh nghỉ đến trường do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, các cơ sở giáo dục rà soát tinh giản nội dung dạy học theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tính khoa học, đúng và đủ theo chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình phổ thông hiện hành để tổ chức dạy học qua internet.

    Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, dạy bài mới, ôn tập kiến thức, kiểm tra giám sát; chỉ đạo giáo viên dạy học qua internet, xây dựng các bài giảng điện tử để giao cho học sinh thực hiện các hoạt động phù hợp trên môi trường mạng (ưu tiên các nội dung để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu, như: đọc sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, xem video… để trả lời các câu hỏi, bài tập được giao); lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường, ưu tiên triển khai khai thác phần mềm Office 365 và dạy học trực tuyến qua phần mềm Microsoft Team; trong đó đặc biệt chú ý đến các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học qua internet có chất lượng, xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả đối tượng học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được tham gia học tập, đảm bảo công bằng.

    Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường xây dựng kế hoạch, giải pháp, tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã được học qua internet nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định. Nhà trường có trách nhiệm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo các đối tượng học sinh không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến được bổ sung các nội dung kiến thức mà nhà trường đã thực hiện trong thời gian dạy học trực tuyến.

    Đối với các trường ngoài công lập căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường, nhà trường tiến hành dạy học trực tuyến cho học sinh. Thống nhất với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Tiền hỗ trợ học trực tuyến, số tiền học phí đã thu và tiền học phí của các tháng học còn lại sau khi học sinh trở lại trường không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm của học sinh đã được Nhà trường thông báo từ đầu năm học…

    Trên thực tế, năm học 2019-2020, việc dạy online trên phần mềm Office 365 (hay Microsoft Team) đối với cấp THCS, THPT, GDNN&GDTX); đối với cấp tiểu học chủ yếu dùng phần mềm zoom còn nhiều hạn chế. Năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT phối hợp với Microsoft Việt Nam đã cấp tài khoản (bản quyền) cho 100% giáo viên và học sinh từ bậc Tiểu học đến THPT và GDTX để triển khai dạy và học online.

    PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

    HẢI HẬU thực hiện

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông