Ngành Giáo dục kết nối nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện

    16:33 26/01/2021

    Ngày 22-1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) gặp mặt, tri ân và ký thoả thuận hợp tác với hơn 20 đơn vị nhằm triển khai chương trình “Kết nối nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025”.

    Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi gặp mặt

    Kế hoạch số 29 về việc “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện giai đoạn 2021-2025” được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 11-1-2021, để thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 4-6-2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 và hưởng ứng chương trình “Điều ước cho em”.

    Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, triển khai Kế hoạch số 29, ngành Giáo dục hướng tới đẩy mạnh kết nối nguồn lực xã hội, giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp theo tiêu chí quy định, đảm bảo điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh. Sự tham gia của các nguồn lực xã hội được kỳ vọng góp phần tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giúp trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số hay có hoàn cảnh đặc biệt được học hòa nhập. Đồng thời, các nguồn lực xã hội sẽ hỗ trợ triển khai áp dụng số hóa để quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh, học liệu phần mềm hỗ trợ việc dạy và học.

    Các đơn vị, doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ GD-ĐT nhằm kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện

    Trong thời gian qua, Nghị quyết số 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó có các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước. “Sự đồng hành của các tổ chức này trong giai đoạn 2015-2020 không chỉ giúp các cơ sở giải quyết vấn đề về nguồn lực tài chính để phát triển giáo dục mà còn mở rộng các chủ thể tham gia vào giáo dục để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá.

    Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước hiện vẫn còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất: 33,6% số trường thiếu phòng học, 31% số trường thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh tạm bợ, 61% số trường có nhà vệ sinh không đạt chuẩn. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 58% tổng số hộ nghèo cả nước, dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em, học sinh nghèo vẫn còn thiếu ăn, thiếu mặc, sách vở, đồ dùng học tập. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn và ảnh hưởng không nhỏ của thiên tai, dịch bệnh, Bộ GD-ĐT xác định, huy động, kết nối nguồn nhân lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện là giải pháp quan trọng, đồng thời, là trách nhiệm của ngành Giáo dục và toàn xã hội. Bộ GD-ĐT mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp ở trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm, đồng hành nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch. Đây chính là nguồn động viên thiết thực, to lớn giúp các trường, điểm trường, giáo viên, học sinh vùng khó khăn có điều kiện dạy - học tốt hơn. Giữ vai trò kết nối, Bộ GD-ĐT đã thành lập Ban điều phối để đôn đốc triển khai Kế hoạch và các văn bản ký kết; ghi nhận những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

    Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" tặng các cá nhân có đóng góp tích cực đối với sự phát triển GD-ĐT thời gian qua

    Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2021, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện tối thiểu tại 10 tỉnh. Giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tối thiểu tại 30 tỉnh, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tạo dựng mô hình và nhân rộng, phát triển, lan tỏa cộng đồng giai đoạn 2025-2030. Các địa phương phải xác định rõ về đầu việc, hạng mục, tiêu chí và nhiệm vụ theo giai đoạn và từng năm; hưởng ứng việc tạo dựng mô hình kết nối nguồn lực xã hội theo kế hoạch. Sự tham gia của các nguồn lực xã hội được kỳ vọng góp phần tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giúp trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số hay có hoàn cảnh đặc biệt được học hòa nhập. Đồng thời, các nguồn lực xã hội sẽ hỗ trợ triển khai áp dụng số hóa để quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh, học liệu phần mềm hỗ trợ việc dạy và học.

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông