14:54 09/01/2020 Hải Phòng đã triển khai dạy và học nhiều ngoại ngữ gồm: Anh, Pháp, Nhật, Hàn quốc, Trung Quốc. Xác định nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong trường học là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, ngành GD-ĐT thành phố đang tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh việc dạy - học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nhật và tiếng Hàn ở các trường phổ thông.
Ngày hội văn hóa Việt - Nhật tại Trường THCS Chu Văn An
Chiều 8-1, Sở GD-ĐT Hải Phòng tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng và định hướng dạy - học tiếng Nhật và tiếng Hàn Quốc ở các trường phổ thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030. NGƯT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Tô Chung, Phó Trưởng ban Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc sở GD-ĐT; Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cùng các lãnh đạo phòng giáo dục, các nhà trường có hoạt động dạy học tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc.
Việc chọn học tiếng Nhật, tiếng Hàn hiện nay là do phụ huynh, học sinh tự nguyện đăng ký. Môn tiếng Nhật được sở GD-ĐT chỉ đạo triển khai thí điểm tại trường THCS Tô Hiệu từ năm học 2012-2013. Qua 7 năm học triển khai mô hình, nhà trường có 8 CLB tiếng Nhật, với hơn 400 em tham gia, đông nhất toàn thành phố về số CLB và số học sinh tham gia. Đến nay, cả ba cấp học đã triển khai dạy tiếng Nhật, trong đó nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố có mô hình dạy và học tiếng Nhật với nhiều loại hình khác nhau. Đối với môn tiếng Hàn Quốc, ở thời điểm hiện tại mới chỉ có duy nhất trường THPT Marie Curie triển khai thí điểm dạy dưới hình thức học ngoài giờ chính khóa.
Đánh giá về thực trạng việc dạy và học tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, các đại biểu cho rằng, mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng thực tế việc dạy học hai ngoại ngữ này còn gặp khó về chương trình học, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất. Ngoài tiếng Anh thực hiện ở hầu hết các trường học, một số trường dạy ngoại ngữ khác đều là những trường “điểm” của thành phố hoặc của quận vì có điều kiện tốt về mọi mặt, chất lượng tiếng Anh của học sinh cao và có nhiều nhu cầu nhất. Việc dạy - học tiếng Nhật ở các trường THCS khó tìm “đầu ra” ở bậc THPT, hoặc trường nghề, chưa đủ chất lượng để làm nghề. Ngoài ra, việc dạy - học tiếng Hàn Quốc còn gặp khó hơn về chương trình, giáo viên…
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quốc Tiến nhấn mạnh, để xây dựng thành công một đề án dạy học ngoại ngữ nói chung, tiếng Nhật và tiếng Hàn Quốc nói riêng thì cần xã hội hóa nhiều. Có một thực tế là, nhu cầu về nhân lực tiếng Nhật và tiếng Hàn Quốc tại Hải Phòng hiện nay là rất lớn. Trong khi hầu hết các trường mới dừng lại ở việc dạy phổ thông một ngoại ngữ là tiếng Anh.
Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, các trường phổ thông nếu làm tốt sẽ thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. “Các doanh nghiệp cần gieo trồng nguồn nhân lực ngay từ các trường phổ thông, chứ không chỉ chờ nguồn nhân lực đã đào tạo xong. Chúng ta cần đồng hành cùng các doanh nghiệp, xuất khẩu lao động; ở chiều ngược lại sẽ nhận được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên…”, đồng chí Lê Quốc Tiến nói.
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024